Chính trị

Hai thể chế mới được ban hành nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU

Duy Tuấn 21/08/2024 - 13:49

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU, có hai thể chế mới được ban hành, trong đó có Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự những hành vi vi phạm liên quan đến IUU.

Tiếp tục phiên họp thứ 36, sáng 21/8, UBTVQH tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện sáu nghị quyết của UBTVQH về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Hoàn thiện thể chế

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về những khó khăn trong vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU, đại biểu Trần Thị Nhị Hà- Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội cho biết, trong năm 2024, ngành thủy sản nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức từ thị trường, giá bán đến các thách thức do những rào cản thương mại. Đặc biệt, trong bối cảnh đã gần 7 năm Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động thủy sản.

nn4.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà- Đoàn ĐBQH Tp Hà Nội

“Đến thời điểm hiện tại, Bộ đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU và Bộ trưởng có cam kết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?”, đại biểu Trần Thị Nhị Hà chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, chủ yếu vẫn là thực hiện tốt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó phát triển thủy sản dựa trên ba trụ cột: Giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển để đảm bảo trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.

nn2.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

“Những giải pháp nhằm gỡ "thẻ vàng" IUU chúng ta thực hiện trong suốt 7 năm qua đã có những thành quả nhất định. Chúng ta cũng tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, hiện 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ trưởng thông tin về hai thể chế ban hành gần đây, liên quan đến lĩnh vực này.

Thứ nhất là Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.

nn5.jpg
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Thứ hai là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về hướng dẫn thực hiện một số quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản.

Coi ngư dân như một người làm nghề

Theo Bộ trưởng, Việt Nam chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra EU. Chúng ta phải chứng minh được một điều về sự cải thiện những trường hợp kết luận của đoàn thanh tra đưa ra. Bên cạnh đó, phải tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan cùng vào cuộc trong tháng cao điểm để chuẩn bị tiếp đoàn thanh tra của EU.

Đáng chú ý, Bộ trưởng NN&PTNT cho rằng, chúng ta nói “nghề cá” nhưng chưa bao giờ ứng xử với những người ngư dân khai thác như một người làm nghề.

nn3.jpg
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn.

“Chúng tôi có thống kê nhân lực cho ngành ngư nghiệp rất yếu, khoảng trên 60% là tốt nghiệp cấp 1, đặc biệt có những người không biết chữ. Mong Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ NN&PTNT tăng cường nhận thức cho ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Chúng ta không cần tiến sỹ hay những người có học hàm, học vị cao, nhưng người khai thác phải biết được kỹ năng, kiến thức để làm sao khai thác ít hơn nhưng được hiệu quả nhiều hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.

Duy Tuấn