Đời sống

Luật Thủ đô (sửa đổi): Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát triển nhà ở xã hội

Việt An 09/08/2024 - 06:33

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã dành riêng Điều 29 để quy định về vấn đề phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội (NƠXH) nói riêng và quy định chi tiết về việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND TP trong việc điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất cho phát triển NƠXH.

Nhà ở xã hội - vấn đề nan giải trong bài toán an sinh xã hội

Trong Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2023 (tại Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), Hà Nội cùng với TP Hồ Chí Minh là một trong hai địa bàn được giao nhiệm vụ triển khai trọng điểm. Cụ thể, trong giai đoạn này Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn (18.700 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026 – 2030).

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030, TP Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng NƠXH với khoảng 61.900 căn hộ.

nha-o-xa-hoi.jpg
Trong năm 2024, TP Hà Nội dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ NƠXH tại 7 dự án.

Tính riêng trong năm 2024, TP Hà Nội dự kiến hoàn thành khoảng 10.000 căn hộ NƠXH tại 7 dự án, trong đó 3 dự án đang triển khai dự kiến hoàn thành 78.000m2 sàn với 1.180 căn hộ; 4 dự án phát triển mới với 0,7 triệu m2 sàn, khoảng 9000 căn hộ.

Theo đó, TP cơ bản đáp ứng chỉ tiêu đã được Chính phủ giao tại Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021 – 2023 (Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đó là trong giai đoạn này Hà Nội phải hoàn thành 56.200 căn (18.700 căn giai đoạn 2021 - 2025 và 37.500 căn giai đoạn 2026 – 2030).

Mặc dù TP Hà Nội về cơ bản sẽ hoàn thành chỉ tiêu về NƠXH được Chính phủ giao. Tuy nhiên, trên thực tế do quá trình đô thị hóa nhanh, kéo theo sự gia tăng về dân số cơ học dẫn đến vấn đề về nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng đang gây ra nhiều áp lực cho chính quyền Thủ đô, trở thành vấn đề nan giải trong bài toán an sinh xã hội về nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Số liệu từ Liên đoàn Lao động TP Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại đang có khoảng 170.000 công nhân, người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất của TP, 80% số đó là người lao động ngoại tỉnh, hầu hết đều có nhu cầu về nhà ở.

Tuy nhiên, TP mới có ba khu công nghiệp (Thạch Thất, Thăng Long và Phú Nghĩa) có dự án NƠXH cho công nhân lao động, cung cấp được 1.532 phòng (khoảng 11.520 chỗ ở), đáp ứng được khoảng 6,8% nhu cầu. Số còn lại phải đi thuê phòng trọ trong các khu dân cư, trong đó nhiều nguòi phải chấp nhận thuê ở tại những căn phòng chưa đủ điều kiện về chất lượng, an toàn và tiện ích dịch vụ để tiết kiệm chi phí. Đây thực sự là bài toán vô cùng bức thiết trên địa bàn Thủ đô.

Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền

Những vấn đề nêu trên chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc trong triển khai cơ chế, chính sách phát triển NƠXH, có thể kể đến như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán NƠXH còn kéo dài, thậm chí phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại; việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với NƠXH đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan Nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng kéo dài thời gian, tốn kém cho DN; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án NƠXH, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn, không thực chất để thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Luật Thủ đô 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) đã dành riêng Điều 29 để quy định về vấn đề phát triển nhà ở nói chung và NƠXH nói riêng. Đặc biệt cũng đã có quy định chi tiết về việc phân cấp, ủy quyền cho HĐND và UBND TP trong việc điều chỉnh quy hoạch tạo quỹ đất cho phát triển NƠXH. Những quy định đặc thù này được đánh giá là bước tiến rất lớn về chính sách nhằm tạo ra những cơ chế vượt trội, tạo sức hút trong quá trình thu hút đầu tư phát triển NƠXH trong thời gian tới trên địa bàn Thủ đô.

Cùng với đó, Luật Thủ đô 2024 cũng quy định về việc chủ động bố trí kinh phí ngân sách lập quy hoạch, lựa chọn chủ đầu tư; bố trí thay thế quỹ đất xây dựng NƠXH tương đương vào trong các khu NƠXH trên địa bàn đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 2ha đến dưới 10ha khi DN nộp số tiền tương ứng với quỹ đất 20% vào Quỹ đầu tư phát triển TP để phát triển NƠXH.

Nhiều chuyên gia cho rằng, những quy định mới mang tính “đột phá”, mang đến những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ở mức cao nhất theo khung quy định, sẽ giúp cho chính quyền Thủ đô giải quyết được rất nhiều công việc phía trước như thu hút thêm nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh đang có; đồng thời cũng tạo cơ chế mở để giải quyết những tồn tại thời gian qua. Đối với vấn đề về nhà ở, việc được phân quyền xây dựng các đồ án quy hoạch chi tiết, bố trí quỹ đất cho nhà ở thương mại, NƠXH, nhà tái định cư, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ... sẽ giúp các dự án nhà ở được đẩy nhanh hơn, tiến tới khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung, giá bán nhà leo thang như hiện nay.

Việt An