Bà Rịa - Vũng Tàu: FDI tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ
Chiều 19/8, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp thường kỳ, nhằm đánh giá lại tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 7 tháng đầu năm, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm cho những tháng cuối năm 2024.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, trong 7 tháng qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu kinh tế, tài chính tăng trưởng hơn so với cùng kỳ, cao hơn mức kế hoạch của năm.
Một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao như: Giá trị sản xuất công nghiệp (trừ dầu khí) tăng 12,56%; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,21%; doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 37,73%; doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 11,25%; kim ngạch xuất khẩu (trừ dầu khí) tăng 7,01%...
Tổng thu ngân sách thực hiện 56.727 tỷ đồng, đạt 64,03%, tăng 11,45% so cùng kỳ. Trong đó, thu từ dầu khí 19.449 tỷ đồng, tăng 2,21%; thu thuế xuất, nhập khẩu khoảng 12.343 tỷ đồng, tăng 27,79%; thu ngân sách nội địa khoảng 24.935 tỷ đồng, tăng 12,27% so với cùng kỳ.
Các khoản thu ngân sách lớn nhất vẫn là thu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng hơn 10 tỷ đồng, tiếp theo là thu từ khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh hơn 3.2 tỷ đồng; thu thuế thu nhập cá nhân 2.691 tỷ đồng; thu từ khu vực Doanh nghiệp nhà nước 2.724 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 1.475 tỷ đồng, thu xổ số 1.204 tỷ đồng.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới không ngừng tăng cao tăng 28,15% so với 1.140 doanh nghiệp được cấp chứng nhận, tổng vốn đăng ký 12.559 tỷ đồng, tăng 212,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 7 tháng đầu năm có 34 dự án đầu tư nước ngoài FDI được cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 1.757 triệu USD, đạt 87,8% kế hoạch năm 2024, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ.
Trong đó, có 20 dự án FDI đăng ký mới, tổng vốn đăng ký hơn 1.533 triệu USD, đạt 98,3% kế hoạch năm 2024, tăng gấp 14 lần so với cùng kỳ; 14 dự án điều chỉnh tăng vốn đạt 223,24 triệu USD. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì trong 7 tháng vừa qua, vẫn còn một số hạn chế...
Tổng chi ngân sách chỉ đạt 43,31% dự toán, nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công dẫn đến chi đầu tư phát triển chỉ đạt 42,24% dự toán. Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái giải ngân 7 tháng đầu năm 2024 đạt 41,79%.
Tuy nhiên, trong số 24 dự án khởi công mới, đến nay mới khởi công được 8 dự án, còn 16 dự án chưa khởi công. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, trong những tháng cuối năm tỉnh sẽ tập trung một số nhiệm vụ như: Thúc đẩy năng lực sản xuất tăng thêm từ các dự án mới; tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh để duy trì năng lực sản xuất.
Hoàn chỉnh phương án giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật của 3 cụm công nghiệp (Hòa Long, Long Phước, Bình Châu) và lấy ý kiến về Quy chế quản lý cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn tỉnh để xem xét ban hành.
Về đầu tư phát triển, tỉnh rà soát, phân bổ hết số vốn còn lại là 994 tỷ đồng cho các dự án đủ thủ tục; điều chỉnh vốn từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao có nhu cầu tăng vốn như: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu 494 tỷ đồng và Đường trục chính Vũng Tàu 500 tỷ đồng.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, kịp thời trình cấp thẩm quyền điều chỉnh vốn giữa các dự án trong nội bộ chủ đầu tư từ các dự án giải ngân thấp sang các dự án giải ngân cao có nhu cầu tăng vốn để tăng tỷ lệ giải ngân.
Kết thúc cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành rà soát từng công việc cụ thể, phân tích đánh giá hạn chế, rút kinh nghiệm để thực hiện công việc hiệu quả hơn; cán bộ, công chức, viên chức phải nêu cao chủ động, linh hoạt, không ngồi chờ.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn; tìm ra các giải pháp tăng thu ngân sách, bảo đảm kế hoạch đã được giao.