Văn hóa - Du lịch

Mỹ tục “Pây tái” tôn vinh hiếu lễ cha mẹ, tổ tiên của đồng bào Tày, Nùng

Nguyễn Liên- Trung Nguyên 18/08/2024 - 13:07

Ngày rằm tháng 7 tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang,... được đồng bào gọi là Tết “Pây tái”. Rằm tháng 7 ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn còn là dịp để gia đình, dòng họ sum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, tổ tiên.

Đồng bào Tày, Nùng có câu “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy” . Người vùng cao vốn trọng chữ “tình”, mến khách và thân thiện. Tại các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn,... có lễ "Pây tái" theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là "về ngoại", là dịp để những người con gần xa trong gia đình cùng nhau về sum họp tại nhà ngoại.

c1.jpg
Lễ "Pây tái" theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là "về ngoại" là nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc phía Bắc, đặc biệt đối với người Cao Bằng

Theo truyền thống, Tết “Pây tái” trong tiếng Tày có nghĩa là "về nhà ngoại" hay "về thăm bà ngoại". Tục lệ này diễn ra vào ngày 14/7 âm lịch, một ngày trước rằm tháng 7. Khi đó, con gái và con rể sẽ đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn sinh thành của cha mẹ.

Món quà mang về thăm cha mẹ bên ngoại ít nhiều do từng nhà, nhưng không thể thiếu là 2 con vịt béo, vài cặp bánh gai hoặc bánh chuối và một chai rượu nhỏ. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng

c3.jpg
Về ngoại ăn Tết nét độc đáo văn hóa đồng bào dân tộc Tày, Nùng Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc

Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, vì con vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt đó có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng 7 hàng năm.

Mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 gồm có bánh gai, thịt vịt và hoa quả. Người Tày, Nùng có câu: “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn chất kin nựa pết” (nghĩa là: Tết tháng Giêng ăn thịt gà, Tết tháng 7 ăn thịt vịt).

Ngày Tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.

Món ăn không thể thiếu trong dịp rằm tháng 7 ở Cao Bằng là thịt vịt quay lá mắc mật với bún trắng, canh thịt vịt nấu măng.

Vịt mổ xong, tẩm ướp đầy đủ gia vị, nhồi lá mắc mật vào bụng con vịt rồi khâu lại, phết một chút mật ong rừng lên ngoài da, sau đó đem quay.

z5742183141232_8fcacee35540c26b04159e59820985b4.jpg
Hiện nay, món thịt vịt quay lá mắc mật của người Tày, Nùng đã trở thành món ăn đặc sản, được khách thập phương thưởng thức khen ngợi.

"Pây tái" là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người Tày. Tục lệ này phản ánh sự coi trọng mối quan hệ gia đình, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thế hệ. Trước đây, người phụ nữ Tày sau khi lấy chồng thường ở cùng gia đình nhà chồng. Do đường xá khó khăn và điều kiện kinh tế không cho phép, mỗi năm họ chỉ được về thăm nhà vào dịp lễ Tết. Tết tháng Giêng thì phụ nữ Tày thường bận rộn với việc cúng lễ tổ tiên bên nhà chồng nên tháng Bảy chính là dịp thuận lợi để về thăm nhà ngoại.

Theo cụ Vương Thành là bậc cao niên dân tộc Tày, đang sinh sống cùng con cháu tại TP. Cao Bằng chia sẻ, rằm tháng 7 còn mang nhiều ý nghĩa khác. Ngoài thể hiện sự hiếu lễ con cháu dành cho tổ tiên thì rằm tháng 7 là tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Trí Cao - một Anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ XI.

Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý đào tạo, giao quyền cai quản, bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống ở phương Bắc.

Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hoà (Cao Bằng), nhiều quân binh của ông Nùng Trí Cao tử trận. Vì thế, nhân dân thương tiếc lấy ngày 14/7 làm ngày giỗ của quân binh.

"Péng tái" dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền, khi quân của ông Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.

c6.jpg
Không gian ấm cúng các gia đình ngày rằm tháng 7.
31a3549fddcc189241dd.jpg
Món quà chàng rể mang đến nhà vợ không thể thiếu bánh gai và vịt
vit-quay.jpg
Món quà chàng rể mang đến nhà vợ không thể thiếu bánh gai và vịt

Trong những năm qua tại các tỉnh khu vực Việt Bắc luôn quan tâm đến những "mỹ tục" của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, mỹ tục "Pây tái" luôn được ưu tiên hàng đầu, đi sâu vào đời sống nhân dân hàng nghìn năm qua. Bởi tục lệ "Pây tái" của người Tày không chỉ là một hành động thể hiện lòng hiếu thảo, mà còn là một phần quan trọng của văn hóa dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy mỹ tục này không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của người Tày, mà còn là một đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung.

Để "Pây tái" mãi là một mỹ tục đẹp, cần có sự chung tay của cả cộng đồng, từ việc giữ gìn, truyền dạy đến việc tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp. Mỗi cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức văn hóa cũng như sự đồng lòng của cộng đồng người Tày. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa của tục lệ "Pây tái" cần được đẩy mạnh, để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu và trân trọng giá trị của phong tục này.

Nguyễn Liên- Trung Nguyên