Đào tạo đúng nghề, không để thầy nhiều hơn thợ
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đào tạo phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề. Có thời điểm học theo phong trào, thấy cái gì dễ thì đăng ký học, nhưng học ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ...
Tập trung 4 vấn đề trong giám sát
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 36, sáng 20/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.
Trình bày dự thảo Kế hoạch giám sát và các Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, việc giám sát sẽ tập trung vào 4 vấn đề: Đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Phạm vi giám sát tập trung vào việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn từ 2021 đến hết ngày 31/12/2024 trên phạm vi cả nước.
Về phương thức giám sát, Đoàn giám sát thực hiện các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế Tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mong muốn học, đào tạo xong là có việc làm
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc giám sát phải chỉ rõ và đặt ra nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp.
"Bây giờ đào tạo phải có việc làm, đào tạo đúng ngành nghề. Có thời điểm học theo phong trào, thấy cái gì dễ thì đăng ký học nhưng học ra không có việc làm, thầy nhiều hơn thợ”, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải nghiên cứu kỹ phạm vi giám sát, nhất là các văn bản của Đảng, Nhà nước đã ban hành và thực hiện, nội dung nào đang thực hiện, nội dung nào chưa thực hiện? Vì đây là những vấn đề dư luận xã hội và nhân dân quan tâm.
“Ai cũng có gia đình, cũng có con em đi học, thì đều mong muốn học, đào tạo xong là có việc làm, phục vụ cho đất nước, phục vụ cho nhân dân, nhưng thực tế vừa qua như thế nào, thì phải xem xét kỹ vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị qua số liệu giám sát phải đưa ra một "bức tranh" tương đối toàn diện về thực trạng nguồn nhân lực của đất nước ta hiện nay; đánh giá rõ quy mô, chất lượng, cơ cấu nguồn nhân lực trong mối tương quan giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.
“Cái cuối cùng của sản phẩm là kiến nghị, khi kiến nghị phải chỉ ra cho rõ cơ quan nào, ngành nào phải thực hiện. Mỗi thành viên Đoàn giám sát phải thật sự trách nhiệm, có sản phẩm tham gia góp ý, đề xuất, nhất là quan điểm đối với kết luận giám sát”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Về các địa phương đến giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, kế hoạch đưa ra rất hợp lý khi tiến hành giám sát trực tiếp tại chính địa phương theo tiêu chí đại diện cho các vùng, miền, là hạt nhân, cực tăng trưởng và trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của vùng, trung tâm phát triển mới, sử dụng nhiều lao động, địa bàn khó khăn, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số.
Về đề cương báo cáo kết quả giám sát, cần có sự phân tích, dự báo đặt ra cho nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực phù hợp.
“Hiện nay, đất nước muốn phát triển đi lên, thì phải quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, bảo đảm thật sự là quốc sách hàng đầu. Nếu quan tâm đúng thì đất nước mới phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.