Xôn xao “Vụ phó 26 tuổi”: Tuổi trẻ - tài cao thực, sao phải xôn xao?
Đời sống - Ngày đăng : 19:31, 13/12/2016
Giữa tâm điểm của những phanh phui về cái sự gọi là “bổ nhiệm nhân sự cấp cao đúng quy trình” lắm thị phi suốt thời gian qua, chuyện “Vụ phó 26 tuổi” V.M.H gần đây lại càng khiến dư luận xôn xao gấp bội. Chưa cần lướt qua sơ yếu lý lịch trích ngang trên… mặt báo của vị Vụ phó trẻ tuổi này, nhiều ý kiến chỉ trích đã nổi lên. “Ôi dào, lại COCC (con ông cháu cha) đây mà!” hay 5C (tức là “con cháu các cụ cả”)...
Là COCC: Bị soi, chỉ trỏ… âu cũng lẽ thường!
Tốt nghiệp một trường đại học khá có tiếng bên trời Âu trở về nước, chân ướt chân ráo tôi về công ty của cậu ruột làm việc ở vị trí nhân viên marketing. Nói thẳng, tôi thuộc diện COCC - cụm từ mà tôi thường được nghe bằng giọng điệu mai mỉa.
Việc tôi là cháu sếp gần như cả công ty đều biết; và bởi thế nên tôi không lấy làm lạ khi ngay từ ngày làm việc đầu tiên đã nhận được những ánh nhìn không mấy thiện cảm, kèm theo cái bĩu môi, cái nguýt dài, thậm chí cả ánh nhìn e dè như sợ tôi sẽ đi “tâu” lại với cấp trên. Vì vậy, dù được bố mẹ, cô chú làm công tác tư tưởng nhiều, dù luôn trong tâm thế cố gắng “bơ”, “trơ” và… luôn nhắc nhở bản thân “mackeno” (mặc kệ nó!), song không ít lần tôi rơi vào trạng thái stress, muốn nghỉ việc ngay lập tức.
Là COCC, bị soi cũng là chuyện thường. Tranh minh họa
Tất nhiên nhân vật “tôi” ở trên không phải là tôi - tác giả bài viết này. Đây là câu chuyện chúng ta có thể bắt gặp ở rất rất nhiều nơi, từ những đơn vị hành chính sự nghiệp cho đến các công ty tư nhân. Cũng vì đây là chuyện rất bình thường, nên nhân vật “Vụ phó 26 tuổi” khi trả lời phỏng vấn một tờ báo cũng “rất bình thường” chia sẻ quan điểm cá nhân xung quanh những lùm xùm liên quan đến nhân vật chính là mình: “Vụ phó là một chức vụ cao nên tôi từng nghĩ đến khả năng scandal trên báo. Do vậy, khi tin được đăng, tôi cũng không quá ngạc nhiên”.
Và khi phóng viên một tờ báo điện tử đặt câu hỏi, trong hồ sơ xin vào làm ở…, ông có bằng cử nhân, thạc sĩ của các đại học ở Anh, Bỉ, Trung Quốc... “Vì sao ông không xin làm việc ở nước ngoài mà về nước làm công chức tập sự?”, Vụ phó 26 tuổi đã khẳng định: “Tham gia vào công chức và chính trị là quyết định cá nhân tôi, không chịu bất cứ ràng buộc và áp lực nào khác. Tôi chỉ muốn được tham gia và đóng góp phần nào cho công cuộc đổi mới phát triển của Việt Nam trong tương lai, chứ không có ý vào chính quyền để lợi dụng chức danh cho lợi ích riêng như một vài nguồn tin đã đặt nghi vấn”.
Cũng bởi… quy trình?!
Liên quan đến vị Vụ phó 26 tuổi này, quyết định thành lập Tổ kiểm tra liên quan đến việc tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm Vụ phó 26 tuổi đã được triển khai bởi… “quá trình bổ nhiệm được cho là có nhiều vấn đề vì diễn ra quá nhanh”.
Tất nhiên, đã nghi vấn thì nên tiến hành điều tra, nhất là đối với những cán bộ cao cấp mà quyền hạn có thể ảnh hưởng đến nhiều người, nhiều cơ quan chức năng khác. Bởi cũng trong thời gian vừa qua, báo chí và dư luận xã hội đã từng nóng lên vụ “Cả nhà làm quan huyện, đẩy tới đẩy lui vẫn là anh em cả” như tít một bài báo viết về chuyện bộ máy lãnh đạo huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) có nhiều người là anh em, quan hệ họ hàng. Hay như vụ báo chí đưa tin chuyện “Cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội); rồi chuyện giám đốc Sở trẻ nhất nước (mới 30 tuổi) ở Quảng Nam v.v… và v.vv… Những ý kiến trái chiều, những lời phản bác làm nóng các diễn đàn online, mạng xã hội Facebook. Và tất nhiên sau khi kiểm tra, các cơ quan chức năng đều khẳng định: “Đúng quy trình!”.
Vâng! Tất cả đều đúng quy trình! Và cũng chính vì “đúng quy trình” mà chúng ta đã có bài học đau lòng mang tên Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang vừa qua. Như lời ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - trả lời trên báo Dân Trí ngày 9/12/2016: “Lúc đầu nói là đúng quy trình nhưng cuối cùng không đúng quy trình”. “Như thế không thể nói đúng quy trình được, rõ ràng công tác cán bộ làm sai. Mà đã làm sai thì phải chịu trách nhiệm, truy trách nhiệm tới cùng đối với những người đã đề bạt làm việc đó”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Vậy thì quả thực kỳ lạ khi mà cứ xảy ra sự cố, tức là khi sự đã rồi, thì “quy trình” lại được mang ra để làm lý do biện hộ cho quyết định đề bạt, cất nhắc cán bộ trong… quá khứ. Đáng buồn hơn, sau khi tiến hành điều tra thì nghi vấn mà dư luận xã hội “đổ lên khổ chủ” lại không phải là vấn đề đáng nghi ngờ nữa. Không đúng, sai phạm, tồn tại nhiều ẩn khuất… là những điều không một ai muốn nghe, muốn tin, kể cả những người từng đặt câu hỏi nghi ngờ cũng không vui vẻ gì khi việc bổ nhiệm đúng quy trình bị phanh phui là… không hề đúng quy trình!
Và vậy thì một câu hỏi đặt ra là, thay vì đi giải quyết sự đã rồi, thay vì tiến hành điều tra, phanh phui sai phạm, nên chăng ngay từ đầu hãy thực hiện quy trình bổ nhiệm một cách “đúng quy trình”: chọn đúng người! Bởi nếu chọn đúng người thì dù có bị đặt nghi ngờ hay bị dư luận chỉ trích thế nào đi chăng nữa thì cũng giống như lửa thử vàng, mà “cây ngay” thì chẳng sợ bị… “chết đứng”.
Thay vì đi giải quyết sự đã rồi, nên chăng ngay từ đầu hãy làm “đúng quy trình” đó là chọn đúng người. Minh họa: Ngọc Diệp
Đổi mới đi đôi cởi mở
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại. Là COCC cũng áp lực lắm chứ. Bố mẹ giỏi giang vậy, con cái chắc cũng không thể thua kém. Bố mẹ làm ông nọ bà kia, con cái chắc cũng không thể làm anh… nhân viên quèn ngày 8 giờ hành chính là… hết ngày. “Là COCC mà tài năng, trí tuệ, đức độ, lại thêm chức vụ cao thì càng có thể giúp ích cho đời nhiều hơn”, người thầy giáo già ngoài thất thập mà tôi luôn yêu quý và biết ơn nói.
Nhìn xa hơn, rộng hơn, ở các nước dân chủ và phát triển trên thế giới cũng có không ít trường hợp “cha truyền con nối”, bố làm Tổng thống, con lại làm Tổng thống, như gia đình cựu Tổng thống Mỹ Bush (Bush cha và Bush con), hay nữ Tổng thống đang tạm thời bị đình chỉ chức vụ của Hàn Quốc Park Geun-hye vốn là ái nữ của cố Tổng thống Park Chung-hee...
Một bát phở muốn ngon cũng nên có vài lát ớt cay. Ngẫm, cũng như văn hóa, trong thời kỳ mở cửa, nên chăng chúng ta hãy học cách thích ứng, dám thay đổi và chấp nhận cái mới, tư duy đổi mới, “sự khác” so với cái tư duy nguyên gốc vốn tồn tại từ lâu rằng trẻ tuổi, vị trí cao là đáng ngờ, là nhiều ẩn khuất… Nên chăng hãy bớt cực đoan, cứ “con cháu các cụ cả” là ghét, là loại, để thay vào đó là: Tuổi trẻ, tài cao, đạo đức, vị trí tốt - Thật đáng mừng!
Sở dĩ có chuyện lình xình vì trong khâu đề bạt, cất nhắc, ở một số trường hợp, chúng ta không chọn những người thực tài, thực sự có năng lực mà chỉ chọn theo lợi ích nhóm, hay chỉ tìm những người cùng phe cánh với mình. Vì thế mới có những chuyện đáng tiếc. Và còn rất nhiều, rất nhiều những trường hợp khác nữa. Nếu chúng ta minh bạch trong khâu đề bạt, có lẽ tình hình sẽ được cải thiện rất nhiều. Đề bạt nếu muốn minh bạch tôi nghĩ cũng không khó lắm. Chỉ cần công bố khả năng, thành tích của người được đề bạt trong quá trình công tác của họ trên các kênh truyền thông. Người được đề bạt có những thành tích cụ thể thế nào trong quá trình công tác? Nếu đưa công khai trên các kênh truyền thông, tôi tin chúng ta sẽ nhận được ngay những phản hồi chính xác của nhân dân trên các trang mạng xã hội. Việc các ông làm lãnh đạo ở cơ sở có sai phạm thế nào, để thất thoát tiền của dân ra sao, rồi cả những người giải cứu cho các ông ấy nữa, sẽ có rất nhiều người biết, chỉ người đề bạt cho các ông ấy là “không biết” thôi. Công khai, minh bạch sẽ tránh được rất nhiều rủi ro, chí ít chúng ta không còn phải lâm vào cái cảnh dở cười dở khóc... (Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Con ông cháu cha mà giỏi thì tốt quá! - VOV ngày 27/6/2016) |