Di tích An Lăng nơi an táng của 3 vị vua
Di tích An Lăng (phường An Cựu, TP. Huế) thuộc quần thể di tích Cố đô Huế vừa chính thức mở cửa đón khách, là nơi an táng của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân.
Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Chân (SN 1852). Năm 1883, ông lên ngôi vua nhưng chỉ 3 ngày sau bị phế và bị quản thúc tại Thái Y Viện, cuối cùng chết đói ở nhà ngục.
Năm 1889, con trai vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua với niên hiệu Thành Thái. Sau khi lên ngôi, vua Thành Thái liền cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng.
Cuối năm 1945, ngay sau khi vua Duy Tân tử nạn máy bay, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ chung vua tại đây. Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng và được thờ ở ngôi điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng Thành Thái.
Khuôn viên khu lăng rộng gần 6 ha, gồm lăng vua Dục Đức, Từ Minh Huệ hoàng hậu và 42 tẩm mộ ông hoàng bà chúa cùng 121 ngôi mộ đất của những người thuộc Đệ Tứ Chánh phái Nguyễn Phước tộc (hệ phái của vua Dục Đức). Trong đó An Lăng nằm ở trung tâm và rộng 1 ha.
So với các lăng tẩm khác của các vua nhà Nguyễn, lăng Dục Ðức có kiến trúc đơn giản và khiêm tốn hơn trong đó có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ, chia ra làm hai khu vực: lăng và tẩm, nằm cách xa nhau khoảng hơn 50 mét.
Đi vào khu lăng mộ có diện tích 3.445m2 là một cửa khá lớn xây bằng gạch, trên làm mái giả. Sau cửa là Bái đình, không có tượng đá như các lăng khác, mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch để trang trí.
Trung tâm của lăng mộ nằm ngay sau cửa tam quan, có ngôi nhà Huỳnh Ốc được xây dựng trên một nền hình vuông mỗi cạch 8 mét. Nhà xây như một phương đình với dạng cổ lầu, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Bờ nóc bờ quyết chắp hình rồng và phụng, nội thất trang hoàng đơn giản.
Các công trình kiến trúc nằm trong khu tẩm điện với diện tích mặt bằng 6.245m2. Công trình chính là điện Long Ân là một tòa nhà kép làm theo kiểu cung điện Huế, với 6 bộ vì kèo nóc ở 5 gian nhà trước được kết cấu theo lối “chồng rường giả thủ”, trang trí mặt hổ phù rất tinh xảo, cũng là nơi diễn ra các hoạt động thờ phụng, nghi lễ giỗ chạp.
Đây là một công trình kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế.
Do biến động của thời gian và chiến tranh, An Lăng từng rơi vào cảnh xuống cấp nghiêm trọng. Khu vực An Lăng cũng bị người dân lấn chiếm, sinh sống hàng chục năm qua.
Năm 2018, tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi công trùng tu khu di tích này với chi phí 40 tỉ đồng. Đến năm 2023 thì hoàn thành.
Sau khi trùng tu, An Lăng chưa thể mở cửa để đón du khách tham quan do chưa có phương án thu vé, trưng bày hiện vật, thuyết minh về di tích…
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã mở cửa đón khách tham quan tại cụm di tích An Lăng trên đường Duy Tân, TP Huế. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, trước mắt sẽ mở cửa đón du khách vào tham quan An Lăng miễn phí để đo lường lượng khách, kiểm tra hiệu quả thuyết minh di tích tại đây.
"Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sắp tới, chúng tôi sẽ trình phương án thu vé tham quan An Lăng và sẽ thu vé nếu khi được thông qua", ông Trung nói thêm.
Một số hình ảnh tại di tích An Lăng: