Lũ qua ta xây lại từ đầu…

Đời sống - Ngày đăng : 14:09, 10/11/2016

Cuộc điện thoại của mẹ chiều nay khiến tôi cứ thấp thỏm mãi. Mẹ bảo lũ lại tới và mùa này ruộng đồng ngập hết, không có hạt mầm nào được gieo.

Sống chung với bão lũ 

Người miền Trung quê tôi bao đời nay vẫn vất vả như vậy. Chỉ nghĩ đến thôi lòng tôi đã thắt lại. Năm này qua năm khác, thế hệ này qua thế hệ khác không tránh khỏi sự khắc nhiệt của thiên tai.

Ngày hè, miền Trung nắng chói chang tới 40 độ, gió Lào thổi bỏng rát thịt da. Ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) có những ngày nắng chang chang lửa, hồ thủy điện nước cạn kiệt. Bố cùng ông trẻ người vác cuốc, người vác xẻng xuống ruộng đào giếng cũng không có nước. Nhìn cảnh đất đai khô cằn, nứt nẻ trắng đồng, tôi đau xót như vỡ từng mạch máu trên cơ thể . Vào ngày đông, trời lạnh tới mức cây ngô ngoài đồng của mẹ, cây rau cải bên hiên nhà bà không thể nhú mầm non khỏi đất.

Đấy là chưa kể đến cả tuổi thơ tôi lớn lên trong những ngày giông bão. Tôi nhớ như in cảnh gió cuốn cây cối đổ chắn ngang đường, giật tung mái nhà tranh được lợp kỹ càng của mẹ. Cứ thế, trời mưa rơi tầm tã, gió bão bùng và nước sông dâng lên ngập ruộng đồng, nhà cửa trong tích tắc.

Những ngày lũ, bố mẹ bắt chị em tôi ngồi im trên trần nhà. Cấm là thế nhưng thi thoảng chị em tôi lại lén ló đầu ra nhìn bố vác cây sào nứa đi đo nước lũ. Năm nào cũng vậy, bố ra sau đồi chặt tre về làm sào mới thay cho cây sào đã đo nước lũ tới 3-4 lần trong năm. Thời gian trôi đi, tóc bố bạc thêm, chị em tôi lớn lên từng ngày, nhưng thiên tai dường như cũng ngày càng hà khắc, biến động khó lường hơn. Những cơn lũ giờ đây đến nhanh hơn với sức tàn phá khủng khiếp, để lại nhiều hậu quả nặng nề.

Lũ qua ta xây lại từ đầu…

Người dân ở rốn lũ ở Quảng Bình ở tạm trong các nhà bè - Ảnh: Tuổi trẻ 

Chẳng nói đâu xa trung tuần tháng Mười vừa qua, tại các tỉnh miền Trung đã xảy ra đợt lũ lụt lịch sử, gây hậu quả nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống của nhân dân. Theo báo cáo sơ bộ, tại các tỉnh miền Trung đã có 40 người chết, mất tích và 50 người bị thương (riêng Quảng Bình có 25 người chết, mất tích và 45 người bị thương); 135,5 ngàn ngôi nhà bị sập đổ, sạt lở, tốc mái; 3,4 ngàn ha lúa và 12,9 ngàn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do đợt lũ lụt vừa qua tại các tỉnh miền Trung ước tính khoảng 2,5 ngàn tỷ đồng.

Về miền Trung những ngày này, chứng kiến cảnh hàng chục nghìn cây bưởi Phúc Trạch tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bật rễ chết khô. Nhiều trường học trên địa bàn bị ngập nước, một số tuyến đường giao thông bị hư hại. Học sinh không thể đến trường vì sách vở, quần áo bị lũ cuốn trôi. Người nông dân Quảng Bình rơi nước mắt bất lực nhìn cả “gia tài” là những bao thóc bị lũ nhấn chìm ngâm nước bị nảy mầm, chắc hắn không ai có thể cầm lòng.

Cứ thế, hậu quả của cơn lũ lịch sử lần này chưa kịp khắc phục xong thì đợt mưa lũ khác lại ập đến. Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất hiếm có ngày đất trời yên ả, tưởng chừng như sẽ hình thành được thói quyen với 1 tâm hồn bình lặng trước những những đợt bão về. Vậy mà chiều nay khi nghe không khí lạnh đang tràn về báo hiệu miền Trung hứng đợt lũ thứ 3 lòng tôi lại thấp thỏm không yên.

Mệnh lệnh tinh thần

Điều lạ là, chính sự khắc nhiệt của tự nhiên khiến người miền Trung càng thêm rắn rỏi, bản lĩnh. Nhắc đến miền Trung, người ta nghĩ ngay đến đất học, đất của sự gắn kết yêu thương. Thủ khoa đầu vào của các trường đại học nổi tiếng, những cái tên được xướng lên tại các cuộc thi quốc tế đều có người miền Trung. Chính cái nghèo, cái khó khăn vất vả đã tôi luyện bản lĩnh cho con người nơi đây.

Trong lúc khó khăn, người dân chia nhau những bơ gạo chưa "ngậm" nước lũ. Gia đình nào nhà bị ngập thì lên ở nhờ hàng xóm trên đỉnh đồi. Giữa lúc nước lũ đang dâng lên, vẫn có những “đám cưới chạy lũ” trong niềm vui hân hoan của mọi người. Người ta lại thấy hình ảnh người trẻ, có cả các cụ bà cùng nhau hát bài hát tình yêu chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ giữa nước lũ. Nhiều em bé vẫn chào đời một cách kỳ diệu trong lũ như câu chuyện Công an thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) đã kịp thời đưa sản phụ Phạm Thị Mỹ Linh tới bệnh viện.

Lũ qua ta xây lại từ đầu…

Một đám rước dâu mùa lũ ở Quảng Bình - Ảnh: intrenet

Bão có thể giật tung mái nhà của mẹ, cuốn trôi con ngõ mới bố làm móng tháng trước. Thậm chí, con bò, con heo ngoài chuồng của nội bị chết vì lũ. Tuy nhiên, lũ không thể nhấn chìm được ý chí của người dân. Ngày mai, khi lũ qua, bố sẽ giúp mẹ sửa mái nhà, làm lại con ngõ, cái chuồng heo, gom góp tiền mua con bê để nội chăn làm giống.

Ngày lũ rút, các phụ huynh đến trường học dọn dẹp cùng thầy cô. Đoàn thanh niên phát quang lại các con đường, giúp người dân dựng lại ngôi nhà bão vừa giật đổ. Các bà, các mẹ xây dựng hũ gạo tình thương dành cho những trường hợp khó khăn. Khi nắng lên, đất ngoài đồng khô ráo, bố cùng đàn ông trong làng đi cày vỡ đất. Bên hiên nhà, nội và mẹ chuẩn bị hạt giống gieo cho mùa tới như chưa từng có trận “nổi giận” của thiên nhiên. Trên con đường làng, trẻ nhỏ tung tăng đến trường trong nắng tinh khôi. 

“Lũ qua ta xây lại từ đầu…” không chỉ là câu nói cửa miệng của người dân miền Trung. Nó còn là một mệnh lệnh tinh thần được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đời này qua đời khác trên dải đất hai đầu đòn gánh của đất nước, gánh trên vai sự hà khắc của thiên nhiên nhưng con người ở đây lại được trao tặng những phẩm chất bền bỉ, kiên cường, sẵn sàng tương trợ sát cánh bên nhau vượt qua gian khó mà không phải miền quê nào cũng có được.

Phan Huyền