Tập huấn quy trình giám sát, phát hiện với các ổ dịch nhiễm khuẩn bệnh viện
Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với tổ chức PATH và văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Tập huấn triển khai hướng dẫn “Quy trình giám sát, phát hiện và đáp ứng với các ổ dịch nhiễm khuẩn bệnh viện” và Hội thảo Tổng kết đánh giá hiệu quả và bền vững Dự án “Thiết lập và vận hành đơn vị KSNK và điều tra dịch bệnh mở rộng” giai đoạn 2022-2024.
Chương trình có sự tham dự trực tiếp của gần 100 đại biểu đến từ BVTW Huế, BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới Trung ương và các bệnh viện vệ tinh, các chuyên gia đến từ Tổ chức CDC, PATH Hoa kỳ và đại biểu tham dự trực tuyến. Hoạt động nằm trong kế hoạch của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, sự hỗ trợ của các tổ chức CDC, PATH (Hoa Kỳ) trong triển khai bệnh viện mô hình mẫu về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK).
Phát biểu trong Hội thảo, TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát của những bệnh dịch do virus Zika, Ebola, và nhiều loại virus khác… cùng với sự xuất hiện của các mầm bệnh mới và kháng thuốc không chỉ đe dọa đến sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới mà còn gây ra những hậu quả nặng nề về kinh tế và xã hội. Việc giám sát nhiễm khuẩn và phản ứng kịp thời trước các dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế và mỗi cá nhân.
Bộ Y tế đã xây dựng các bệnh viện mẫu KSNK từ 6 Bệnh viện đầu tiên năm 2017 và cho đến nay đã có 95 Bệnh viện. Bộ Y tế đánh giá cao Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương, đây là 3 trong 6 Bệnh viện mẫu không những đã triển khai tốt các hoạt động KSNK, phòng chống bệnh dịch mà còn giúp chuyển giao kỹ thuật về giám sát nhiễm khuẩn, cải tiến chất lượng KSNK cho các bệnh viện trong hệ thống rất hiệu quả.
Đồng thời Bộ y tế cũng ghi nhận sự hỗ trợ rất tích cực của CDC, của Tổ chức PATH trong việc góp phần nâng cao năng lực của của các BV tham gia Dự án. TS Khoa hy vọng từ những thành công được ghi nhận ngày hôm nay về KSNK các Bệnh viện sẽ tìm ra các biện pháp duy trì tính bền vững và phát triển hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời tìm các biện pháp cải tiến KSNK hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Tố Như, Giám đốc chương trình của Tổ chức PATH Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng phát biểu tại Hội thảo rằng, đại dịch COVID-19 đã nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để đối phó với các tình huống dịch bệnh bất thường, đặc biệt trong các cơ sở y tế. Một thách thức lớn của công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) là nhận biết sớm sự gia tăng bất thường của các ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) và sự xuất hiện của các vi sinh vật kháng thuốc bất thường hoặc mới nổi. Trong 3 năm qua, dự án của PATH và CDC Hoa Kỳ đã hỗ trợ tăng cường năng lực điều tra và đáp ứng dịch NKBV cho các bệnh viện.
Theo Bà Lindsay Kim, Giám đốc chương trình An ninh Y tế toàn cầu, CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong giai đoạn 2022-2024 các đơn vị EICI đã có những bước tiến vượt bậc. Các nhóm đã nhiệt tình thực hiện các hoạt động để cải thiện các hệ thống giám sát, tăng cường chia sẻ dữ liệu và trao đổi giữa KSNK, Phòng xét nghiệm vi sinh, các khoa lâm sàng và các khoa phòng liên quan khác trong mỗi bệnh viện. Sự tăng cường hợp tác giữa các đơn vị, khoa phòng giúp bệnh viện xác định sớm các đợt bùng phát tiềm ẩn và nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát.
GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc BVTW Huế phát biểu: BVTW Huế là một trong 6 BV mô hình mẫu về KSNK của Việt Nam, là thành viên hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế về KSNK, cùng với các BV tuyến TW khác đã có những đóng góp tích cực về chuyên môn KSNK và KKS cũng như công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến về KSNK cho các bệnh viện tuyến dưới khu vực Miền Trung- Tây Nguyên. Với yêu cầu ngày càng cao trong phát triển chuyên môn kỹ thuật thì đòi hỏi công tác KSNK phải đáp ứng ngang tầm, chính vì vậy việc hình thành dự án Thiết lập và vận hành đơn vị kiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch mở rộng (EICI) là điều cần thiết.
Được biết, từ năm 2016 Bệnh viện Trung ương Huế là một trong những bệnh viện đầu tiên đã tham gia vào Hệ thống giám sát quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn và kháng kháng sinh. Đơn vị Kiểm soát nhiễm khuẩn và điều tra dịch bệnh mở rộng (EICI) BVTW Huế thành lập tháng 8/2022 theo kế hoạch của Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế với sự hỗ trợ của các tổ chức CDC và PATH Hoa Kỳ với mục đích phát triển năng lực cho các bệnh viện trong khu vực trong lĩnh vực giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát kháng kháng sinh, áp dụng các biện pháp thực hành tốt về kiểm soát nhiễm khuẩn; quản lý và kiểm soát bùng phát dịch nhiễm khuẩn bệnh viện.
Trong thời gian qua đơn vị EICI BVTW Huế đã thực hiện nhiều chuyến công tác hỗ trợ nâng cao năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn đến 9 bệnh viện tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên như: Nghệ An, Hà Tỉnh; Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – CuBa Đồng Hới, Bệnh viện đa khoa Tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Ngãi, Lâm Đồng …
Tại Hội thảo, các Bệnh viện báo cáo kết quả KSNK đạt được từ chuyển giao kỹ thuật giai đoạn 2022-2024 và đề xuất các hoạt động trong giai đoạn tiếp theo. Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc để các bệnh viện có thể xây dựng quy trình phù hợp, chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống dịch bệnh. Sự hợp tác giữa BVTW Huế và các bệnh viện trong khu vực đã mang lại kết quả tích cực và hy vọng sẽ tiếp tục được phát triển trong tương lai, giúp hình thành một mạng lưới hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong công tác KSNK và giám sát kháng kháng sinh.
Trong thời gian đến, Tổ chức CDC Hoa Kỳ tiếp tục hoàn thiện và kết thúc các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đang triển khai tại các Đơn vị EICI trực thuộc BV Trung ương Huế và BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt Đới Trung ương. Dự kiến năm 2026, CDC Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động xây dựng và nâng cao năng lực về kiểm soát nhiễm khuẩn, cải thiện tình trạng kháng kháng sinh, sử dụng kháng sinh hợp lý nhằm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh; góp phần quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân và nâng cao hiệu quả kinh tế tại các bệnh viện.