Tòa tuyên án

Đại án đăng kiểm: VKS đối đáp về phạm tội nhiều lần dẫn tới tình tiết tăng nặng

Minh Đức 13/08/2024 - 21:11

Số tiền hối lộ nhận được, Trưởng chuyền tập hợp mỗi ngày và chia nhau hưởng lợi theo quy ước sẵn. Chuỗi phân công này hết sức chặt chẽ, mỗi vị trí có nhiệm vụ riêng không thể tách rời.

Ngày 13/8, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử đại án đăng kiểm với phần đối đáp, tranh luận của đại diện VKS với luật sư bào chữa nhóm bị cáo các Trung tâm đăng kiểm thuộc khối V.

bi-cao-13_8-_tkh68a-5613.jpg.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa.

Theo đại diện VKS, đa số các luật sư và các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận tội danh của các bị cáo mà VKS truy tố tại cáo trạng là đúng. Tuy nhiên một số luật sư vẫn cho rằng hành vi của các bị cáo chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, số tiền mà các bị cáo nhận không phải để bỏ qua lỗi phương tiện, theo yêu cầu của chủ xe.

“Khi đã thừa nhận cáo trạng đúng, luận tội đúng, có nghĩa là các luật sư phải xác định hành vi của các bị cáo đã cấu thành tội phạm. Không thể có chuyện vừa nhận tội, đề nghị áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, tích cực hợp tác với các cơ quan tố tụng, nhưng đồng thời lại cho rằng việc VKS xác định chưa đúng lỗi, hành vi của các bị cáo không có lỗi”, đại diện VKS nói.

Đối với việc áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội có tổ chức mà luật sư nêu, VKS nói hành vi cấu kết cùng nhau thực hiện tội phạm, hành vi của người này là tiền đề cho hành vi của người sau, liên tiếp nhau tạo nên hậu quả, kết quả cuối cùng.

vien-kiem-sat-13-8-doi-dap-3603.jpg.jpeg
Phiên toà xét xử đại án đăng kiểm ngày 13/8/2024.

VKS dẫn chứng, đăng kiểm viên thực hiện việc trực tiếp nhận tiền, kiểm định phương tiện. Trưởng chuyền là người ký xác nhận kiểm định đạt, để lãnh đạo ký cấp giấy chứng nhận. Số tiền hối lộ nhận được, Trưởng chuyền tập hợp số tiền nhận hối lộ mỗi ngày và chia nhau hưởng lợi theo quy ước sẵn, chuỗi phân công này hết sức chặt chẽ, mỗi vị trí có nhiệm vụ riêng không thể tách rời.

Đối với tình tiết phạm tội hai lần trở lên, theo VKS, kết quả điều tra và kết quả xét hỏi tại tòa đã thể hiện rõ các bị cáo là Ban giám đốc trung tâm, Trưởng chuyền và một số đăng kiểm viên nhận hối lộ nhiều lần và mỗi lần đều nhiều hơn 2 triệu đồng thì VKS mới xác định tình tiết tăng nặng.

Có quan điểm cho rằng với cấu thành của tội nhận hối lộ, là người có chức vụ quyền hạn, đã nhận tiền hoặc lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, theo VKS, khi đưa tiền, chủ xe chỉ yêu cầu là đăng kiểm đạt, dù có lỗi hay không.

Khi chủ xe bỏ tiền và đăng kiểm viên nhận tiền xong, yêu cầu của chủ xe đã được đăng kiểm viên thực hiện, là xe đó sẽ được đăng kiểm đạt. Như vậy, yêu cầu đã được thực hiện.

Đối với quan điểm của luật sư cho rằng việc nhận hối lộ tại trung tâm đăng kiểm là theo chủ trương có từ trước và đây là dạng tiêu cực kéo dài, có yếu tố lỗi từ bị hại. Vì chủ xe đưa tiền cho Đăng kiểm viên không được thì cò đưa. Theo VKS, nếu không bị các Đăng kiểm viên làm khó, không có cái gọi là chủ trương nhận tiền từ lãnh đạo, thì mọi người đi đăng kiểm có bỏ tiền trên xe hay không?

vks3_227x-4787.jpg.jpeg
Đại diện VKS đối đáp, tranh luận tại phiên tòa.

“Khi kiểm tra xe, nếu không có tiền trên xe, đăng kiểm viên nhận xe sẽ bật đèn khẩn cấp của xe lên. Khi vào kiểm tra có tiền, sẽ bật đèn chiếu sáng trước và bật đèn cảnh báo khẩn cấp. Đến công đoạn khác, đăng kiểm viên kiểm tra lại, lấy tiền và tắt đèn. Đây thực sự là tệ nạn của xã hội, kiếm tiền bất chấp, không đơn giản là chủ xe tự nguyện bỏ tiền”, VKS nói.

Đại diện VKS chia sẻ về hoàn cảnh thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo, có thể do nhận thức, có thể do hoàn cảnh gia đình sợ bị mất việc, sợ lãnh đạo nên đã phân hóa vai trò đối với từng bị cáo. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng mình làm thế là đúng thì không thể chấp nhận được.

Minh Đức