Chính trị

Sẽ có chế tài xử lý vi phạm trong ban hành văn bản

Duy Tuấn 21/08/2024 - 20:52

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, khi sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ thiết kế các chế tài về mặt hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Khi có dấu hiệu vụ lợi vi phạm thì quy về hình sự.

Chiều 21/8, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 36, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Mới dừng ở phê bình, nhắc nhở

Theo đại biểu Dương Khắc Mai- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đắk Nông, qua công tác kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp, phát hiện rất nhiều văn bản có quy định trái pháp luật và tác động ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội; quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

duongkhacmai.jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai- Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc tiến hành xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, đơn vị liên quan trong quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, ban hành văn bản trái pháp luật ở các cơ quan có văn bản trái pháp luật "mới chỉ chủ yếu dừng lại ở mức phê bình, nhắc nhở".

Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời Đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, pháp luật hiện hành quy định, các bộ, ngành có nhiệm vụ tự kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành.

Bộ Tư pháp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và đề xuất biện pháp xử lý.

“Số liệu Bộ Tư pháp có được, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành thực hiện chưa tốt. Ví dụ, năm 2023, trừ Bộ Tư pháp, chỉ có 4 Bộ phát hiện có tổng cộng gần 20 văn bản có các dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc trái pháp luật với các tiêu chí khác nhau như đã báo cáo”, Phó Thủ tướng thông tin.

long1.jpg
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho biết, sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để từ đó rõ hơn các hành vi liên quan đến việc thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản, kiểm tra, sau đó mới dẫn chiếu sang pháp luật về cán bộ, công chức.

Đồng thời, cần tính toán thêm để thiết kế các chế tài về mặt hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Khi có dấu hiệu vụ lợi vi phạm thì quy về hình sự. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, làm việc trực tiếp với các cơ quan.

Không đủ cơ sở khẳng định có lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

Dẫn việc Bộ Chính trị ban hành quy định 178 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh- Đoàn ĐBQH TP.HCM đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật hay không?

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nói "không đủ cơ sở để khẳng định có hay không" tình trạng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.

long2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

Tuy nhiên, "qua các vụ án tham nhũng- kinh tế, cũng như kết luận các vụ việc vi phạm do cơ quan thanh tra, kiểm tra ban hành thì thấy "có biểu hiện đó", nhưng mức độ đến đâu thì "không dám khẳng định".

Theo Phó thủ tướng, thời gian qua, Bộ Chính trị ban hành các quy định liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử cho đến thi hành án, xây dựng pháp luật…

Trong số trên, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật khó hơn cả, bởi đây là lĩnh vực có những đặc thù nhất định. Vì xây dựng pháp luật là một công trình tập thể, trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, từ bộ, ngành đến Chính phủ, các ủy ban, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rồi Quốc hội

"Cũng vì là công trình tập thể, muốn xác định lỗi của ai thì phải cá thể hóa, phải gắn với quan hệ nhân quả, chứng minh được yếu tố vụ lợi trong quá trình xây dựng. Cái này không thể bằng mắt thường hay hành chính mà có thể phát hiện được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quán triệt, đồng thời hiện thực hóa các giải pháp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Duy Tuấn