Hòa Bình: Tài sản bị thiệt hại gần 300 triệu đồng, vì sao chưa khởi tố vụ án?
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lương Sơn, Hòa Bình có Kết luận định giá tổng giá trị các tài sản bị thiệt hại là hơn 285 triệu đồng. “Nghi ngờ” kết quả định giá, song Công an huyện Lương Sơn lại không yêu cầu định giá lại dẫn đến vụ việc kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến vụ việc có dấu hiệu bị hủy hoại tài sản xảy ra tại khe núi Đặng Kiệm thuộc xã Liên Sơn, (Lương Sơn, Hòa Bình), Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn vừa có thông báo về việc giải quyết đơn kiến nghị của công dân.
Theo thông báo, ngày 16/7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn nhận được phiếu chuyển đơn số 21/PC-VKSLS ngày 15/7/2024 của VKSND huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình kèm theo Đơn đề nghị của ông Cao Đình Ngời (SN 1963, trú tại xã Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình) về việc xem xét khởi tố vụ án và khởi tố bị can về hành vi hủy hoại tài sản, vật kiến trúc hoa màu trên đất của Công ty TNHH Thương mại Nam Phương, đối với các đối tượng thuộc phía Công ty cổ phần 305 Hòa Bình.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn đã tiến hành kiểm tra xác minh theo quy định của pháp luật: Theo đó, ngày 15/11 Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn nhận được đơn tố cáo của Công ty TNHH Thương mại Nam Phương về việc: vào ngày 22/4/2022 tại khu đất của Công TNHH thương mại Nam Phương có đại chỉ tại thôn Tân Sơn, xã Liên Sơn bị một nhóm đối tượng gồm Ban lãnh đạo và nhân viên Công ty cổ phần 305 Hòa Bình sử dụng máy xúc để phá tài sản.
Sau khi tiếp nhận Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn đã ra quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với vụ việc trên. Ngày 09/01/2024 Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã ra yêu cầu định giá tài sản số 66 đối với: số tường bao, chuồng gà, kho mìn và cây cối trên.
Để xác định chính xác giá trị các tài sản đề nghị định giá, Hội đồng định giá đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình phối hợp với người tố giác và người bị tố giác xác định, khẳng định chính xác thông tin, đặc điểm của tài sản cần định giá.
Ngày 08/03/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình ra văn bản số 215 về việc bổ sung tài liệu để tiến hành định giá tài sản (hồ sơ tài liệu kèm theo) gửi Hội đồng định giá huyện Lương Sơn, Hòa Bình để đảm bảo cho việc định giá.
Ngày 15/3/2024 Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn đã ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm trên do đã hết thời hạn xác minh nhưng vẫn chưa có kết luận định giá tài sản.
Đến ngày 22/4/2024 Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng huyện Lương Sơn, Hòa Bình có Kết luận định giá số 12/KL-HĐĐGTS, tổng giá trị các tài sản bị thiệt hại là 285.321.000 đồng.
Tuy nhiên, qua xem xét kết luận định giá, thấy rằng Hội đồng định giá khi tính giá trị các tài sản trên đã xác định giá của tài sản theo giá của tài sản chưa qua sử dụng mà không tính giá trị thực tế (phần khấu hao, hao mòn) là chưa đúng với quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Nghị định 30/2018/NĐ CP ngày 07/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã gửi công văn đến Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về việc tính giá trị tại thời điểm bị xâm hại khi tiến hành định giá tài sản.
Ngày 15/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã nhận được công văn số 04/HĐĐG - TT ngày 13/5/2024 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về việc tính giá trị tại thời điểm bị xâm hại khi tiến hành định giá tài sản như sau: Hội đồng định giá tài sản căn cứ quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/03/2018 của Chính phủ và Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17/02/2014 của Bộ tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó Hội đồng căn cứ quy định của Nhà nước và áp đơn giá đó để tính giá của tài sản. Việc định giá tài sản tại thời điểm tài sản bị xâm hại đã trừ khẩu hao hay chưa (tại thời điểm ngày 22/4/2022). Vấn đề này Hội đồng không định giá được. Do đó Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự đối với vụ việc trên.
Được biết, ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, ông Cao Đình Ngời đã có đơn đề nghị Cơ quan CSĐT Công an huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình tiến hành thủ tục định giá lại tài sản để làm căn cứ phục hồi điều tra để vụ án sớm được làm sáng tỏ.
Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, Luật sư Khương Tân Phương, (Trưởng văn phòng luật sư Thuận Nam Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: khoản 1 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định về định giá lại như sau: “1. Định giá lại trong trường hợp có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu được thực hiện khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có đầy đủ căn cứ nghi ngờ về kết luận trên”.
Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 21 Nghị định 30/2018/NĐ-CP quy định: “3. Việc định giá lại quy định tại khoản 1 Điều này do Hội đồng định giá cấp trên thực hiện: a) Hội đồng định giá cấp tỉnh định giá lại tài sản do Hội đồng định giá cấp huyện định giá lần đầu;”
“Trong trường hợp, Công an huyện Lương Sơn đã nghi ngờ với kết quả định giá, cần nhanh chóng tiến hành thủ tục định giá lại tài sản bị hủy hoại khi có nghi ngờ về kết luận định giá lần đầu để qua đó làm căn cứ khởi tố vụ án. Tránh việc giải quyết việc chậm trễ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của Công ty Nam Phương”, Luật sư Phương nêu ý kiến.