Sức Khỏe

TP.HCM chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu

Kim Sáng 15/08/2024 - 17:31

Sở Y tế TP.HCM chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn với mục đích tìm kiếm nhanh nhất thuốc cấp cứu đang tồn kho, từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc.

Thông tin về tình trạng cung ứng thuốc, vật tư y tế (VTYT) trên địa bàn TP.HCM, Chánh Văn phòng Sở Y tế Lê Thiện Quỳnh Như cho biết, TP.HCM là nơi tập trung nhiều bệnh viện có quy mô lớn với nhiều chuyên khoa; là tuyến điều trị cuối, tiếp nhận các ca nặng từ nhiều địa phương khác nên nhu cầu về thuốc phòng, chữa bệnh rất lớn, VTYT, đặc biệt là các thuốc chuyên khoa đặc trị.

Theo bà Như, thành phố luôn quan tâm đến vấn đề đảm bảo cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, VTYT có chất lượng, giá phù hợp cho nhu cầu khám chữa bệnh. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rất nỗ lực trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, VTYT.

Chánh Văn phòng Sở Y tế nhận định, về cơ bản, TP.HCM vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.

z5733966900801_3bb3af1ec143db3a8b9d50f59fa8f7b4.jpg
Trong nhiều thời điểm, TP.HCM vẫn xảy ra tình trạng thiếu hụt thuốc, VTYT.

Bà Như cho rằng, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024 nhưng chưa có Nghị định và Thông tư hướng dẫn kịp thời có thể dẫn đến chậm tiến độ mua sắm thuốc, VTYT của các cơ sở y tế công lập.

Vì thế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chủ động rà soát nhu cầu sử dụng thuốc, VTYT để thực hiện mua sắm dự trữ cho quá trình chuyển tiếp và thời gian chờ ban hành các hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.

Theo bà Như, Sở Y tế cũng thường xuyên theo dõi tình hình cung ứng thuốc, VTYT của các cơ sở y tế công lập trực thuộc và kịp thời điều phối thuốc, VTYT giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

"Sở đã thành lập các tổ công tác liên quan đến việc cung ứng thuốc như Tổ Hỗ trợ công tác cung ứng thuốc tại các đơn vị, Tổ Bảo hiểm y tế, Tổ công tác triển khai các quy định về đấu thầu thuốc. Các tổ công tác này đã hỗ trợ tích cực giúp đơn vị giải quyết các trường hợp khó khăn, vướng mắc", bà Như cho hay.

Lý giải về tình trạng thiếu hụt thuốc, VTYT, bà Như cho hay, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu và sản xuất thuốc.

Tại một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu hụt thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu thuốc tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng...

z5733967345862_c3343a8553299a0788542897cc179188.jpg
Người dân đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Ngoài ra, nhiều trường hợp thuốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, nhất là đối với thuốc phục vụ nhu cầu điều trị đặc biệt.

Bà Như nói một số nguyên nhân như do thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành trong khi nhu cầu thường phát sinh đột xuất; thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất;

Thuốc có giá thành rất cao trong khi có nhu cầu sử dụng thường rất thấp và nguy cơ hủy thuốc cao sau mua sắm nếu không có ca bệnh sử dụng nên các cơ sở y tế không mua dự trữ.

Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, VTYT cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trong đó, sở triển khai chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất các thuốc cấp cứu đang tồn kho tại các cơ sở y tế, từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc.

6 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khám, chữa bệnh ngoại trú nói chung của toàn thành phố đạt 20.148.006 lượt (tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2023).

Kim Sáng