Vu lan báo hiếu giúp anh
Trong các cuộc trường chinh của dân tộc, lớp lớp thế hệ cha ông đã lên đường ra mặt trận, bỏ lại sau lưng mẹ già, em thơ, vợ trẻ, họ đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc, bao người ra đi vĩnh viễn không trở về. Để đến hôm nay, nhiều người vẫn “nợ” mẹ cha một nhành hoa trên ngực áo. Và việc báo hiếu mẹ cha giờ là của đất nước, là điều mà thế hệ sau đã và đang làm.
Bông hồng lỡ hẹn
Mẹ! Đó là từ thiêng liêng nhất của mỗi người con trên thế gian này, không phân biệt trẻ già, trai gái, tôn giáo hay màu da chủng tộc cho dù ở bất cứ thời kỳ nào hay ở giai đoạn lịch sử ra sao. Nhưng ở đất nước Việt Nam có những người mẹ với những đứa con sinh ra trong chiến tranh. Khi một đất nước mà mỗi tấc đất đều thấm nhiều xương máu. Trong hoàn cảnh đó, mẹ đã phải chọn âm thầm nuôi con, lặng lẽ chờ chồng để rồi khi các con khôn lớn, mẹ “Ba lần tiễn con đi, ba lần mẹ khóc thầm lặng lẽ…”.
Và khi đó trên vai mẹ không chỉ là những gánh rau, những bó lúa. Mà khi đó, người mẹ mang trên vai mình những trách nhiệm lớn lao. Trách nhiệm với chồng, trách nhiệm với các con và trách nhiệm với giang sơn, đất nước.
Ngày con lên đường nhập ngũ, mẹ gọi vào cửa buồng nghẹn ngào dúi vào tay hai đồng bạc. Đó là tất cả tài sản của mẹ được chắt chiu, dành dụm bao năm với lời dặn: “Con đi gắng bằng anh, bằng em, chân cứng đá mềm.” rồi lặng lẽ quay vào nghẹn ngào giấu đi nước mắt. Khi tiễn con đi, có lẽ không người mẹ nào không cảm thấy xót xa, lo lắng. Nhưng mẹ hiểu rằng, sự hy sinh ấy là cần thiết cho độc lập, tự do của dân tộc. Lồng ngực đau nhói nhưng kiên định. Mẹ đã tiễn con với niềm tin vào ngày chiến thắng, vào sự sống còn của đất nước. Để rồi mỗi buổi sáng thức dậy, mẹ không biết liệu con mình có trở về hay không, nhưng vẫn mạnh mẽ, kiên cường làm chỗ dựa cho những người ở lại.
Có mẹ may mắn đợi được con trở về. Có nhiều mẹ mong mãi, ngóng mãi cũng không thấy bóng dáng con. Dù đất nước đã hoà bình, chiến tranh đã đi xa, nhưng chiếc ghế ở trước cửa chưa bao giờ mẹ cất. Bởi ngày nào còn ngồi được, ngày nào còn đi được thì mẹ vẫn chờ, vẫn mong, vẫn đợi con về. Để rồi xót xa, quặn lòng khi nhìn bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió, mòn mỏi ngóng đợi con. Và cũng từ đó, chưa bao giờ mẹ có một lễ Vu lan trọn vẹn. Bởi đâu có người cài áo bông hồng nào. Dù mẹ còn đó, nhưng con mẹ đã hy sinh. Các con vẫn nợ mẹ một bông hoa cho ngày báo hiếu. Và đến bao giờ Vu lan của mẹ mới có được người ngồi dưới chắp tay “con đây rồi”. Các con hy sinh vì đất nước, nhưng nợ mẹ phải trả sao đây. Món nợ này, đi đâu để mẹ thấy. Tóc bạc trắng cũng chẳng hết đợi chờ.
Thanh Hằng
“Tổ quốc ghi công con liệt sĩ, Nhân dân nhớ nghĩa mẹ anh hùng”
Vào tháng Bảy hàng năm, cả dân tộc thành kính tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tưởng nhớ lớp lớp cha anh hiến dâng xương máu cho độc lập - tự do - hòa bình, lại man mác nỗi niềm, có nơi nào trên thế giới này phải gánh chịu chiến tranh liên miên như đất nước hình chữ S. Có những người mẹ nào trên thế giới này mang nhiều nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như những bà mẹ Việt Nam.
Bức ảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 bộ bát đũa bày ra để tưởng nhớ các con và coi đó là sự sum vầy đã diễn tả trọn vẹn những mất mát, hy sinh, nỗi đau của Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Cuộc đời Mẹ đã trở thành huyền thoại, thành tượng đài của lòng yêu nước, đức hy sinh.
Trong chiến tranh, mỗi tấc đất, thước biển đều thấm đẫm máu xương bao thế hệ người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Mỗi miền quê, mỗi xã phường, mỗi làng mạc, khu phố đều có nghĩa trang liệt sỹ. Không có mẹ nào trên thế giới này mang nhiều mất mát, nỗi đau và sự hy sinh cho Tổ quốc như những bà mẹ Việt Nam. Có nơi nào mà hình ảnh người mẹ ngồi khắc khoải bên bậu cửa đã trở thành huyền thoại như ở dải đất này.
Sự hy sinh của những người mẹ Việt Nam cho Tổ quốc là quá đỗi lớn lao. Sẽ không có sự đền đáp nào xứng đáng với sự hy sinh của cả một lớp người đi trước, của những người Mẹ Việt Nam cho đất nước, quê hương. Trong suốt thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng… Đặc biệt việc tri ân, chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã trở thành một chính sách lớn của Đảng, Nhà nước.
Việc phong tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” thể hiện được ý Đảng, lòng dân, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ. Tuổi trẻ hôm nay không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát trong những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhưng họ đều hiểu rằng cái giá của cuộc sống hôm nay là sự hy sinh của nhiều thế hệ trước, là những nỗi đau, sự mất mát lớn lao của những người Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Chúng con ngày hôm nay không thể thay thế được người con đã mất của mẹ. Nhưng có thể mang lại chút an ủi, chút niềm vui cho mẹ. Và chúng con xin được thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với đất nước, đối với những người đã hy sinh vì sự bình yên hôm nay.
Mỗi người con đất Việt đều mang trong mình trách nhiệm với những người đã ngã xuống, với những người mẹ còn lại phía sau. Hãy để lòng tri ân của chúng con không chỉ dừng lại ở lời nói mà còn được thể hiện qua hành động cụ thể. Báo hiếu mẹ giúp các anh là cách chúng con xin được cùng nhau chia sẻ gánh nặng. Cùng nhau giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, để những hy sinh cao cả ấy không bao giờ bị quên lãng.