Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm làm việc với Thành ủy TP.HCM
Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc với TP.HCM, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có buổi làm việc với Thành ủy TP.HCM.
Chiều 17/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến thăm, làm việc với Thành ủy TP.HCM về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Cùng tham dự có lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương.
Tiếp đón đoàn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, về phía TP.HCM có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, từ sau Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện gay gắt hơn dự báo. Nước ta nói chung, TP.HCM nói riêng đối mặt với những khó khăn, thử thách chưa từng có, nhất là dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã bình tĩnh, chủ động và kịp thời triển khai, quán triệt và ban hành các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố.
Đồng thời, khẩn trương cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội XI đề ra; trọng tâm là 4 chương trình trọng điểm, đột phá phát triển Thành phố, 51 chương trình, đề án cụ thể, gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược của Trung ương.
Phân công nhiệm vụ cho từng cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện Nghị quyết ở các ngành, các cấp.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Thành ủy TP.HCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của thành phố, với việc triển khai nhiều biện pháp nhằm tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng ở tất cả các cấp, các ngành. Đặc biệt là trong những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực như quản lý tài chính, tài sản, đấu thầu, đầu tư công, trật tự đô thị và môi trường.
Chăm lo kiện toàn, củng cố, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân; đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Về phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế TP.HCM tiếp tục phát triển trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động.
Ngoài ra, công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, xây dựng thành phố thông minh có nhiều chuyển biến, từng bước giải quyết những vấn đề thách thức đặt ra; việc đầu tư nhiều nguồn lực phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; quốc phòng, an ninh và đối ngoại, về xây dựng, chỉnh đốn đảng và hệ thống chính trị được bảo đảm.
Một số kết quả nổi bật nhiệm kỳ cũ:
Năm 2021, bị ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, GRDP giảm sâu (-4,01%); giai đoạn 2022 - 2025 (giai đoạn phục hồi và phát triển), dự ước tăng trưởng GRDP (2022 đạt 9,26%; 2023 đạt 5,81%; ước 2024 đạt 7,5% - 8%; ước 2025 đạt 8,5%) bình quân của thành phố (khoảng 7,9%) gần đạt kế hoạch (8%).
Năng suất lao động tiếp tục được cải thiện với tốc độ tăng 4%, giá trị năng suất lao động gấp 1,8 lần trung bình cả nước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 157,5 tỷ USD, tăng 28,53% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Hạ tầng logistis và ngành vận tải, kho bãi tăng trưởng khá. Ngành du lịch nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng khách và doanh thu.
Dịch vụ ngân hàng phát triển mạnh gắn với chuyển đổi số. Lĩnh vực công nghiệp phát triển với hàm lượng khoa học công nghệ ngày càng cao. Ngành nông nghiệp phát triển theo đúng định hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, tập trung chủ yếu vào công nghệ cao, công nghệ sinh học...
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tổng vốn đầu tư toàn xã hội trung bình duy trì được tỷ lệ khoảng 22,6% so với tổng GRDP thành phố; cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư khu vực ngoài Nhà nước.
Nguồn kiều hối ước đạt 23,16 tỷ USD, tăng 55,43% so với cùng kỳ giai đoạn trước. Công tác thu ngân sách nhà nước đạt kết quả nổi bật, năm sau cao hơn năm trước, tính đến tháng 6/2024 ước đạt hơn 1,59 triệu tỷ đồng, tăng 30,6% so với cùng kỳ giai đoạn trước, với tốc độ tăng thu bình quân 26,4%.
Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 17,56 tỷ USD...