Xúc động trong mùa lễ vu lan báo hiếu
Lễ Vu Lan là dịp để tưởng nhớ và báo đáp công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Tại TP. Cần Thơ, nhiều chùa đã tổ chức lễ Vu Lan và thu hút sự tham dự của hàng ngàn phật tử và người dân.
Rằm tháng 7 năm nay, tại chùa Thiên Quang (TP Cần Thơ) tổ chức lễ Vu Lan vào ngày 17/8 – 18/8 (tức ngày 14/7 - 15/7 âm lịch), các phật tử đã đến hướng tấm lòng hiếu nghĩa đến các bậc sinh thành, thông qua nhiều hoạt động như: Lễ quy y Tam bảo; tụng kinh Vu Lan và thấp nến tri ân cha mẹ; lễ cài hoa hồng cho chư ni và phật tử; tụng kinh đại bi - bát nhã,..
Đây là các hoạt động văn hóa tâm linh có nhiều ý nghĩa và sâu sắc mừng ngày lễ Vu Lan.
Tại buổi lễ Vu Lan, các phật tử tham dự cùng nghe chia sẻ từ chư tăng tôn đức tăng (ni) về ý nghĩa ngày lễ Vu Lan. Ngay sau đó, thực hiện nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo, thấp nến tri ân cha mẹ, bày tỏ thành kính với cha mẹ, tưởng nhớ những người đã khuất và vinh danh những người còn tại thế với cháu con.
Kế đó, các phật tử cầm ngọn nến tri ân, đọc theo nguyện ước, theo hướng dẫn của các chư tăng tôn đức tăng (ni) đọc kinh nguyện cầu cho cha mẹ, người thân, nhân dân bá tánh được bình an và an lành.
Em Nguyễn Thị Tuyết Mai (sinh viên Đại học Nam Cần Thơ) cho biết, 2 năm nay em đến chùa để làm lễ đọc kinh và dâng đèn, nghe các thầy giảng về công ơn sinh thành của cha mẹ thì cá nhân em rất xúc động; nguyện thắp lên những ngọn nến tri ân, góp phần khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, bày tỏ lòng hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu.
Chia sẻ với PV, bà Dương Thị Nhượng (57 tuổi, ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cho biết, năm nào cũng vậy, bà cùng nhiều phật tử đã vượt quãng đường gần 10 km từ Bình Thủy đến chùa Thiên Quang dự lễ Vu Lan báo hiếu. Khi nhắc đến công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ bà Nhượng đã vô cùng xúc động.
Đưa con trai đến tham dự lễ Vu Lan báo hiếu, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (37tuổi, ở TP Cần Thơ) trào dâng cảm xúc khi nhớ tới công ơn sinh thành của cha mẹ và chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng đến chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu. Tôi mong các con noi theo gương báo hiếu với cha mẹ, biết được công sinh dưỡng dục của cha mẹ. Năm nào gia đình tôi cũng đến chùa dự lễ Vu Lan báo hiếu. Tôi mong các con noi theo gương báo hiếu với cha mẹ, biết được công sinh dưỡng dục của cha mẹ".
Trong các hoạt động kể trên, "Bông hồng cài áo" chính là nghi thức mang tính chất tôn vinh cao nhất. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc tưởng nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Với ý nghĩa đó, những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.
Kinh Phật đã viết: “Ân đức cha mẹ vô cùng, kể không bao giờ hết”, công ơn sinh thành của cha mẹ là trời, là biển". Do đó, Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo mà còn đi vào truyền thống đạo đức, trở thành một nét văn hóa đẹp, thấm sâu trong tâm thức của hàng triệu người dân Việt Nam.
Hình ảnh các phật tử đến tụng kinh Vu Lan và thấp nến tri ân, cài hoa hồng trong dịp lễ.