Tháo dỡ bè, mảng nuôi hải sản tự phát
Trước tình hình nhiều bè mảng nuôi hàu, vẹm tự phát của các hộ tại sông Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) gây cản trở đường ra vào của các tàu, thuyền khi ra vào nơi neo đậu, nhất là tránh trú khi có bão. Cơ quan chức năng đã tổ chức tuyên truyền, vận động, tháo dỡ, trả lại mặt biển thông thoáng.
Theo tìm hiểu của PV, khu neo đậu tránh trú bão sông Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được đưa vào sử dụng năm 2012 với mục đích đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, thời gian qua, khu vực này đã bị các hộ dân lấn chiếm làm bè, mảng nuôi hàu, vẹm, ảnh hưởng đến nơi trú bão của tàu, thuyền.
Việc nuôi hải sản không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm đã khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày một gia tăng. Không chỉ vậy, khi tàu, thuyền di chuyển qua đây hay xảy ra va chạm dẫn tới cự cãi, xô xát. Chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, tuyên truyền nhưng bất thành do lợi nhuận quá lớn.
Một phần khác, do nguồn thủy sản bị cạn kiệt, ngư dân đánh bắt gần bờ thu nhập bấp bênh dần từ bỏ việc đi biển. Trong khi các khu du lịch, nhà hàng, khách sạn tại Nghi Sơn phát triển mạnh, nhu cầu hải sản tăng cao. Người này cạnh tranh với người kia, đầu tư, phát triển tràn lan dẫn tới phá vỡ quy hoạch của cơ quan chức năng.
Theo thống kê, hoạt động nuôi trồng thủy sản tại khu vực neo đậu tàu thuyền trên sông Bạng (qua các phường Hải Thanh, Hải Bình, Xuân Lâm, Bình Minh) đều là tự phát. Đến đầu tháng 7/2024, số lượng ô lồng nuôi cá và bè nuôi hàu, vẹm đã lên đến 1.698 bè.
Trong đó, lớn nhất là phường Bình Minh có 558 ô lồng nuôi cá và 358 bè nuôi hàu, vẹm của 43 hộ dân, tự ý chiếm dụng khu vực neo đậu tàu thuyền trên sông Lạch Bạng.
Theo chỉ đạo của UBND thị xã Nghi Sơn, địa phương tập trung tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thủy sản tự phát phải tự tháo dỡ các công trình vi phạm.
Ông Phạm Văn Định, cán bộ thủy sản phường Hải Thanh, (thị xã Nghi Sơn) cho biết: Sau khi có kế hoạch của cấp trên về việc di dời và tháo dỡ toàn bộ bè nuôi hàu, vẹm ở âu khu neo đậu của tàu thuyền trú bão sông Lạch Bạng, UBND phường Hải Thanh đã tiến hành làm việc với các hộ, lập biên bản.
Ban đầu các hộ chưa muốn tự nguyện tháo dỡ, do bỏ vốn đầu tư nhưng hàu, vẹm chưa được thu hoạch. Sau khi được chính quyền vận động tuyên truyền, người dân đã ký cam kết tự tháo dỡ.
Tuy nhiên, không có nguồn nhân lực nên UBND phường tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện, con người hỗ trợ tháo dỡ cho người dân. Đến nay, toàn bộ khu nuôi trồng trái phép của các hộ dân đã được tháo dỡ và trả lại khu neo tàu thuyền trú bão cho ngư dân.
Để khắc phục tình trạng nuôi lồng bè tự phát gây khó khăn cho tàu thuyền trú bão, Ban Quản lý Cảng cá Thanh Hóa đã báo cáo với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời, phối hợp với các địa phương để xử lý tháo dỡ các lồng, bè, các hộ dân đã tự nguyện tháo dỡ đảm bảo an toàn cho các phương tiện neo đậu.
Để giải quyết triệt để vấn đề trên, thị xã Nghi Sơn đã chỉ đạo các xã phường, phối hợp với các phòng ban, lực lượng công an để tập trung triển khai đồng bộ quyết liệt công tác tuyên truyền cho các cán bộ quản lý dân và việc nuôi cá lồng, hàu, vẹm tự phát nhận thức đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về công tác bảo vệ môi trường, an toàn giao thông đường thủy, chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá lồng, nuôi hàu, vẹm trái phép tự tháo dỡ các công trình vi phạm, đến nay các hộ dân trên địa bàn đã tự tháo dỡ, trả lại khu neo đậu và ra vào của tàu thuyền trú bão. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát không để phát sinh thủy sản tự phát và chấm dứt việc nuôi cá lồng, hàu, vẹm theo kế hoạch, lộ trình cụ thể.
Các hộ dân có nhu cầu nuôi hải sản thì đăng ký để chính quyền và các ngành liên quan nhanh chóng xây dựng chính sách hỗ trợ cho các hộ dân tự giải phóng ô lồng và để chuyển hướng nuôi trồng thủy sản tại khu vực đảo Hòn Mê đã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt. Cùng với đó, có hướng đào tạo, chuyển đổi nghề cho các lao động phù hợp.