Chính trị

Tinh thần pháp trị cần được thẩm thấu trong mọi tổ chức, cá nhân

Duy Tuấn 21/08/2024 - 15:34

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, để có Nhà nước pháp quyền, tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân, đó là: xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền.

Nội dung đáng chú ý này được đưa ra tại Tọa đàm “Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” do Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Cục Phổ biến giáo dục pháp luật và Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý cùng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức 21/8.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về việc thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW.

toancanh-3743.jpg
Toàn cảnh toạ đàm.

Lan tỏa tinh thần, tư tưởng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới được đánh giá là một bước cụ thể hoá rất quan trọng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của, không chỉ với việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, mà cả nhiệm vụ chiến lược xây dựng và hệ thống chính trị.

Việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được xác định là giải pháp để Đảng, Nhà nước, nhân dân ta thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước đã được Nghị quyết Trung ương xác định đến năm 2030 - 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 - 100 năm thành lập nước và xây dựng nước Việt Nam hùng cường - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

t-t.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh phát biểu khai mạc Tọa đàm

"Nghị quyết xác định: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại…”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh nêu rõ.

td3.jpg
PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Để có Nhà nước pháp quyền, tinh thần pháp trị cần phải được thẩm thấu trong tổ chức và hoạt động của mọi tổ chức, cá nhân, đó là: xã hội pháp quyền, chính quyền pháp quyền, tổ chức pháp quyền, công dân pháp quyền. Từ đó, đặt ra yêu cầu lan tỏa tinh thần, tư tưởng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến mọi người dân Việt Nam để cùng hệ thống chính trị xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với các mục tiêu, nhiệm vụ như đã được xác định tại Nghị quyết 27.

Nhà nước pháp quyền cần thực hiện được độc lập xét xử

Khẳng định Nghị quyết 27 đã được thông qua là thành quả của gần 40 năm đổi mới, PGS.TS Tường Duy Kiên - Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, “bây giờ chúng ta không bàn về lý luận mà cần nhận thức đúng để triển khai thực hiện”.

"Ví dụ, cũng là quyền con người - quyền công dân trong Hiến pháp. Nhưng giờ chúng ta phải làm rõ để người lãnh đạo hiểu, người dân hiểu, để thực hiện cho tốt. Nhiều khi vì sự nhạy cảm mà chúng ta khó khăn trong việc thực hiện. Cốt lõi của quyền con người là khẳng định phẩm giá, danh dự con người. Cốt lõi của pháp quyền là thượng tôn pháp luật”, PGS.TS Tường Duy Kiên nêu.

Đặc biệt, PGS.TS Tường Duy Kiên nhấn mạnh, quá trình thực hiện Nhà nước pháp quyền cần thực hiện được độc lập xét xử. “Độc lập xét xử không phải là thoát ly sự lãnh đạo của Đảng”. Phân tích một số nội dung quan trọng của Nghị quyết 27, ông lần nữa khẳng định: "Cốt lõi vẫn là đảm bảo quyền con người. Nghị quyết đã được ban hành, nhưng phải làm sao để thực hiện cho tốt, đó mới là điều quan trọng nhất".

td2.jpg
GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam.

Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, trong nhà nước pháp quyền thì phải sử dụng pháp trị. Pháp quyền là áp đặt ý chí nhà nước, chính quyền lên xã hội, nhưng trong bối cảnh cần pháp quyền. Tuy nhiên, nếu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự thì xây dựng quyền là cơ bản, chỉ dụng Pháp trị trong chừng mực nhất định.

"Đã là pháp quyền thì dựa trên quyền là chủ yếu, đề cao, tôn trọng các quyền của người dân. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền của chúng ta cần tăng cường Đức trị theo đúng tinh thần của Bác Hồ. Lấy quyền của người dân lên làm đầu", ông Hạnh nhấn mạnh.

Duy Tuấn