Thái Nguyên: Bứt phá trong hành trình chuyển đổi số
Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình chuyển đổi số của tỉnh Thái Nguyên. Với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đang vững bước trên con đường trở thành tỉnh điển hình về chuyển đổi số.
Phát triển hạ tầng số, chính quyền số
Trong việc phát triển hạ tầng số, tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 29/9/2023 về phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023-2025. Theo đó, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%, tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%, và tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập internet băng rộng cáp quang đạt 76%. Trên địa bàn tỉnh hiện có 07 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông và 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (trạm BTS), với 100% thôn, bản được phủ băng rộng cố định cáp quang.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn, kết nối thông suốt đến 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên toàn tỉnh. Điều này góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Về phát triển chính quyền số, các ứng dụng trong nội bộ cơ quan nhà nước đã góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí hoạt động và đổi mới phương thức làm việc. Hệ thống Quản lý văn bản đi đến và điều hành đã được triển khai tại 48 sở, ban, ngành; 8 đơn vị cấp huyện và 100% xã/phường với 12.026 tài khoản người dùng. Đến ngày 30/6/2024, đã cấp 9.846 chứng thư số của Ban Cơ yếu Chính phủ cho các cơ quan, đơn vị và công chức, viên chức.
Việc triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử" trên địa bàn tỉnh cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận, như hoàn thành tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu trên Cổng dịch vụ công quốc gia và kết nối liên thông đến Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 75,71%, tỷ lệ hồ sơ số hoá đạt 73,99%, và tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hoá đạt 81,14%.
Phát triển kinh tế số và xã hội số
Xác định phát triển kinh tế số và xã hội số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh. Tổng doanh thu kinh tế số trên địa bàn tỉnh ước đạt khoảng 389 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024, trong đó doanh thu ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học ước đạt 370,3 nghìn tỷ đồng.
Trên trụ cột xã hội số, ứng dụng C-Thainguyen tiếp tục được triển khai, mang lại nhiều hiệu quả trong việc kết nối người dân với chính quyền và nâng cao hiệu quả tương tác. Ứng dụng công nghệ số cũng được triển khai trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, giao thông vận tải.
Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống phục vụ chính quyền điện tử, chính quyền số tiếp tục được tăng cường. Từ 01/01/2024 - 30/6/2024, Hệ thống phát hiện, ngăn chặn đã loại bỏ 115.692 và chặn, xử lý 505 thư chứa mã độc.
Với những kết quả đạt được, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ chuyển đổi số, tiếp tục nâng cao trình độ và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, và phát huy vai trò của Tổ Công nghệ số cộng đồng. Mục tiêu là xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh điển hình về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.