Văn hóa - Du lịch

Bất ngờ với mỏ "báu vật" địa chất lớn nhất Đông Nam Á ở Na Dương

Trang Việt 07/08/2024 - 17:18

Trũng Na Dương, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn là vùng lộ thiên trầm tích Đệ tam, hình thành cách đây khoảng 33 triệu năm, chứa đựng những di tích hóa thạch phong phú nhất Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

1-5-.jpg
Dấu tích hóa thạch của các loài động, thực vật được tìm thấy ở trũng Na Dương

Dưới lớp “vàng đen”

Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn được thành lập năm 2021, trải dài trên phạm vi 8 huyện, thành phố (diện tích 4.842km2, dân số khoảng 627.000 người). CVĐC Lạng Sơn sở hữu nhiều di khảo cổ có giá trị mang tính quốc tế. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện những di khảo cổ có niên đại cách ngày nay từ 30.000 - 40.000 năm tại hang Thẩm Khuyên, Kéo Lèng. Tại di chỉ Mai Pha cũng tìm thấy hàng chục nghìn mảnh gốm, công cụ đá, đồ trang sức có niên đại từ 3.500 - 5.000 năm. Điều đó chứng tỏ, CVĐC Lạng Sơn là một trong những cái nôi của người Việt cổ.

Đặc biệt, tại trũng Na Dương (hay bồn địa Na Dương) còn phát hiện nhiều hóa thạch động vật, thực vật khổng lồ như cá sấu, kỳ đà, rùa, thực vật hạt kím... chúng có niên đại từ 40 - 50 triệu năm trước. Những giá trị cổ sinh học độc đáo của Na Dương đã thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học quốc tế. Đồng thời cũng cho thấy giá trị độc đáo về lịch sử địa chất mạo của CVĐC Lạng Sơn.

Trên bản đồ CVĐC Lạng Sơn, trũng Na Dương được đánh số điểm 35 trong tổng số 38 điểm tham quan thuộc 4 tuyến du lịch vùng CVĐC. Đây là điểm di sản địa chất đặc biệt, quan trọng nhất trong tổng số 7 điểm di sản địa chất của CVĐC Lạng Sơn. Giới chuyên gia cũng từng đánh giá, trũng Na Dương là địa điểm hiếm hoi trên thế giới mang trong mình đầy đủ các yếu tố phục vụ công tác nghiên cứu về khoa học Trái đất, cổ sinh học và cổ môi trường trong thời kỳ Tân kiến tạo (các kỷ Đệ Tam, Đệ Tứ, từ 66 Ma -> 3Ma).

3-3-.jpg
Hình ảnh mỏ than Na Dương

Được biết, trũng Na Dương cách TP Lạng Sơn khoảng 32km về phía Đông theo Quốc lộ 4B, bao gồm thị trấn Na Dương và một số xã lân cận mỏ than Na Dương (huyện Lộc Bình).

Theo tài liệu của phòng VH-TT huyện Lộc Bình, trũng Na Dương được phát hiện trong quá trình khai thác mỏ than Na Dương. Khi các lớp "vàng đen" được đưa lên thì nhiều hóa thạch động, thực vật dưới các lớp trầm tích Đệ Tam niên đại từ 39 - 5 triệu năm cách ngày nay lộ ra. Chúng là sự hình thành từ kết quả của hoạt động dịch trượt dới đứt gãy địa chất Cao Bằng - Tiên Yên.

Ngược dòng thời gian về hàng chục triệu năm trước, trũng Nam Dương vốn là vùng đồng bằng bị nâng lên hạ xuống do hoạt động kiến tạo địa chất. Dần dà nó bị đầm lầy hóa với sự phát triển của hồ và đầm lầy đan xe, tạo điều kiện thuận lợi cho thực vật phát triển, tích tụ và bị chôn vùi tạo thành than dưới môi trường nước hồ hiếm khí.

Sau khi những hóa thạch động, thực vật lộ ra ở mỏ than Na Dương các nhà khoa học đã nhanh chóng vào cuộc nghiên cứu. Họ đã phát hiện nhiều bộ sưu tập khổng lồ mang dấu tích hóa thạch của các loài động vật, thực vật sống cách đây khoảng 20 - 30 triệu năm. Có một số loài hiện vẫn còn tồn tại.

5-2-.jpg
Những mẫu vật phẩm than tại mỏ than Na Dương

Mỏ hóa thạch lớn nhất Đông Nam Á

Trũng Na Dương sở hữu tập hợp phong phú và đa dạng của quần thể động thực vật, đại diện cho môi trường sông - hồ - đầm lầy - rừng nhiệt đới cổ trong thế Eocene muộn và sau đó (từ khoảng 47 Ma, từ khi xuất hiện những động vật có vú hiện đại đầu tiên). Trong đó bao gồm cả động vật có và không có xương sống hoặc những loài thực vật đã tuyệt chủng.

Về thực vật, các nghiên cứu phân tích từ bào tử phấn hoa cũng như hóa thạch, đặc biệt là vết in lá, thân, quả đã cho thấy sự tồn tại những khu vực rừng ẩm ướt nhiệt đới và cận nhiệt đới. Có không ít loài thực vật giàu chất nhựa phát triển ở những vùng khí hậu ôn đới ẩm hoặc cận nhiệt đới, nhiệt đới nóng ẩm như: Fagaceae (họ cử): Quercus (sồi), Lauraceae (họ long não), Moraceae (dâu tằm), Diospyros (thị), Ficus (đa). Ở khu vực khai thác than đá còn phát hiện quần thể thân gỗ hóa thạch. Những thân cây ở đây có thể cao tới hàng chục mét.

Hóa thạch động vật ở trũng Na Dương rất phong phú" Hóa thạch động vật thân mềm, động vật có xương sống như cá, rùa, cá sấu, hóa thạch động vật có vú như tê giác, linh trưởng, thú than (Bakalovia Orientalis và Anthracokeryx naduongensis). Thú than là những động vật có móng guốc giống như lợn, có quan hệ họ hàng gần với hà mã. Chúng có lối sống bán thủy sinh ở các vùng đầm lầy nước nông ven sông hồ. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các loài động vật có vú tại bể Na Dương là loài thủy tổ của các loài tê giác và thú than ở châu Âu.

Những phát hiện quan trọng này đã giúp các nhà khoa học phác họa sơ bộ được bức tranh toàn cảnh về hệ sinh thái của vùng trũng Na Dương hơn 30 triệu năm trước. Theo đó, Na Dương từng là vùng đầm lầy và hồ nước ngọt. Nơi đây phát triển mạnh mẽ những khu rừng rậm rạp với đa dạng động, thực vật. Tuy nhiên, khoảng 10 triệu năm sau (23 triệu năm trước), khu vực này bị ngập mặn cục bộ, dần trở thành hồ nước sâu khiến nhiều loài động vật ở đây rơi vào tình trạng tuyệt chủng.

2-4-.jpg
Xây dựng các khu vực công viên để du khách thăm quan và phục vụ nghiên cứu khoa học

Các ấn phẩm khoa học quốc tế đánh giá, trũng Na Dương là “một cửa sổ đặc biệt để nhìn vào các hệ sinh thái Eocene từ Đông Nam Á”, “chìa khóa để hiểu về quá trình tiến hóa của các bồn trũng kỷ Paleocene...". “Mối liên hệ địa lý - sinh học chặt chẽ giữa các quần thể động vật có vú Eocene từ Na Dương và châu Âu làm nổi bật tầm quan trọng của Đông Nam Á như một vùng nguồn cho sự phân tán xuyên lục địa của động vật có vú dọc rìa phía bắc biển Tethys”.

Kể từ khi phát hiện "kho báu" địa chất giữa mỏ "vàng đen", Chính quyền địa phương cùng với Công ty than Na Dương đã tích cực phối hợp với CVĐC Lạng Sơn để xây dựng, phát triển địa điểm "Thế giới đầm hồ Na Dương" thành một điểm tham quan nổi bật gồm: Đài quan sát ngắm cảnh, bãi đỗ xe, khu nhà chờ, nhà vệ sinh, con đường tham quan và một bảo tàng trưng bày các hóa thạch cổ sinh ngoài trời phục vụ du khách tham quan. Hứa hẹn đây sẽ là điểm đến lý tưởng để học tập và tìm hiểu nghiên cứu khoa học.

4-2-.jpg
Con đường công viên hóa thạch tại trũng Na Dương

Trang Việt