Đời sống

Nỗi lo hỏa hoạn từ các nhà xưởng, công ty ở Hòa Bình

Thanh Phương 02/08/2024 - 17:33

Hậu quả của những vụ hỏa hoạn tại các nhà xưởng, công ty thường rất lớn, khó khắc phục khiến cho các chủ doanh nghiệp lao đao. Vụ cháy tại Công ty TNHH Phúc Diễn chuyên sản xuất bao bì (sử dụng hạt nhựa kéo sợi dệt bao bì) một lần nữa dấy lên nỗi lo từ bà hỏa.

Cháy tại nhà máy đang bị đình chỉ hoạt động

Khoảng 21h30 ngày 29/7, vụ hỏa hoạn xảy ra tại Công ty TNHH Phúc Diễn chuyên sản xuất bao bì thuê lại một phần hạ tầng của Công ty TNHH PNP địa chỉ tại Khu công nghiệp Bình Phú, xã Mông Hoá (thành phố Hòa Bình).

chayhbs.jpg
Vụ cháy xảy ra tại Công ty TNHH Phúc Diễn chuyên sản xuất bao bì

Ngay khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hòa Bình đã điều động 5 xe chữa cháy, 2 xe téc chở nước, nhiều máy bơm cùng cán bộ, chiến sỹ đến hiện trường dập lửa.

Đồng thời, huy động 1 xe phun bê tông, 1 máy xúc, 1 xe téc chở nước của Công ty CP Môi trường đô thị Hòa Bình, 7 xe bồn chở bê tông tham gia chữa cháy. Sau khoảng 3 giờ, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn, không để cháy lan. Vụ cháy không có thiệt hại về người.

Công ty TNHH PNP - doanh nghiệp cho Công ty TNHH Phúc Diễn thuê lại hạ tầng đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình xử phạt vi phạm hành chính do không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) từ ngày 14/12/2022, đến ngày 9/1/2023 bị Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh đình chỉ hoạt động cho đến nay.

Tỉnh chỉ đạo rốt ráo về PCCC

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Trưởng các cơ quan Trung ương trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện một số nội dung tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới…

congnghiephb.jpg
Hòa Bình có nhiều khu, cụm công nghiệp thu hút rất lớn lao động

Đổi mới tư duy, nhận thức phương pháp, cách tiếp cận và tổ chức thực hiện trong công tác PCCC và CNCH phù hợp với yêu cầu, tình hình hiện nay. Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương phải nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCCC.

Xác định và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình về công tác PCCC và CNCH, để cơ sở, công trình hoạt động khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Công an tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC đối với loại hình công trình nhà ở nhiều căn hộ, chung cư, nhà cao tầng, nhà xưởng… Đình chỉ xây dựng, thu hồi giấy phép xây dựng theo thẩm quyền khi chủ đầu tư xây dựng công trình vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

bentrongchay.jpg
Hậu quả các vụ cháy thiệt hại rất lớn

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 4 khu công nghiệp và 5 cụm công nghiệp đã có doanh nghiệp vào hoạt động; trên 9.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại; trên 25 khu dân cư, khu đô thị mới; 94 chợ; 08 siêu thị - trung tâm thương mại; 07 công trình cao tầng...

Nhiều khu dân cư, khu đô thị, công trình công nghiệp - thương mại - dịch vụ đang được quy hoạch, sẽ được xây dựng trong những năm tiếp theo. Tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, nhiều loại hình cơ sở sản xuất hình thành, mở rộng về quy mô, tính chất hoạt động; tập trung lớn lượng vật tư hàng hóa, vật liệu dễ cháy; việc sử dụng lửa, điện, xăng dầu, khí gas ngày càng phổ biến đa dạng và phong phú, luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ.

Giai đoạn từ năm 2018 - 2023, việc triển khai, thực hiện chính sách pháp luật về PCCC trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được thực hiện nghiêm túc; đã làm tốt công tác quán triệt, triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác PCCC, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai về công tác PCCC. Theo đó, công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH được tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, địa bàn cơ sở.

dientappc.jpg
Chủ doanh nghiệp, công nhân, người dân được tập huấn công tác PCCC

Đơn vị chức năng đã tổ chức trên 2.500 buổi tuyên truyền trực tiếp về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, với trên 50.000 lượt người nghe; tuyên truyền, vận động trên 2.000 hộ gia đình dỡ bỏ “chuồng cọp”, “lồng sắt”, tạo lối thoát nạn khẩn cấp khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; đăng trên 5.000 tin, bài, clip tuyên truyền, khuyến cáo trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook; phổ biến, hướng dẫn 6.000 lượt người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Báo cháy -114 và trên 10.000 lượt quan tâm tài khoản “Cục Cảnh sát PCCC và CNCH” trên mạng xã hội Zalo,…

Vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Qua thống kê, rà soát trên địa bàn tỉnh hiện có 254 cơ sở chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động. Để xử lý dứt điểm các công trình vi phạm nêu trên, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đăng tải danh sách các cơ sở, công trình này lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, kiểm tra và yêu cầu cơ sở cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục các vi phạm về PCCC; đồng thời đã tiến hành xử lý vi phạm về PCCC theo quy định đối với hơn 70 trường hợp, với số tiền trên 5 tỷ đồng.

chaycho.jpg
Nguy cơ cháy nổ thường xuyên xảy ra, nếu người dân lơ là, mất cảnh giác

Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đã tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đảm bảo tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy 24/24 giờ, duy trì 100% quân số thường trực trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an toàn PCCC và cứu nạn cứu hộ cho các sự kiện chính trị, văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị tốt các phương án chủ động ứng phó với mưa lớn, lốc sét, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do bão gây ra trên địa bàn tỉnh.

Trên địa bàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động 4 đội PCCC chuyên ngành tại các cơ sở gồm: Công ty Thủy điện Hòa Bình, Khu công nghiệp bờ trái Sông Đà, Khu công nghiệp Lương Sơn và Viện thuốc phóng, thuốc nổ (Bộ Quốc Phòng). Đã thành lập 2.011 đội PCCC cơ sở tại các cơ quan, doanh nghiệp, với tổng số gần 20.000 đội viên, cơ bản đáp ứng các yêu cầu về mô hình tổ chức, số lượng đội viên, chế độ theo quy định.

Các lực lượng này đã được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH, thường xuyên phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trong thực tập các phương án và khi có vụ việc xảy ra tại địa bàn dân cư. Củng cố, xây dựng 01 đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm; 10 tổ quản lý bảo vệ rừng và PCCC rừng thuộc Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố; 206 tổ bảo vệ rừng cấp xã và 05 tổ bảo vệ rừng thuộc các Ban quản lý rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, chủ rừng lớn. Đã thành lập được 1.257 tổ quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng ở các thôn, xóm, bản, làng với 7.660 người tham gia.

Công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH được tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã, địa bàn cơ sở. Nhiều đơn vị, cơ sở đã quan tâm đầu tư trang bị phương tiện PCCC, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy; duy trì thực hiện đầy đủ các giải pháp trong công tác PCCC đối với các dự án, công trình.... qua đó đã góp phần hạn chế thấp nhất về thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Thanh Phương