Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc trong công tác đưa người nghiện đi cai
Nhằm nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác lập hồ sơ áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện ma túy, ngày 09/8/2024, Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội phối hợp với Ban chỉ đạo 89 huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, tổ chức Hội nghị tọa đàm về trình tự, thủ tục lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc, cai nghiện tự nguyện và triển khai một số nội dung của Nghị quyết số 13/NĐ-HĐND, ngày 06/12/2023 của HĐND Thành phố Hà Nội.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Lập, Chi cục trưởng, Chi cục phòng chống TNXH Hà Nội, cùng đại diện các đơn vị đã trao đổi, giải đáp, trả lời các vấn đề mà các đơn vị đã đặt ra.
Theo đó, đại diện Công an các xã, thị trấn, cán sự phòng, chống tệ nạn xã hội đã có nhiều ý kiến phản ánh về khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triệu tập, xét nghiệm, thiết lập hồ sơ, xác minh đối tượng tỉnh ngoài; một số gia đình che giấu, không hợp tác với cơ quan Công an để lấy mẫu xét nghiệm cho con em, gây cản trở khi Công an xã đến làm việc; kinh phí mua que thử ma túy chưa có quy định rõ ràng về cơ quan chi kinh phí dẫn đến việc đề xuất của Công an cấp xã gặp khó khăn..
Ngoài ra, còn có khó khăn liên quan việc cán bộ văn hóa các xã, thị trấn nhận chế độ theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố Hà Nội quy định mức hỗ trợ đối với người được giao nhiệm vụ hỗ trợ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, nhưng chưa thực hiện một số nhiệm vụ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao...
Thông qua giải đáp của đồng chí Nguyễn Văn Lập, Ban chỉ huy công an các xã, thị trấn cũng như các đồng chí chuyên viên được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác này cũng đã được nắm vững hơn về nghiệp vụ công tác. Qua đó phần nào tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị để thực hiện tốt công tác cai nghiện, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 13 của HĐND Thành phố trong thời gian tiếp theo.
Theo Thượng tá Chu Anh Tuấn - Phó trưởng Công an huyện Đông Anh, Phó trưởng BCĐ 89 huyện Đông Anh cho biết, những năm qua BCĐ 89 huyện nói chung và Công an huyện nói riêng đã phối hợp rất chặn chẽ với Cơ sở cai nghiện ma túy số 3 - Hà Nội trong công tác tiếp nhận, chữa bệnh và giáo dục đối với những người nghiện ma túy trên địa bàn, chấp hành biện pháp xử lý đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc tự nguyện.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị đã giúp hoàn thành các nhiệm vụ do UBND TP, Công an TP và Sở LĐTB&XH Hà Nội giao; giúp công dân nghiện ma túy của huyện Đông Anh và người nghiện lang thang trên địa bàn huyện được chữa bệnh, giáo dục, dạy nghề để quay trở lại cộng đồng.
Thượng tá Chu Anh Tuấn cho biết, năm 2021 Quốc hội ban hành Luật phòng chống ma túy, đi kèm là các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện do Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, khi thực hiện các văn bản trên cũng như thực tế triển khai còn có một số khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, thông qua tọa đàm sẽ nêu bật những khó khăn, vướng mắc trong công tác thiết lập và hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc và tự nguyện; đồng thời đưa ra giải đáp, trả lời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên.
Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố đã lập hồ sơ đưa 1.209/1700 người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc, đạt 71,1% chỉ tiêu Thành phố giao, tăng 400 người so với cùng kỳ năm 2023. Một số đơn vị tích cực thực hiện đã đạt và vượt chỉ tiêu Thành phố giao: Phúc Thọ 100%; Ứng Hòa 100%; Thạch Thất 102,7%; Đống Đa 125,8%.
Về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện đạt 56,8% chỉ tiêu, tăng 79 người so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với các cơ sở cai nghiện ma túy vận động 681/1200 người đi cai nghiện ma túy tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập.