Sa Pa phát huy bản sắc, đón đầu xu thế du lịch Xanh và bền vững
Là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất châu Á, Sa Pa xác định mục tiêu trở thành Đô thị du lịch sạch ASEAN. Để hiện thực mục tiêu này, Sa Pa đã và đang triển khai các đề án, quy hoạch về đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch... Đặc biệt là những định hướng trong phát triển dược liệu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thị xã có trên 400 ha ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch tham quan, trải nghiệm. Cùng với những nỗ lực trong đầu tư cơ sở hạ tầng, thị xã Sa Pa hiện đang chú trọng trong khâu quy hoạch để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về khí hậu. Từ đó, hình thành thêm những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ nhu cầu của thị trường và khách du lịch.
Sa Pa hiện đang thu hút đông đảo các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và cả những hộ dân địa phương phát triển nông nghiệp đặc hữu, hình thành nên vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn. Ngoài những nông sản bản địa nức tiếng gần xa, như su su, hoa hồng, hoa ly, cá hồi hay cá tầm… thì thời gian gần đây các khu dược liệu cũng được tập trung phát triển, đầu tư về cơ sở hạ tầng.
Theo định hướng phát triển dược liệu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thị xã Sa Pa có những điểm nổi bật. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thị xã đạt trên 500 ha tại các xã: Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn, Mường Hoa; các phường: Ô Quý Hồ, Hàm Rồng, Sa Pa; trong đó tập trung vào các cây trồng chính là rau, hoa, dược liệu, cây ăn quả và chè. Diện tích dược liệu trên địa bàn thị xã đạt trên 300 ha (kế hoạch thị xã giao); đạt trên 260 ha (kế hoạch tỉnh giao); phấn đấu đến năm 2030 Sa Pa trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của tỉnh Lào Cai.
Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến hết năm 2023 đạt 430 ha (đạt 86% mục tiêu đề án); ước hết năm 2024 đạt 450 ha (đạt 90% mục tiêu đề án và đạt 100% kế hoạch năm 2024). Chủ yếu là diện tích sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, trong đó: Hoa 208 ha; rau 132,5 ha; cây chè 31 ha, cây ăn quả 13 ha; cây dược liệu (Actiso 45,5 ha) đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ và thị trường.
Mặc dù các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa hình thành một cách rõ nét, nhưng bước đầu đã tập trung phát triển tại khu vực các phường Ô Quý Hồ (rau, hoa), phường Hàm Rồng (Rau, dược liệu), phường Sa Pa (Hoa, Dược liệu), xã Tả Phìn (rau, hoa, dược liệu)….Trên địa bàn thị xã có 2 doanh nghiệp, 7 HTX và khoảng 300 hộ gia đình đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh thu bình quân đạt 1.400 triệu đồng/năm/đơn vị canh tác, lợi nhuận bình quân đạt 520 triệu đồng/ha/năm, như: sản xuất cà chua doanh thu đạt 1.050 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 650 triệu đồng/ha/năm; sản xuất hoa Lily doanh thu đạt 2.700 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng/ha; rau bắp cải doanh thu đạt 600 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận đạt 280 triệu đồng/ha/năm).
Một số doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có giấy chứng nhận sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm điển hình như: Công ty TNHH MTV Lợi Sơn Điền (sản xuất 31 ha chè), Công ty TNHH Hà Lâm Phong (sản xuất 3,5ha nấm), HTX Nông nghiệp xanh (….ha sản xuất cà chua, rau trái vụ), HTX nông nghiệp Mai Anh (sản xuất 11 ha rau), HTX rau quả Thắng Lợi (2,5 ha dâu tây), HTX Nông nghiệp Thành Thịnh (2 ha cây cảnh các loại…).
Do sự tập trung, phát triển đồng bộ từ các cấp chính quyền nên công tác phát triển dược liệu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã đạt được những thành tích nổi bật cả độ phủ về diện tích, về trữ lượng các sản phẩm, đảm bảo chất lượng về giá trị dinh dưỡng cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và mở rộng tiêu thụ rộng khắp trên cả nước. Cụ thể:
Diện tích dược liệu đến hết năm 2023 trên địa bàn thị xã là 240 ha (diện tích cây dược liệu hàng năm là 145 ha; diện tích cây dược liệu lâu năm là 95 ha); ước hết năm 2024 đạt 270 ha (đạt 90% mục tiêu đề án và đạt 100% kế hoạch năm 2024 của thị xã; đạt 103,8% kế hoạch tỉnh giao đến cuối nhiệm kỳ).
Tổng sản lượng dược liệu trên địa bàn thị xã năm 2023 ước tính khoảng trên 3.500 tấn (trong đó: Sản lượng tươi 3.200 tấn/năm; sản lượng khô 300 tấn/năm), ước giá trị thu nhập từ dược liệu mang lại năm 2023 là trên 40 tỷ đồng. Trong đó, sản lượng tươi 3.200 tấn/năm gồm: Cây Atiso 1.900 tấn, Chùa dù 750 tấn, Hoàng si cô 50 tấn, cây Tía tô 50 tấn, các loại cây dược liệu khác 450 tấn. Sản lượng khô 300 tấn/năm gồm: Cây Chè dây 40 tấn, Đương quy 10 tấn, cây dược liệu khác 250 tấn.
Các kênh tiêu thụ cũng được mở rộng cả về quy mô cũng như các địa bàn. Không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu, thực phẩm sạch tại Sa Pa, Lào Cai, Hà Nội và một số tỉnh thành khác mà còn phấn đấu để xuất khẩu.
Bên cạnh những thuận lợi về khí hậu, thời tiết thì công tác phát triển dược liệu và sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rất lớn nên việc mở rộng còn nhiều hạn chế; thứ hai, để sản xuất mang tính hàng hóa với diện tích đủ lớn là rất khó, bởi đất đai tại Sa Pa manh mún, nhỏ lẻ và người dân lo ngại khi cho thuê, chuyển quyền sử dụng đất… Chính vì vậy, thời gian qua UBND thị xã Sa Pa đã thành lập nhiều HTX để làm cầu nối giữa người dân và những doanh nghiệp trên địa bàn. Hiện thị xã có 03 cơ sở và 02 HTX chuyên thu mua, sơ chế và chế biến dược liệu thành phẩm đó là: Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa (thu mua, chế biến thành phẩm đối với Atisô, Chè dây, Giảo cổ lam); Công ty cổ phần kinh doanh các sản phẩm bản địa Sa Pa (SaPa Napro), Công ty cổ phần thương mại Hùng Dũng và HTX cộng đồng Dao đỏ thực hiện thu mua và chế biến thành phẩm các sản phẩm thuốc tắm từ nhóm cây thuốc tắm của người Dao đỏ và HTX sản xuất và kinh doanh các sản phẩm thuốc tắm dao đỏ Sa Pa Secrets chuyên thu mua cây Tía tô. Còn lại, đa số các hộ dân tự sơ chế sản phẩm dược liệu thô rồi bán ra thị trường. Hiện nay trên địa bàn thị xã có khoảng trên 100 sản phẩm được chế biến từ các loại cây dược liệu, trong đó có có 9 sản phẩm dược liệu của công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa được sếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.
Trong thời gian sắp tới, để vừa phát huy được những thế mạnh về văn hoá, các mô hình du lịch truyền thống, vừa phát triển Xanh bền vững và trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế thì UBND thị xã Sa Pa đã xác định, định hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là mũi nhọn. Từ đó đưa ra những giải pháp tổng thể, đồng bộ, định hướng lớn mới phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Theo định hướng phát triển, Sa Pa được quy hoạch 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng hiệu quả và giá trị, UBND thị xã đã lồng ghép với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc phát triển du lịch sinh thái; lồng ghép quy hoạch 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong quy hoạch chung của UBND thị xã và quy hoạch chung của các xã (Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp quốc gia tại xã Ngũ Chỉ Sơn và Khu NN ứng dụng công nghệ cao nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tại xã Tả Van). Đã xây dựng Quy hoạch chi tiết khu sản xuất nông nghiệp chất lượng cao kết hợp khu du lịch sinh thái tại xã Ngũ Chỉ Sơn, theo Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 23/3/2022 của UBND thị xã Sa Pa về việc giao danh mục lập Quy hoạch chi tiết trên địa bàn thị xã Sa Pa; hiện đang thực hiện lấy ý kiến nhân dân để triển khai các bước tiếp theo.
Về định hướng phát triển dược liệu, đến hết năm 2030 Sa Pa sẽ phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược liệu của tỉnh Lào Cai, lồng ghép với triển khai thực hiện dự án phát triển dược liệu quý (nguồn vốn phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi).
Để thực hiện điều đó, UBND thị xã đã lên quy hoạch chi tiết vùng trồng, các loại dược liệu trồng và từng giai đoạn cụ thể: Quy hoạch vùng trồng dược liệu trọng điểm có độ cao từ 800m trở lên trên tất cả các loại đất; quy hoạch các loại cây dược liệu trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng. Quy hoạch vùng khai thác tận thu: Bao gồm đánh giá chất lượng, trữ lượng dược liệu và đưa ra kế hoạch tận thu hàng năm ở rừng tự nhiên, khu bảo tồn.
Trước mắt, trong khoảng thời gian từ năm 2024 – 2025 sẽ xây dựng 02 Vườn giống và 01 nhà nuôi cấy mô đủ năng lực sản xuất các loại giống dược liệu trọng tâm của Sa Pa. Thời gian thực hiện năm 2026. Đầu tư, phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn thị xã Sa Pa thành vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh Lào Cai, quy mô đến năm 2025 sản xuất với diện tích 300 ha và đến định hướng đến năm 2030 sản xuất với diện tích trên 400 ha.
Từ năm 2025 -2030 sẽ trồng thí điểm thay thế 20 ha cây Thảo quả bằng cây dược liệu phù hợp nhằm loại bỏ Thảo quả và tăng cường tái sinh rừng tự nhiên, nâng cao độ che phủ và tàn che, đa dạng loài ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Đến năm 2025, sẽ hình thành ít nhất 5 doanh nghiệp, HTX sản xuất và sơ chế dược liệu; nâng cấp mở rộng xưởng chế biến dược liệu ứng công nghệ chế biến cao, xưởng sơ chế đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn GACP - WHO phục vụ sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và xuất khẩu nguyên liệu.
Xa hơn nữa là đến năm 2027 sẽ hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý các loài cây dược liệu và sản phẩm dược liệu của Sa Pa - Lào Cai trong nước và Quốc tế; xây dựng một điểm giới thiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm dược liệu Sa Pa tại trung tâm thị xã để phục vụ cho việc tạo đầu mối giới thiệu sản phẩm, trung chuyển, giao lưu, buôn bán, trao đổi giống và các sản phẩm dược liệu.
Hy vọng với những kế hoạch cụ thể, giải pháp tổng thể, đồng bộ, định hướng lớn theo từng giai đoạn, Sa Pa có thể theo đuổi con đường phát triển Xanh bền vững, và trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa tầm cỡ quốc gia, quốc tế.