Đắm say vẻ đẹp của dòng Lạch Vạn
Lạch Vạn là điểm cuối của sông Bùng, nơi tiếp giáp giữa sông và biển, là một trong những cảnh đẹp nổi tiếng với cảnh sắc biển trời sông nước thơ mộng, chứa trong mình những trầm tích lịch sử biểu trưng cho khí phách quật cường và là niềm tự hào của mỗi người dân Diễn Châu (Nghệ An).
Quá khứ hào hùng, oanh liệt
Nằm ở vị trí thuận lợi cho sự giao lưu và phát triển nên từ xa xưa, huyện Diễn Châu đã sớm trở thành một trong những trung tâm về chính trị - kinh tế – xã hội của xứ Nghệ. Quá trình lao động và chiến đấu ngoan cường của các thế hệ cha ông nối tiếp nhau đã viết nên truyền thống lịch sử oai hùng, tạo nên cảnh quan kỳ thú, hữu tình, có bản sắc văn hóa riêng biệt.
Lạch Vạn là đoạn cuối của con sông Bùng, dài khoảng 9km, lòng sông rộng 250m - 400m chảy theo hướng từ Tây Bắc - Đông Nam đi qua các xã Diễn Kỷ, Diễn Vạn, Diễn Kim… rồi đổ ra biển Đông. Người Diễn Châu vẫn cho rằng: bao nhiêu trầm tích, bồi lắng, những gì tinh tế nhất của cư dân 2 bên con sông Bùng đều đọng lại ở đoạn sông Lạch Vạn này.
Từ xưa, Lạch Vạn được xem là tuyến đường thủy quan trọng cho việc lưu thông, buôn bán làm ăn của người dân địa phương và trên lĩnh vực quân sự lại càng có ý nghĩa.
Trong cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi chỉ huy, trong lần quyết định đánh thành Nghệ An và bao vây thành Diễn Châu vào tháng 6/1425, tướng Minh giữ thành Diễn Châu lúc đó là Triết Tụ thấy thế nguy nên xin cứu viện. Ngay lập tức, một đạo quân với 300 chiến thuyền từ Đông Quan tiến vào sông Lạch Vạn tiếp ứng cho thành Diễn Châu.
Được tin, Lê Lợi cho quân mai phục ở cửa Vạn để chặn đứng viện binh của địch. Khi thuyền giặc đã kéo sâu vào cửa Vạn, đạo quân của Lê Lợi hò reo vang dội, gươm đao sáng loáng. Cuộc giáp chiến nổ ra, quân Minh không ứng phó nổi, thuyền giặc bị đốt cháy trong bão lửa. Chỉ trong phút chốc, 300 chiến thuyền chở đầy quân lương, vũ khí bị tiêu diệt.
Hàng nghìn quân Minh bị chôn vùi dưới lòng sông Lạch Vạn và sông Bùng. Chiến thắng ở thành Nghệ An và Diễn Châu đã tạo điều kiện để Lê Lợi trẩy quân ra Thanh Hóa, chế ngự Tây Đô…
Tiếp nối truyền thống của thế hệ cha ông vùng cửa Lạch anh hùng, sự kiện ngày 7/11/1930 đã trở thành mốc son chói lọi, ghi dấu tinh thần chiến đấu anh dũng của nhân dân vùng cửa biển khi vùng lên biểu tình ủng hộ Cách mạng Tháng 10 Nga và đưa yêu sách đòi giảm sưu, thuế. 30 người đã hy sinh, máu nhuộm đỏ cả khúc sông Lạch Vạn – nơi đổ ra cửa biển.
Càng gian nan, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân vùng Lạch Vạn lại càng được tôi luyện cứng cỏi và bền bỉ. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, khi mà tuyến đường bộ bị máy bay Mỹ quần phá thì sông Lạch Vạn lại trở thành huyết mạch giao thông vận chuyển quân lương ra tiền tuyến.
Những năm chống Mỹ, máu, mồ hôi và nước mắt của quân và dân nơi đây đã hòa vào nước biển vùng cửa Lạch này. Đó là những đồng chí Phạm Thị Chiến, Hoàng Ký, Nguyễn Tường… những người con được sinh ra và lớn lên trên bờ Lạch Vạn.
Có lẽ vì vậy mà đến muôn đời, cửa Lạch nơi đây cứ trở mình bồi – lở, để nước biển thi thoảng lại có những chiều ngầu đục như nhắc nhở về những hy sinh và lòng quả cảm của người dân nơi đây.
Lạch Vạn đang khởi sắc từng ngày
Gần 40 năm trôi qua, Lạch Vạn thời chiến tranh với những bom cày đạn xới, đổ nát hoang tàn giờ đây đang từng ngày khởi sắc…Trong công cuộc đổi mới của quê hương, Lạch Vạn lại càng có ý nghĩa trong phát triển kinh tế và quốc phòng an ninh.
Một hệ thống 50km đê cửa sông, 27km đê biển và kè chắn sóng ngăn nước mặn xâm thực, đảm bảo an toàn cho hàng chục vạn người dân vùng biển làm ăn, sinh sống an toàn đã được nhà nước đầu tư xây dựng…
Cùng với đó, gần 500 héc ta rừng ngập mặn trải dài theo triền đê do Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản tài trợ, được trồng từ năm 2003 cũng là bức tường xanh vững chãi ngăn gió bão, triều cường và bảo vệ môi trường sinh thái vùng Lạch Vạn. Rừng ngập mặn trông xa như những dãy núi nhấp nhô một màu xanh mát mắt đã thu hút không ít du khách ưa thích tìm hiểu thiên nhiên về khám phá. Bởi, trong rừng có khá nhiều loài hải sản và cũng là nơi trú ngụ của nhiều loại chim muông sinh vật.
Ngoài 2 cầu lớn bắc qua sông Lạch Vạn là Cầu Bùng và cầu Diễn Thành, trong những năm gần đây, trên đoạn sông này đã được xây dựng thêm nhiều cây cầu mới như: Cầu Diễn Kim, cầu Diễn Kỷ, cầu Diễn Vạn. Ước mơ nối đôi bờ để giao thương làm ăn sinh sống của nhân dân 9 xã vùng bãi ngang - cửa biển cũng đã trở thành hiện thực. Đây quả là những công trình vô giá mở hướng thoát nghèo cho người dân vùng Lạch Vạn.
Từ đây, các dự án nuôi tôm công nghiệp hàng chục ha thực sự là điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Diễn Châu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, biến vùng đất chua mặn bạc màu vùng Lạch Vạn thành vùng đất cho thu nhập cao. Đồng thời, mở ra cho người dân Diễn Châu một cung cách mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và xã hội, ngành khai thác thuỷ sản khu vực cửa Lạch Vạn đã sớm hình thành và phát triển. Cửa Lạch Vạn là nơi ra vào của tàu thuyền các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và Diễn Kim, sản lượng khai thác hải sản của huyện Diễn Châu chủ yếu tập trung ở đây.
Để giữ yên cuộc sống người dân, đồng thời giúp nguời dân vùng biển thuận lợi trong lưu thông sản phẩm, năm 2003, nhà nước đã đầu tư 8 tỷ đồng xây dựng một cảng cá ngay bên bờ Lạch Vạn với diện tích 8 héc ta thuộc địa phận xã Diễn Ngọc, cùng với đó là hệ thống cột trụ neo đậu tàu thuyền trú, tránh bão dài 3 km dọc vùng cửa Lạch.
Những nét đặc trưng nhất của vùng biển Diễn Châu dường như đều tập trung ở cảng cá này. Với lưu lượng 500 tàu cá ngày ngày cập cảng đã tạo nên không khí làm ăn tấp nập nơi vùng cửa Lạch.
Cảng cá được xây dựng đã làm cho đời sống người dân vùng cửa biển khởi sắc thực sự. Có nơi neo đậu an toàn, hải sản được thu mua tại chỗ, vì thế ngư dân yên tâm ngày đêm bám biển, đem về sản lượng 45 ngàn tấn hải sản mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đã đạt đến 60 triệu đồng/năm.
Cũng tại đây, nước mắm Vạn Phần – một đặc sản của người dân vùng cửa Lạch với hương vị đậm đà thơm ngon rất riêng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước và xuất khẩu sang các nước châu Á. Tất cả đã làm nên sự khởi sắc cho đời sống người dân vùng cửa Vạn.
Trở thành Khu du lịch biển sầm uất
Ông Hồ Văn Huynh, người dân xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, cho biết: “Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cho Lạch Vạn nên đời sống ngư dân bây giờ khá ổn định. Bà con yên tâm đầu tư tàu thuyền vươn khơi đánh bắt, mang lại cuộc sống ấm no, giàu đẹp”..
Qua hơn 20 năm triển khai, vóc dáng khu du lịch hiện đại Diễn Thành đã hình thành. Các nhà hàng, khách sạn cao tầng sừng sững trước biển Đông như những chàng trai làng Vạn vững vàng trước biển cả, giang tay đón nắng trời, gió biển và du khách thập phương.
Cảnh đẹp ấn tượng của Lạch Vạn đã làm say đắm bất kỳ ai khi đến đây. “Bích hải quy phàm” (thuyền về cửa Vạn) được người xưa phong là 1 trong 8 cảnh đẹp Đông Thành quả là không sai. Trong ánh nắng chiều, từng đoàn thuyền hối hả nối đuôi nhau về cập bến.
Những cánh buồm nhiều màu sắc tạo thành vệt dài uốn lượn, trông xa như những cánh bướm khổng lồ đang di động. Cảnh thuyền về cửa Vạn còn được nhiều người tưởng tượng như đoàn ngựa đang đua nhau cưỡi sóng hướng vào cửa Vạn mang đầy những món quà mà biển cả hào phóng ban cho người dân nơi đây.
Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp làm say đắm lòng người, cùng với sự sáng tạo của người dân đang làm nên sức hút to lớn trên mọi lĩnh vực của Lạch Vạn, tiêu biểu là trong văn học nghệ thuật. Không biết đã có bao nhiêu Nhà văn, Nhà thơ, Nhạc sĩ… đã về sáng tác tại Lạch Vạn. Lạch Vạn đã đi vào sử sách, đi vào văn chương, thơ ca và trở thành biểu tượng cho cốt cách tâm hồn người Diễn Châu.
Nhà thơ Trần Ngọc Cảnh, xã Diễn Vạn (Diễn Châu), chia sẻ: “Từ xưa đến nay, các văn nhân thi sỹ đã viết về mảnh đất Vạn Phần rất nhiều. Lạch Vạn và dòng sông Vạn có sức hút lạ lùng khiến ai cũng muốn đến để được chiêm ngưỡng, ngắm nhìn thả mình trên dòng sông...”.
Hiện nay, Lạch Vạn đang là điểm du lịch lý tưởng trong tua du lịch từ Đền Cuông - Cửa Hiền – Hồ Xuân Dương – Lèn Hai vai – Biển Hòn Câu. Một niềm vui, sự khởi sắc mới khi một cây cầu lớn trên trục đường Kinh tế ven biển đã được bắc từ Diễn Thành qua cửa sông sang Diễn Kim, nối liền đôi bờ Lạch Vạn. Vì vậy, trong thời gian không xa nữa, cửa Vạn sẽ là trung tâm giao lưu kinh tế văn hóa của cả huyện Diễn Châu.
Ông Phan Xuân Vinh - Phó chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, cho biết : “Trong NQ Đảng bộ 31, Diễn Châu xác định khai thác kinh tế biển là tiềm năng mũi nhọn và sẽ tập trung vào phát triển du lịch, kết hợp với dịch vụ, tạo vùng du lịch sinh thái dọc các tuyến biển. Đồng thời, phát triển nuôi trồng thủy sản mặn lợ, đa dạng hóa các loài nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế trên vùng đất này.”
Một Thị xã biển trong tương lai sẽ không còn xa với người dân Hoan Diễn. Tất cả đang rộn ràng tươi mới đi lên, xứng đáng với những gì mà thiên nhiên đã ban tặng và cả sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh vùng Lạch Vạn.