Đời sống

Hà Nội: Tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

Vũ Đậu 30/07/2024 - 11:05

Nhằm đẩy lùi tội phạm mua bán người, bảo vệ quyền cho nạn nhân bị mua bán, Thành phố Hà Nội đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Bên cạnh các chiến dịch trấn áp tội phạm mua bán người, Thành phố cũng rất chú trọng công tác hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán.

Tại Hà Nội, mặc dù số vụ mua bán người được phát hiện không nhiều, nhưng do đặc điểm là đầu mối của nhiều tuyến giao thông đi các tỉnh nên Hà Nội vẫn là địa bàn trung chuyển của nhiều vụ mua bán người xuyên quốc gia.

Trong số hàng nghìn nạn nhân của tội phạm mua bán người được tiếp nhận, giải cứu, nhiều nạn nhân sau khi trở về gặp các vấn đề về sang chấn tâm lý, hoảng loạn, lo lắng. Một số nạn nhân còn gặp khó khăn trong hòa nhập cộng đồng.

1-a173.jpg
Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, tổ chức tuyên truyền công tác phòng chống mua bán người cho các em học sinh trên địa bàn.

Bà Nguyễn Thúy Hằng - Chi Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), cho biết, theo Điều 19 Nghị định 09/2013/NĐ-CP, đối với nạn nhân bị mua bán gồm: Hỗ trợ tiền ăn trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ, cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Thời gian hỗ trợ tối đa từ nguồn ngân sách nhà nước không quá 60 ngày. Hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết.

Nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả tiền tàu xe và tiền ăn trong thời gian đi đường thì được hỗ trợ tiền ăn trong những ngày đi trên đường; hỗ trợ tiền tàu xe theo giá phương tiện công cộng phổ thông.

Nạn nhân là người chưa thành niên thì Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm tự mình hoặc phối hợp với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội đưa nạn nhân về nơi người thân thích cư trú.

Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc hỗ trợ nhu cầu thiết yếu gồm: UBND cấp xã, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển (đơn vị tiếp nhận, giải cứu nạn nhân); cơ sở hỗ trợ nạn nhân; cơ sở bảo trợ xã hội.

Về y tế, tại Điều 20 Nghị định 09/2013/NĐ-CP quy định, chế độ hỗ trợ gồm chi phí khám, chữa bệnh. Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân mua bán người được chăm sóc y tế để phục hồi sức khỏe.

Trường hợp nạn nhân bị ốm nặng phải chuyển đến cơ sở y tế điều trị thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế do nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân tự thanh toán.

Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, người chưa thành niên được cơ sở hỗ trợ nạn nhân hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho các đối tượng tương ứng.

Đối với nạn nhân không còn thân nhân được cơ sở hỗ trợ chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bằng mức quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho đối tượng thuộc hộ nghèo.

Trường hợp đối tượng có thẻ Bảo hiểm y tế còn thời hạn sử dụng thì được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

Trong thời gian lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, chế độ hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu nhóm.

Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm tổ chức các hoạt động hỗ trợ giúp nạn nhân ổn định tâm lý trong thời gian lưu trú. Đối với nạn nhân là người chưa thành niên, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân có trách nhiệm liên hệ, đánh giá về mức độ an toàn đối với nạn nhân khi trở về gia đình hoặc nơi cư trú trước khi đưa nạn nhân trở về.

Theo Điều 22 - NĐ 09, nạn nhân mua bán người được tư vấn pháp luật để phòng ngừa bị mua bán trở lại. Trợ giúp làm thủ tục đăng ký hộ khẩu, hộ tịch, nhận chế độ hỗ trợ, đòi bồi thường thiệt hại, tham gia tố tụng và các thủ tục pháp lý khác có liên quan đến việc mua bán người.

Đồng thời, nạn nhân mua bán người cũng được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, trợ cấp khó khăn ban đầu. Theo đó, nạn nhân thuộc hộ nghèo được miễn học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nạn nhân có nhu cầu học nghề thì được hỗ trợ một lần chi phí học nghề. Mức hỗ trợ theo chi phí đào tạo nghề tương ứng tại các cơ sở đào tạo nghề ở địa phương.

Đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo, khi trở về nơi cư trú được hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu theo mức do Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH quy định.

Nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm.

Vũ Đậu