Theo dấu dòng nước thải đen:Kỳ 1 - Trại heo 'đầu độc' cả cộng đồng
Nhiều năm nay, người dân xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai rất bức xúc trước việc trại heo Thanh Đôn tại địa phương xả thẳng nước thải chưa qua xử lý vào lòng sông Đồng Nai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng.
Trung tuần tháng 7, trên đường đi công tác về do xe bị bể bánh nên chúng tôi dừng lại để thay ngay một con đường nhỏ thuộc xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Khung cảnh làng quê yên bình với cây xanh mát rượi, một quán cafe vườn nho nhỏ ven đường là chỗ chúng tôi ngồi đợi tài xế sửa xe.
Thế nhưng, khác với vẻ ngoài nên thơ, không khí ở đây khiến chúng tôi không thể thở nổi bởi mùi xú uế nồng nặc. Hỏi cô chủ quán và những thanh niên đang ngồi trong quán thì được biết, mùi hôi thối tràn lan trong không khí xuất phát từ một trại heo khá lớn ngay gần đó. Và mùi hôi này chưa phải là kinh khủng nhất.
“Nếu các anh chị mà đến đây lúc mới mưa xong, trại heo xả nước thải thì các anh chị sẽ không thể chịu nổi đâu. Chúng tôi người ở đây mà những lúc như thế còn nhức đầu nhức óc bởi sự hôi thối ngột ngạt của nó”, một thanh niên nói.
Ngày 12/8/2024, nhóm PV chúng tôi quyết định quay lại xã Ngọc Định. Xác định phải mất nhiều ngày để thâm nhập nắm bắt tình hình, chúng tôi lấy phòng nghỉ ở một nhà nghỉ cách khá xa trại heo nhưng mùi hôi thối vẫn nồng nặc trong không khí. Bà chủ nhà nghỉ chỉ vào cái quạt lớn để cuối hành lang dãy phòng hướng ra ngoài đang chạy hết công suất để trấn an chúng tôi: “Chị mở quạt hút mùi ra ngoài rồi, lát sẽ bớt ngay. Mùi từ trại heo gần đây chứ không phải nhà nghỉ của chị dơ đâu”.
Chiều đó, chúng tôi chia nhau đi ghi nhận thực tế ô nhiễm tại đây. Xuất phát điểm của cái mùi hôi thối cho cả vùng là từ trại heo Thanh Đôn. Trang trại này rộng khoảng 2ha nằm trong con hẻm nhỏ nối giữa tuyến đường Ngọc Định - Phú Tân, có ba mặt đều giáp đất của người dân. Từ phía cổng chính, chúng tôi men theo tường rào của trại heo để ghi nhận thực địa. Xung quanh trại được xây tường cao, rào kẽm gai và trang bị dày đặc camera, tạo nên một không gian kín đáo, khó ai có thể xâm nhập vào.
Đi vòng ra phía sau trại heo có khu đất đã được che chắn bằng tôn, cây cỏ dại mọc kín che phủ, chúng tôi phát hiện hai miệng cống dẫn thẳng ra con suối nhỏ. Nước ở đoạn suối ngay miệng cống đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối. Những con cá chết phơi trắng bụng ven bờ suối cũng khiến mùi hôi thối thêm phần khó chịu.
Đi men theo dòng suối khoảng 500m, chúng tôi ra đến bờ sông Đồng Nai, nơi đây có rất nhiều bè cá của người dân dọc theo bờ sông. Chúng tôi ghi nhận nước từ dòng suối nhỏ chảy ra khiến khúc sông này đục ngầu, bốc mùi tanh nồng. Chúng tôi đi xuồng xuôi theo dòng nước, chỉ cách khoảng 100m tính từ cửa suối đổ ra sông là một trạm bơm nước lấy nguồn nước cho nhà máy xử lý nước sạch Định Quán.
Để có thể xác định quy mô của trại heo Thanh Đôn, chúng tôi đã dùng máy quay trên cao để ghi nhận thực trạng. Có thể thấy rõ hai dãy trại heo khá lớn với mái ngói đỏ nằm nổi bật ở hai bên khu đất. Hai hồ nước lớn trong đó có một hồ chứa nước thải có màu đỏ lộ thiên ngoài trời, đây cũng chính là nguồn gây mùi hôi nồng nặc trong không khí ở khu vực này.
Khi chúng tôi quay lần đầu, hình ảnh cho thấy hồ nước thải có màu đỏ. Theo lời người dân địa phương, trại heo sẽ tắm heo ngày 2 lần vào 9h sáng và 3h chiều, sau giờ tắm heo chúng tôi cho máy quay lại thì thấy hồ nước thải đã ngả sang màu đen. Sau nhiều lần quay như thế vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối trong những khung giờ trước và sau khi trại tắm heo, chúng tôi có thể ghi nhận rõ ràng nước thải của các khu trại heo đã được xả thẳng vào hồ chứa lộ thiên trong trại.
Theo người dân địa phương, do sức chứa của hồ hạn chế, nên trại heo sẽ bơm thải xả thẳng ra suối mỗi khi có mưa. Những khi lâu ngày trời không mưa thì sẽ bơm nước thải xả tràn trên mặt ruộng sát với bờ tường bao phía sau đã được che tôn, nước thải ngấm xuống đất rồi mới ra cống và ra suối. Cây cỏ dại mọc rậm rạp là cách hữu hiệu để công nhân trại che đậy việc làm của mình.
Trong 2 ngày 12-13/8, chúng tôi đã dò la nhiều lần nhưng không thấy dấu hiệu việc xả thải của trại heo. 6h sáng ngày 14, khi chúng tôi ra đến con suối chỗ cửa cống xả của trại thì phát hiện dấu vết nước xả đã được bơm ra từ đêm trước, cá dưới suối chết nổi trắng mặt nước đến cả trăm con dạt vào hai bờ suối.
Xác định trại heo bơm nước thải về đêm, nên đêm 14/8 nhóm phóng viên chúng tôi trong vai người đi soi cá mật phục phía ngoài suối đoạn gần trại heo đến nửa đêm, nhưng không thấy dấu hiệu xả thải. Phán đoán có lẽ do mới xả đêm trước nên đêm đó trong trại không xả nên chúng tôi rút về nghỉ ngơi, không ngờ sáng hôm sau khi ra lại con suối thì lại phát hiện dấu vết xả thải.
Chúng tôi quyết định thay đổi giờ mật phục, 3h sáng ngày 15/8 chúng tôi quay lại con suối nơi đầu cống xả của trại heo thì phát hiện nước xả đang tràn trên mặt đất, len qua các gốc cây chảy xuống suối. Mùi phân heo bốc lên nồng nặc. Nhưng có lẽ do trại heo có gắn rất nhiều camera nên khi chúng tôi vừa xuất hiện cũng là lúc nước xả ngưng dần. Chỉ còn lại vết nhớp nhúa của phân heo chảy thẳng vào dòng suối.
Chỉ trong mấy ngày thực tế quanh khu vực trại heo, nhóm phóng viên chúng tôi trong vai người đi mua cá, đi soi cá, đi thăm dò mua đất đã ghi nhận được rất nhiều điều từ thực tế đáng báo động về việc chăn nuôi xả thải không đúng quy định pháp luật của trại heo Thanh Đôn, xã Ngọc Định, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Việc một trại heo tồn tại nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng nhưng vẫn bình chân như vậy liệu có điều gì khuất tất?
Kỳ 2: Những bức xúc của người dân địa phương.