Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa: Vững niềm tin người nghệ sỹ, chiến sỹ trên mặt trận văn hoá tư tưởng
Văn học, nghệ thuật (VHNT) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người, nhưng từ khi có giai cấp và đấu tranh giai cấp, để thu hút, tập hợp được đông đảo quần chúng,
PV: Cơ duyên nào đã đưa anh từ một nghệ sĩ về âm nhạc dân gian lại đứng trong hàng ngũ của lực lượng CAND?
Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa: Cũng như rất nhiều những sinh viên khi vừa tốt nghiệp ra trường (Khoa Âm nhạc truyền thống, chuyên nghành Đàn Bầu - Học viện Âm Nhạc Quốc Gia), tôi cũng mong muốn về một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp để làm việc và cống hiến.
Rất may mắn cho tôi khi vừa tốt nghiệp thì được Thượng tá, NSƯT Đặng Văn Hà giới thiệu về làm việc tại Đoàn Nghệ Thuật Công an nhân dân, nay là Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân và công tác từ năm 2003 cho đến nay. Quá trình gắn bó, cống hiến hơn 20 năm với lực lượng CAND, với Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân trải qua nhiều thăng trầm, nhiều kỷ niệm, đã gắn bó với tôi như một cơ duyên. Cơ duyên trở thành một người nghệ sỹ, người chiến sỹ công tác trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
PV: Anh có thể nêu một số thành tích của mình cũng như đơn vị trong thời gian qua cả về mặt chuyên môn cũng như trong giáo dục, củng cố lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước cho người dân?
Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa: Trong suốt quá trình công tác tại Nhà hát, tôi đã cùng các cán bộ của Nhà hát đi khắp các nẻo đường, các tỉnh thành của đất nước, các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… Tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn mỗi năm để phục vụ Cán bộ chiến sỹ và nhân dân, nhằm tuyên truyền hình tượng người chiến sỹ Công an, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng đến với nhân dân khắp cả nước.
Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân cũng đạt được những thành tích cao như HCV toàn đoàn trong các kỳ Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn Quốc những năm 2012, 2013, 2022… Trong mỗi kỳ liên hoan nghệ thuật này cũng có một phần đóng góp công sức nhỏ bé của tôi vào thành tích chung của Nhà hát, của ban nhạc Biển Đông Nhà hát Ca múa nhạc Công an nhân dân.
PV: Anh có thể chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật mà ngành Công an thực hiện có tác động như thế nào đến nhận thức và tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ cũng như cộng đồng?
Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa: Có thể nói âm nhạc là một hình thức nghệ thuật dễ tiếp cận đến mọi người một cách nhanh nhất. Âm nhạc trong lực lượng CAND cũng vậy, các tác phẩm âm nhạc của lực lượng CAND cũng đã góp phần nói lên được những cống hiến, công việc, tâm tư tình cảm của người chiến sỹ CAND, có cả những hy sinh thầm lặng, những mất mát…
Âm nhạc trong lực lượng CAND cũng góp phần cổ vũ tinh thần, thúc dục người chiến sỹ CAND luôn đứng vững vàng trong hàng ngũ của mình, góp phần tuyên truyền hình ảnh, phong cách người chiến sỹ Công an bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ. Từ đó giúp quần chúng nhân dân hiểu thêm công việc của lực lượng CAND, thêm yêu hình ảnh và màu áo của lực lượng CAND.
PV: Nghệ thuật được ví như chiếc cầu nối hiệu quả giữa người dân cũng như các tổ chức, cơ quan, đặc biệt với ngành CAND. Thưa Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa, anh có thể chia sẻ gì về việc nghệ thuật đã giúp ngành công an tiếp cận và thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân?
Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa: Như đã nói ở trên, âm nhạc là một hình thức tiếp cận đến đến mọi tầng lớp quần chúng một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc của Cán bộ chiến sỹ và nhân dân không ngừng được nâng cao.
Bản thân tôi luôn không ngừng học hỏi, tìm tòi, sáng tạo nhằm đáp ứng những yêu cầu của công việc, nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng. Trong các sáng tác của mình như một số ca khúc “Mùa xuân theo bước chân anh”, “Về với bản em người nữ chiến sỹ công đoàn CAND”, “Tên các anh đã thành tượng đài”…, tôi luôn cố gắng đưa những chất liệu âm nhạc mới mẻ, hình thức thể hiện phong phú nhằm nêu bật được hình ảnh của người chiến sỹ CAND trong thời đại mới, nhằm giúp nhân dân thêm hiểu, thêm tin yêu vào lực lượng CAND. Để từ đó, quần chúng nhân dân sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ và gắn bó hơn với lực lượng CAND với tinh thần “Quân với Dân như cá với nước”, nhằm giúp lực lượng CAND luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
PV: Không chỉ là một chiến sĩ, với anh thì vai trò của một nghệ sĩ về âm nhạc dân gian trong việc truyền bá, phổ biến các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật về đề tài Công an đến công chúng là như thế nào? Và anh đã gặp những khó khăn gì?
Trung tá, NSƯT Nguyễn Tất Nghĩa: Bản thân tôi là một nghệ sỹ biểu diễn âm nhạc dân gian trong lực lượng CAND, tôi nhận thấy có rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn trong việc tuyên truyền, phổ biến các tác phẩm âm nhạc dân gian nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật về đề tài CAND nói chung đến với công chúng.
Về mặt thuận lợi là bản thân tôi được đi rất nhiều nơi, được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều các chất liệu âm nhạc dân gian của các vùng miền, được sự cộng tác và giúp đỡ của rất nhiều những bạn bè nhạc sỹ khác như nhạc sỹ, NSƯT Hải Nam (Đoàn Văn công bộ đội Biên phòng), Nhạc sỹ, nghệ sỹ sáo trúc Minh Dương, Nhạc sỹ Duy Thịnh (Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân Đội)… nên các sáng tác của các nhạc sỹ và của mình luôn được sự đóng góp, chia sẻ của anh em đồng nghiệp về đề tài, chất liệu, hình thức biểu diễn như độc tấu, hoà tấu, ca khúc…, để từ đó có những tác phẩm tốt nhất để đến với công chúng.
Khó khăn thì còn rất nhiều, vì hình thức biểu diễn âm nhạc dân gian về đề tài CAND còn rất ít. Hình thức biểu diễn âm nhạc dân gian đơn thuần thì sẽ khó tiếp cận với giới trẻ, nên cần có sự đổi mới về phong cách biểu diễn, sự kết hợp hài hoà giữa âm nhạc dân gian và nhạc trẻ, nhạc giao hưởng, sẽ làm phong phú và làm mới hơn những tác phẩm âm nhạc, để cho ra những tác phẩm âm nhạc dân gian đương đại, dễ nghe hơn và dễ tiếp cận hơn với công chúng.
PV: Xin cảm ơn ông.