Theo dấu dòng nước thải đen: Kỳ 2 - Khi người dân sống mòn bên dòng sông chết
Càng lần theo dấu vết dòng nước thải đen kịt, đặc quánh từ trại heo Thanh Đôn xả ra môi trường, chúng tôi càng được chứng kiến tận mắt sự tàn phá khủng khiếp mà việc xả thải này gây ra cho môi trường, hệ sinh thái sông Đồng Nai và cả những ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương nơi đây.
Sáng sớm ngày 14/8, chúng tôi ngồi bên bờ sông Đồng Nai nghỉ chân sau khi ghi nhận hình ảnh khúc sông ô nhiễm trầm trọng sau trận xả thải của trại heo Thanh Đôn đêm qua. Dòng sông Đồng Nai vốn trong xanh mang, lại nguồn sống và gắn liền với biết bao thế hệ người dân nhiều thế kỷ qua, giờ đây nước sông đục ngầu, bốc mùi hôi thối nồng nặc mỗi khi con nước vỗ vào bờ. Mặt nước sông chia 2 màu xanh – đen rõ rệt, lềnh bềnh những mảng váng chất thải heo và rác thải.
Một chiếc xuồng rẽ nước cập vào nhà lồng bè ven sông. Một chị gái với thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn bước lên. Bắt chuyện với chị, chúng tôi được biết chị tên Trần Thị Duyên đã sống và nuôi cá trên nhà lồng bè sát miệng suối xả thải này suốt mười mấy năm qua. Con sông này là nguồn thu nhập, là nơi cung cấp nước sinh hoạt và là nơi sinh sống của cả gia đình chị.
Chị Duyên kể, khi nước thải trại heo chưa hoà vào con sông, nước sông trong xanh, mát lành, cả gia đình chị dùng nguồn nước này để tắm giặt, sinh hoạt mà không phải lo ngại gì. Những khi trời nổi gió hay vào mùa mưa, phù sa chảy về làm nước sông đục hơn, nhưng cũng chỉ cần lóng phèn là nước lại trong vắt để sử dụng ngay. Khi ấy cá tôm trên sông nhiều vô kể, mỗi sáng người ra sông cắm cần câu có thể mang về vài cân cá, đủ để nuôi sống gia đình.
Nhưng mấy năm gần đây, trại heo xả thải khiến nguồn nước sông bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn. Có đêm mưa lớn, trại heo xả thải nhiều, dòng thải từ con suối theo mạch nước men bờ, chảy vòng qua nhà bè của chị, rồi quyện ra giữa sông. Cả khúc sông hôi thối, đen ngòm, cá tôm chết nổi trắng xoá. Phải 2 – 3 ngày sau mớ váng thải mới dần trôi đi hết, nhưng chưa được vài hôm trại heo lại tiếp tục xả thải. Cứ cái vòng luẩn quẩn đó mấy năm nay.
Vừa bức xúc, chị Duyên vừa đỏ hoe đôi mắt khi kể về những đàn cá chết sạch sau mỗi đêm xả thải. Nuôi cá hồng giống trong ao ven bờ, mỗi đêm chị thường bơm nước từ sông thêm vào ao. Đêm tối khó nhận biết được nước sông đã hoà cùng nước thải, sáng hôm sau những con cá bị nước thải đầu độc đều ngửa bụng trắng xoá, ít thì cũng chết mấy chục con, hôm nào xả thải nhiều là chết hết cả hồ cá giống. Mà trại heo xả thải không có giờ giấc cố định, không biết mấy giờ, đêm nào chị cũng vừa bơm nước thêm vào ao vừa lo sợ.
Cá cứ chết từng đợt, chị Duyên quyết định cho thuê hồ, chỉ nuôi cá trắm dưới nhà lồng bè ven sông. “Nước như thế này mà cá trắm có hôm còn không chịu nổi chết cả mớ. Nếu chị nuôi mấy giống cá khác như cá hồng giống thì xả thải như đêm qua là sáng nay chết sạch cả rồi”, chị Duyên chặc lưỡi, lắc đầu.
Mặt trời dần lên cao, chúng tôi chào tạm biệt chị Duyên để tiếp tục ghi nhận những ảnh hưởng từ trận xả thải đêm qua. Trên đường từ sông về trung tâm xã Ngọc Định, chúng tôi ngang qua cánh đồng lúa đang được bơm nước vào ruộng. Một người dân đứng bên máy bơm nước, đăm chiêu nhìn những cây lúa èo uột nhà mình.
Khi chúng tôi đến hỏi thăm về thửa ruộng và nguồn nước bơm vào, anh Mai Văn An - chủ ruộng lúa cười bất lực: "Nước vào ruộng là bơm từ dưới sông lên. Khi trước nước tốt lắm, nhiều phù sa màu mỡ. Tới ngày gặt hạt lúa vàng ươm, chắc mẩy, trĩu nặng cả ruộng. Từ ngày trại heo xả thải, nước sông ô nhiễm nặng. Tôi bơm nước lên ruộng thì nước đen ngòm, hôi thối. Cây lúa chết dần, chết mòn. Chỉ có rau muống và bèo là mọc tươi tốt um tùm thôi. Mấy vụ gần đây đều như thế".
Quả thật như lời anh An nói, đường suối nơi nước thải chảy qua và cả phần đất trống kế bên thửa ruộng, chẳng ai chăm bón, rau muống và bèo vẫn chen nhau mọc xanh rì, tươi tốt. Sự tương phản giữa những luống rau muống xanh mơn mởn và cánh đồng lúa còi cọc, vàng vọt càng làm nổi bật lên sự tàn phá khủng khiếp của dòng nước thải ô nhiễm. Nỗi đau của người nông dân như anh An không chỉ là mất mát về kinh tế, mà còn là sự bất lực trước sự hủy hoại của môi trường, của nguồn sống mà họ đã gắn bó bao đời.
Tiếng vịt kêu quang quác cất lên, kéo sự chú ý của chúng tôi về phía người phụ nữ đang cho đàn vịt ăn trong sân nhà kế bên. Nghe anh An kể về nước sông ô nhiễm, chị Nguyễn Ngọc Hân vừa cho vịt ăn vừa góp lời. Chị là một người mẹ trẻ có đứa con trai lớn bị liệt hai chân bẩm sinh. "Trời nóng nực, con tôi nằm trong nhà càng thêm khó chịu, bức bối hơn vì oi bức, ngột ngạt. Nhưng tôi không dám mở cửa dù chỉ một khe hở. Mùi hôi thối từ trại heo xộc vào, không thể thở nổi. Nhìn con vật vã mà tôi chỉ biết bất lực".
Mẹ chị Hân ngồi trước hiên nhà cũng ngậm ngùi kể: "Trời nắng còn đỡ, trời mưa xuống là mùi hôi thối bốc lên kinh khủng, không thể chịu nổi. Cả nhà phải đóng kín cửa, bịt mũi mà vẫn không ăn thua gì. Nước sinh hoạt cũng bốc mùi, nhiều hôm nghe mùi hôi mà cả nhà chẳng buồn ăn uống”. Giọng bà lạc đi trong tiếng vịt kêu, như hòa vào nỗi buồn man mác của vùng quê đang oằn mình trong ô nhiễm.
Trước những thắc mắc của chúng tôi về việc người dân có báo cáo lên chính quyền giải quyết chưa, một không khí nặng nề bao trùm. Họ cho biết, đã nhiều lần gửi đơn lên xã, lên huyện, kể cả phản ánh khi tiếp xúc cử tri, nhưng rồi tất cả đều chìm vào im lặng. "Không biết tại sao mà gửi đơn lên xã rồi đến huyện là lại im bặt không nhận được phản hồi, sự việc cứ thế tiếp diễn ngày qua ngày. Vài lần như thế chúng tôi cũng đành bất lực cam chịu", một người dân ngậm ngùi chia sẻ.
Chị Trần Thị Duyên, chủ bè cá sát miệng xả thải, cũng từng kể với chúng tôi rằng đã có lần chị gửi đơn lên xã rồi huyện nhưng cũng không nhận được phản hồi hay giải quyết gì. "Tôi đã làm tất cả những gì có thể, nhưng dường như tiếng nói của chúng tôi quá nhỏ bé", chị Duyên nói trong sự tuyệt vọng.
Khi chúng tôi hỏi thăm những người dân khác về trại heo và việc xả thải, nhiều người khuyên chúng tôi nên cẩn thận. Họ hạ giọng kể về những người dân khác đã từng đến tận trại heo để yêu cầu họ dừng việc xả thải, nhưng chỉ nhận được những lời đe dọa. "Trong đợt tiếp xúc cử tri trước, có người dân định đứng lên ý kiến nhưng bị người của trại heo bịt miệng, viết ra giấy định gửi lên thì bị vợ của chủ trại heo chụp hình lại nên chúng tôi đành thôi", một người dân giấu tên kể lại đầy e ngại.
Những câu chuyện đau lòng kể trên chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh ảm đạm về cuộc sống của người dân nơi đây. Họ đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ việc xả thải vô tội vạ của trại heo Thanh Đôn. Sức khỏe bị đe dọa, sinh kế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, môi trường sống bị hủy hoại nhưng họ cũng chỉ đành ngậm ngùi cam chịu khi những nỗ lực kêu cứu không thể thay đổi được gì suốt bao năm qua. Bên dòng sông đang dần chết, người dân nơi đây dường như cũng đang tuyệt vọng trải qua những ngày tháng “sống mòn”.
Một số ảnh khác nhóm PV ghi nhận được tại xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai:
Ghi chú: Tên các nhân vật đã được thay đổi để đảm bảo sự an toàn cho những người cung cấp thông tin về vụ việc trên.