Cần làm gì để "đánh thức Tây Nguyên"?
Tây Nguyên là vùng có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước, nên tinh thần chung cần có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đẩy mạnh sự phát triển của Tây Nguyên tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trong buổi làm việc hôm nay với các tỉnh Tây Nguyên.
Ngày 2/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, diễn ra Hội nghị khảo sát của Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng với các tỉnh Tây Nguyên, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.
Báo cáo khẳng định, Tây Nguyên là vùng có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế như: Nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với công nghiệp chế biến nông, lâm sản; năng lượng tái tạo; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite; bảo tồn bản sắc văn hóa gắn với phát triển du lịch…
Tuy nhiên, nhìn chung Tây Nguyên vẫn còn những mặt hạn chế như: Các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường đạt kết quả chưa cao, phát triển kinh tế chưa có tính đột phá, các ngành kinh tế trọng điểm chưa phát huy tốt vai trò; tăng trưởng về nông nghiệp, lâm nghiệp chưa bền vững; hệ thống thông tin kết nối chưa đồng bộ, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; đời sống, thu nhập của người dân trong vùng còn thấp....
Trước những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cho rằng với vị thế chiến lược đặc biệt, Tây Nguyên cần có cơ chế đặc thù để phát huy thế mạnh, từng bước thoát khỏi "vùng trũng" của cả nước.
Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiến nghị, Trung ương quan tâm hơn nữa cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho vùng, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược, tiềm năng để đầu tư trong các lĩnh vực thế mạnh của vùng; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, trọng điểm. Có chính sách đặc thù hỗ trợ đối với các nghệ nhân trong khu vực nhằm động viên, khích lệ để tiếp tục cống hiến trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, Trung ương tiếp tục quan tâm, có chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm cao của lãnh đạo các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần quan tâm giải quyết để Tây Nguyên ổn định và phát triển.
Trong đó, các tỉnh cần quan tâm đặc biệt tới công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, đào tạo bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, các tỉnh Tây Nguyên cần quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, quản lý bảo vệ rừng, có cơ chế ứng xử linh hoạt, công tác quy hoạch phải có tính định hướng nhằm tạo không gian phát triển.
“Tây Nguyên là vùng có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước, nên tinh thần chung cần có sự ưu tiên về cơ chế, chính sách, nguồn lực để đẩy mạnh sự phát triển của Tây Nguyên tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có”, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.
Với những ý kiến, kiến nghị của các địa phương Đoàn khảo sát sẽ tổng hợp, báo cáo Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, từ đó chắt lọc đưa vào dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, qua đó có chủ trương, đường hướng mới để đẩy mạnh sự phát triển của Tây Nguyên.