Cách báo hiếu độc đáo mùa Vu Lan
Mùa Vu Lan năm nay, Bảo tàng Áo dài (TP Thủ Đức, TP.HCM) tổ chức trải nghiệm ngâm chân từ các loại thảo dược cho quan khách là ông bà, cha mẹ, đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo cơ hội cho con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành.
Hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là một truyền thống tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Với mong muốn làm cầu nối gắn kết tình cảm của các gia đình, Bảo tàng Áo dài ở phường Long Phước, TP Thủ Đức, TP.HCM tổ chức buổi giao lưu “Vu Lan báo hiếu" với nhiều hoạt động ý nghĩa.
Đây là dịp để mọi người tưởng nhớ công ơn sinh thành của ông bà, cha mẹ, qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn truyền thống hiếu thảo trong mùa Vu Lan.
Bà Huỳnh Ngọc Vân – Giám đốc Bảo tàng Áo dài chia sẻ, lần đầu tiên Bảo tàng Áo dài tổ chức trải nghiệm ngâm chân từ các loại thảo dược cho quan khách là ông bà, cha mẹ nhằm tạo cơ hội cho con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo với các đấng sinh thành.
Đồng thời, phát huy di sản văn hóa phi vật thể y, dược học cổ truyền Việt Nam.
Bà Vân cho hay, các loại thảo dược như củ sả, lá lốt, gừng… chủ yếu gom góp ở cù lao Long Phước rồi làm nên bài thuốc ngâm chân để con cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ.
“Ngâm chân thảo dược là phương pháp truyền thống trong y học cổ truyền, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đối với người cao tuổi và những người mắc bệnh xương khớp, việc ngâm chân trong nước ấm cùng các loại thảo dược như sả, gừng, cỏ mần trầu... giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi, kích thích tuần hoàn máu và giảm đau nhức cơ bắp, làm chậm quá trình lão hóa cơ thể, khí huyết cải thiện và hỗ trợ giấc ngủ ngon hơn”, bà Vân nói.
Trong buổi giao lưu mùa “Vu Lan báo hiếu”, nhiều bạn trẻ đã cùng các tình nguyện viên của bảo tàng tự tay chuẩn bị các nồi thảo dược để ngâm chân cho người thân của mình.
“Ngày hôm nay con rất xúc động khi được tham gia chương trình ý nghĩa do bảo tàng tổ chức, thật sự lúc bê chậu thảo dược cho mẹ ngâm chân rồi rửa chân cho mẹ, con mới biết xi măng ăn chân của mẹ rất nhiều, thời gian qua mẹ đã phụ giúp con rất nhiều trong việc sửa sang nhà, con cảm ơn mẹ nhiều”, anh Sơn (TP Thủ Đức) bày tỏ tình cảm với người mẹ tại buổi giao lưu.
Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2014, Bảo tàng Áo dài đã và đang bảo tồn nhiều di sản văn hóa của đất nước. Bên cạnh không gian trưng bày về “Lịch sử Áo dài", "Áo dài các nhân vật đã đóng góp cho đất nước trong nhiều lĩnh vực" còn có những không gian trưng bày chuyên đề “Áo dài di sản văn hóa"…
Tháng 12/2023, Bảo tàng Áo dài được bình chọn vào danh sách “TP.HCM – 100 điều thú vị”.
Đầu tháng 4/2024, bảo tàng được bình chọn vào Top 10 điểm tham quan hấp dẫn hàng đầu TP.HCM.
Theo thống kê, năm 2023, bảo tàng đã phục vụ 55.000 khách. 6 tháng đầu năm 2024, số lượng khách đến với bảo tàng tăng 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.