Gia đình có hơn 100 người “con, cháu”
Hơn 100 đứa trẻ bị bỏ rơi, kém may mắn trong cuộc sống, mồ côi cha hoặc mẹ được vợ chồng ông Trương Thành Nhơn (SN 1954) và bà Trần Thị Trà (SN 1966) cùng ngụ ấp Bình Chánh, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, đón về nuôi ăn, học xem như con, cháu trong gia đình.
Ngôi nhà của tình yêu thương
Khi nghe thông tin về một cặp vợ chồng ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai nhận cưu mang hơn 100 đứa trẻ, sinh sống trong nhà cho các cháu ăn học cho đến lúc tốt nghiệp đại học, chúng tôi “bán tín, bán nghi” và quyết định đi tìm sự thật.
Trong cái nắng oi ả tháng Tám, để đến được địa phận xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cữu, chúng tôi phải băng qua vùng đệm cánh rừng nguyên sinh Mã Đà bạt ngàn, được mệnh danh là lá phổi xanh của miền Đông Nam Bộ với quãng đường gần 30 km đã được trải nhựa. Hai bên con đường là những cánh rừng già xanh mát.
Khi đến ấp Bình Chánh, xã Phú Lý hỏi về gia đình ông Nhơn, bà Trà, hầu hết từ già tới trẻ đều biết. Ngoài các cháu được chăm sóc, cưu mang ăn, học, họ còn thường xuyên có những nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ những gia đình khó khăn trong ngôi làng này.
Tiếp chúng tôi là hai vợ chồng đã luống tuổi, với khuôn mặt phúc hậu niềm nở hiếu khách. Chúng tôi giới thiệu là phóng viên muốn tìm hiểu viết bài, hai ông bà không "mặn mà" lắm và bà Trần Thị Trà bảo: “Tôi làm là xuất phát từ cái tâm, tình yêu thương và tương lai của các cháu nhỏ, chứ không muốn nổi tiếng làm gì!”
Qua thuyết phục, vợ chồng ông Nhơn, bà Trà cũng đồng ý chia sẻ với chúng tôi.
Bà Trà nhớ lại, từ năm 2013, trong một chuyến từ thiện ở tỉnh Đắk Nông, nghe thông tin có nhiều cháu nhỏ đều người dân tộc H'Mông, Ê đê… mất cha, mất mẹ, gia đình khó khăn có nguy cơ không được đến trường như những bạn đồng trang lứa. Thông qua chính quyền địa phương và những người quen giới thiệu, bà đã nhận 8 đứa trẻ ở độ tuổi 6 đến 8 đưa về nuôi dưỡng.
"Mặc dù đã đến tuổi đến trường, nhưng những đứa trẻ này đều không được đi học. Khi thấy những đứa trẻ này, tôi đã quyết định không suy nghĩ phải có trách nhiệm chăm sóc chúng”, bà Trà chia sẻ.
Có thêm 8 “đứa con”, vợ chồng bà Trà thêm chật vật. Tuy vậy, ông bà vẫn có gắng chắt chiu, bù đắp để những đứa bé quên dần tuổi thơ bất hạnh. Thấy bà Trà chăm sóc những đứa bé không cùng huyết thống như ruột thịt, tiếng gần đồn xa bắt đầu nhiều đưa trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến gửi gắm chăm sóc. Từ 8 đứa trẻ ban đầu, đến nay, bà Trà và ông Nhơn trở thành “ông Bụt bà Tiên” của hơn 100 đứa trẻ khác.
Những đứa trẻ được "đổi đời"
Trong năm 2024, trong ngôi nhà của ông Nhơn, bà Trà đã có 4 cháu đã tốt nghiệp THPT và chuẩn bị hành trang bước vào đại học đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng. Đó là các cháu Huỳnh Thị Huyền Trân (SN 2006); Cư A Dế (SN 2004); Sùng A Bảy (SN 2003); Ma Đông Âu (SN 2006); học sinh Trường THCS-THPT Huỳnh Văn Nghệ (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai).
Bà Trà xúc động, chia sẻ: ‘‘Cảm ơn thầy cô đã quan tâm, động viên giúp các cháu vượt qua mặc cảm thân phận để học tập tốt. Cảm ơn các cháu đã không ngừng cố gắng, giúp ông bà thấy được sự vất vả của mình hữu ích. Sức lực của ông bà có hạn nhưng tri thức sẽ thay đổi và đưa các cháu đến chân trời mới, thành người hữu ích, các em nhỏ nhìn vào sẽ có động lực phấn đấu nên đó là món quà vô giá".
Cháu Sùng A Bảy (SN 2003, người dân tộc H'Mông, quê Quảng Hòa, huyện Đắk Grong, tỉnh Đắk Nông) nhớ lại: "Năm 2013, lúc đó ba đi lấy vợ mới, mẹ lại mất sớm nên con phải bỏ học giữa chừng để phụ ba đi làm rẫy. Sau mấy năm không được đến trường, đến năm 2016, cháu được ông, bà đón về đây cho ăn, học mới có được như ngày hôm nay và sắp bước vào giảng đường đại học. Nếu cháu đang sống ở quê thì trong mơ cũng cũng không thấy sự thật này”.
Còn cháu Cư Seo Phong (SN 2005, quê San Chái, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) cho biết: "Từ nhỏ cháu họ Giàng, nhưng ba đã bán hết nhà cửa, ruộng, vườn để lấy tiền uống rượu. Trong một lần say rượu đã đốt hết giấy tờ tùy thân của cháu và không cho đi học. Mẹ cũng thường xuyên bị ba đánh đập trong những lần đi uống rượu về. Vì chịu không nổi hai mẹ con cháu đã phải phiêu bạt vào tỉnh Đắk Nông sinh sống. Rồi sau đó cháu phải đổi tên sang họ của mẹ và được ông bà đón về đây, cho con đi học".
Bà Trà cho biết: "Bé Đinh Thiện Hân nay mới 8 tuổi nhưng là chị của hai em nhỏ. Ba em mất, mẹ đi lấy chồng. Ba chị em Hân được đưa vào mái ấm sinh sống và chưa một lần được mẹ quay trở lại thăm. Nhìn các cháu hồn nhiên vậy, nhưng tôi biết các cháu luôn khao khát tình thương của cha mẹ".
Đến nay, ông Nhơn và bà Trà đã xây dựng các dãy phòng khang trang, sạch sẽ, gắn máy lạnh và sử dụng năng lượng mặt trời, phân chia từng khu, từng độ tuổi làm nơi nghỉ ngơi cho các cháu. Giữa các dãy nhà là một khoảng sân rộng để các cháu sinh hoạt chung và phòng sinh hoạt cộng đồng tiện nghi để giải trí vào các ngày cuối tuần như tivi, loa, đàn... Những ngày đến trường, các cháu đều có xe đưa rước, mà không phải tự mình đi học.
Để các cháu cảm nhận được hơi ấm tình thân, mái ấm của ông bà còn thường xuyên tổ chức các hoạt động như: đi du lịch, sinh nhật, văn nghệ, vui chơi, tặng quà nhân các dịp lễ, Tết..., tạo điều kiện cho các em phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, bù đắp những thiệt thòi, mất mát mà các em phải gánh chịu.
“Trẻ sống tại đây ở nhiều độ tuổi khác nhau, cháu lớn chăm sóc cháu bé và các cháu đều rất ngoan, lễ phép, học giỏi. Điều đặc biệt, các cháu rất có ý thức, tự phân công công việc như bé gái nấu cơm thì bé trai rửa chén. Gia đình tôi ngoài việc chăm sóc, nuôi dạy, cho các cháu đi học thì còn nhắc nhở, giáo dục các cháu về giới tính và hướng dẫn các cháu nhiều quy tắc ứng xử cơ bản khác”, bà Trà nói.
Bà Trà mong các cháu nhỏ mà bà đang cưu mang, có cuộc sống tốt nhất, để các cháu dần quên đi tuổi thơ thiếu thốn. Theo bà, việc nuôi dạy trẻ ngoài xuất phát từ tình yêu thương, vợ chồng bà cũng mong được san sẻ một phần gánh nặng xã hội.
Vì thế, để việc nuôi dạy trẻ được tốt hơn, vợ chồng bà rất mong được UBND huyện Vĩnh Cửu, UBND tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện, hướng dẫn thủ tục và hỗ trợ để thành lập cơ sở bảo trợ xã hội.