“Bão trắng” đi qua, nỗi đau ở lại
Đời sống - Ngày đăng : 11:20, 10/11/2016
Pháp luật thượng tôn, tội ác nào sớm muộn cũng phải bị trừng phạt, âu đó cũng là cái lẽ thường tình. Thế nhưng điều đáng nói ở đây là ngoài việc đem “cái chết trắng” reo rắc cho đồng loại, những đại ca, ông trùm ma túy đó còn đẩy chính những ràng ruột, máu mủ của mình vào cơn bĩ cực. Cha mất con, vợ mất chồng, hàng trăm đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa...
Cha “đế vương”, con tả tơi đói rách
Từ xưa đến nay, mỗi khi nhắc đến các đại ca, ông trùm ma túy, người ta thường hay liên tưởng đến cuộc sống xa hoa, giàu sang tột bậc. Thế nhưng có một sự thật là người thân trong gia đình như vợ con, bố mẹ của những kẻ chuyên “đi buôn thần chết”mà tôi đã từng gặp ở Điện Biên, phần lớn đều đang phải sống lần hồi trong đói nghèo thăm thẳm.
Cách đây ít lâu, trong chuyến công tác về Điện Biên tìm hiểu về “ma lá ngón”, tôi có đến thăm gia đình của “ông trùm ma túy” Hạng Khua Ly (SN 1975, Pú Nhi, Điện Biên Đông). Nhà Ly huơ hoác, nhìn lên thấy lốm đốm trời, thật khó để tưởng tượng đấy lại là “dinh thự”, là “hậu phương” của một kẻ lưu manh, liều lĩnh bậc nhất trong giới “ăn hàng trắng” ở khắp dải rừng Tây Bắc.
Con đường trở thành ông trùm ma túy của Ly cũng giống như bao kẻ “buôn bán tử thần” có “số má” khác ở Điện Biên: Ban đầu là “cửu vạn”, nhận vận chuyển thuê kiếm tiền đắp đậy cuộc sống, khi đã thông tỏ mọi ngóc ngách, mánh khóe làm ăn thì tách ra tự mình… làm ông chủ. Sau vài lần mua bán thành công, Ly bắt đầu nghĩ đến chuyện thiết lập đường dây, mở rộng phạm vi hoạt động. Tham gia đường dây của hắn còn có 4 người, trải dài từ xã Na Ư, Nà Ngum về Pú Nhi, TP Điện Biên Phủ ra Mường Ảng, sang Lai Châu và Lào Cai rồi tỏa đi khắp các tỉnh thành, cái “vòi bạch tuộc” ngày một vươn xa...
Thông thường, mỗi khi khách đặt hàng, Ly trực tiếp “lướt núi” vượt Tây Trang qua Phong Sa Lỳ (Lào) để gom “vàng trắng”. Có đận hàng khan, hắn phải chui lủi gần hai tháng trời như muông thú trong các cánh rừng hoang rậm để chờ đợi. Sau khi gom đủ, hắn lại “cắt rừng” về Việt Nam qua đường tiểu ngạch, tránh sự phát hiện của bộ đội biên phòng và các lực lượng chức năng.
Số lượng ma túy tiêu thụ ngày càng lớn, Ly bắt đầu thiết lập các chân rết khắp vùng thượng Lào và thu nạp thêm “cửu vạn”. Phần lớn đám “cửu vạn” chuyên vận chuyển thuê ma túy cho hắn từ nước bạn về Việt Nam, đều là những người dân tộc Mông, Dao, Thái thông thuộc địa hình núi non hiểm trở Điện Biên. Ngoài ra, trước mỗi chuyến “ăn hàng”, hắn còn sử dụng rất nhiều “chim mồi”, “hoa tiêu” đi tiền trạm, nếu thấy yên ổn, không có dấu hiệu bị mai phục mới tiếp tục “hành quân”. Nếu phát hiện bị phục kích, bọn chúng sẵn sàng “xả” hàng xuống suối hoặc giấu vào hang, hốc đá nhằm phi tang.
Giọt nước mắt của vợ con Ly
Thông thường, một bánh heroin Ly mua ở chợ biên giới khoảng 50 - 70 triệu đồng, mang về Điện Biên bán được hơn 100 triệu, về đến Sơn La là 150 triệu, còn nếu giao dịch tại Hà Nội có khi khách phải trả lên tới 200 – 250 triệu đồng. Cứ thế, số tiền lãi như cấp số nhân cho mỗi “kilomet đường giao dịch”. Ly “say” tiền như con thú say mồi. Suốt những năm tháng mang “cái chết trắng” đi reo rắc, tiền có khi Hạng Khua Ly thu về hàng… bao tải. Ấy nhưng, lạ nỗi là chả biết làm sao, số tiền ấy hắn “đốt” ở đâu chứ không hề “đốt” vào cái gia đình tận đau, tận khổ ở Pú Nhi. Nghe nói, có lần thành công một chuyến hàng lớn, hắn đã bao trọn cả một khách sạn cao cấp bên nước bạn để mời anh em, chiến hữu “xả hơi”, rượu bia, gái gú suốt mấy ngày liền…
Kể từ khi bị bắt, rồi lĩnh án tử hình, ngồi trong buồng biệt giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên chờ ngày trả án, Ly khóc nhiều. Hắn bảo, ước gì mình không phạm tội, không bị gục ngã bởi cám dỗ của đồng tiền để giờ không phải đau đáu một nỗi lo về vợ dại, con thơ. Còn ở xó rừng heo hút Pú Nhi, vợ và 4 đứa con Ly vẫn lay lắt, vật vã trong cái đói, cái nghèo thăm thẳm. Khi nhắc đến người chồng, người cha tử tù, Hờ Thị Sạ - vợ Ly - và mấy đứa con chỉ khóc. Trong nhà của “ông trùm ma túy” một thời này giờ chả có gì đáng giá. Vài cái xoong nồi nhọ nhem vứt chỏng chơ, hai lu nước để đầu hồi toàn loăng quăng, bọ gậy. Khách đến, Sạ tìm mãi mới kiếm nổi manh chiếu rách trải tạm ra nền đất rồi quay ra than về cái đói, cái nghèo, về tương lai bịt bùng của 4 đứa con “trứng gà, trứng vịt”…
Ông trùm Sùng A Mua trong trại giam
Cuộc sống lay lắt của những bậc sinh thành
Cách nhà Ly một thôi đường, là nhà của Sùng A Mua, một “ông trùm ma túy” khác của Pú Nhi. Hôm tôi đến thăm, đúng lúc hai đứa con của Mua đương chuẩn bị bữa chiều. Trong căn bếp tràn trụa khói, cô chị Sùng Thị Mỷ (7 tuổi) đang cố vùi mấy củ khoai xuống dưới đống than. Đám củi ướt rượt, ánh lửa chưa kịp xòe lên đã vội tắt, khói cuồn cuộn thốc lên. Cay xè. Trong khi Mỷ mải đánh vật với đám lửa lập lòe thì cậu em Sùng A Thò nhao lên vì đói. Mãi rồi “bữa tối” cũng được dọn ra, cậu em được Mỷ ưu tiên cho củ khoai to nhất. Thò vừa thổi, vừa xuýt xoa, bàn tay cóc cáy khều khều từng lớp vỏ cháy đen, mắt ánh lên niềm háo hức…
Mỷ kể, mấy hôm nay nhà hết gạo, mẹ thì đi rừng, có khi đến vài ngày mới về. Mỷ vừa phải lo ăn uống, tắm giặt, vệ sinh, vừa phải lo cho em ngủ. Mỷ vừa làm chị, vừa “làm mẹ” khi mới vừa tròn 7 tuổi. Sáng nào hai chị em Mỷ cũng dò dẫm lên nương. Bất cứ thứ gì đồng bào bỏ sót từ bắp ngô, củ khoai, củ sắn, thậm chí là mấy đọt măng rừng cũng đều được hai chị em Mỷ đem về “chế biến” thành bữa ăn. “Hôm nay, tại thằng Thò bị ngã chảy máu, nó khóc quá nên cháu mới phải về sớm, chứ nếu không hai chị em đã kiếm được nhiều hơn. Sáng mai cháu định đi một mình, để em ở nhà. Có nó vướng chân, vướng tay, cháu không tìm đến những nương xa được!”, Mỷ hồn nhiên.
Nhìn hai chị em Mỷ ngồi ăn khoai ngon lành trong bóng chiều chạng vạng, người ta rất khó tránh được cảm giác buốt xót đến tận cùng. Trước kia, Sùng A Mua (SN 1987), bố Mỷ nổi tiếng ăn chơi trong giới buôn “hàng trắng” ở Điện Biên. Không những thế, Mua còn được biết đến như là tử tù trẻ nhất Việt Nam. Hắn bị tuyên án tử hình khi mới vừa bước qua tuổi 19 được mấy ngày. Đến ngay cả khi Mua bị bắt và đưa ra xét xử, nhiều người cũng không thể ngờ rằng, chàng thanh niên Mông khôi ngô, tuấn tú như “hot boy” ấy lại là một ông trùm ma túy.
Hạng Khua Ly: “Tôi có lỗi với vợ con…”
Giờ gia đình Mua, giàu sang đâu chả thấy, chỉ toàn đớn đau và nước mắt. Tiền kiếm được, Mua đốt hết vào những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng. Trong đám bạn, Mua nổi tiếng ga lăng, chịu chơi và sính dùng hàng hiệu. Chưa kể đến thú chơi xe, chỉ tính riêng “bộ sưu tập” quần áo, giầy dép của Mua cũng đến hàng trăm triệu. Riêng cô bồ nhí ở TP Điện Biên Phủ, Mua sắm sanh cho chẳng thiếu thứ gì. Nhiều lúc hứng chí, Mua đánh hẳn chuyến xe đưa nàng xuống Thủ đô khuân về đến nửa shop quần áo và mỹ phẩm…
Nhắc đến chuyện “đốt tiền” của con trai, bố Mua chỉ cười buồn. Từ ngày Mua bị bắt, ông sống lặng lẽ trong căn nhà tuềnh toàng nơi bản vắng. Không những thế, ông còn phải chắt bóp từng đồng để thỉnh thoảng đỡ đần cho hai đứa cháu nội. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vật lộn với áo cơm đã bòn rút chút sức lực cuối cùng của ông khi tuổi già chạng vạng. Còn Sùng Thị Mái, vợ Mua, cũng thuộc diện “sắc nước hương trời”, nhưng kể từ ngày về làm vợ Mua, cô cũng như bao người vợ Mông tảo tần khác, sáng dậy sớm thắt khăn lưng váy lên nương, tối về ngồi canh cái nồi rượu xình xịch suốt đêm trong xó bếp để phục vụ chồng.
Từ nhỏ, Mái rất ít khi ra khỏi đỉnh núi trước nhà. Khi chồng bị bắt, cô đang mang bầu đứa thứ 2, còn đứa con gái đầu của mới được hơn một tuổi. Oái oăm thay, lần đầu tiên cô vượt sương mờ non cao, vượt miền rừng khuất nẻo Pú Nhi để về thành phố Điện Biên Phủ lại là ngày cô phải chứng kiến chồng mình bị đưa ra xét xử. Mua lĩnh án tử hình, cô chôn vùi xuân sắc trong những khoảnh nương xa ngút trỉa trồng trên biển đá tai mèo. Giờ mong muốn lớn nhất của ba mẹ con Mái là làm sao ngày có nổi hai bữa cơm ăn, mùa đông có chăn để đắp. Hỏi chuyện học của con, Mái chỉ im lặng cúi đầu. Tuy mới đây, chồng Mái đã được ân xá tội chết, nhưng với cái án chung thân, ngày về của Mua xem ra cũng còn xa lắm.
Không biết rồi đây người thân và nhất là những đứa trẻ, con của các đại ca, ông trùm ma túy ở Pú Nhi, cũng như ở khắp các bản làng vùng cao khác sẽ ra sao, chúng sẽ lớn lên như thế nào khi đói khát bủa vây? Dù rất nhiều kẻ khi sa vào vòng lao lý đã biết tỏ ra ăn năn hối lỗi và nói lời ân hận, thế nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Họ, đôi khi cũng viện ra những lý do kiểu như vì đói nghèo hay là bị rủ rê lôi kéo để biện hộ cho con đường phạm tội của mình. Nhưng bất luận vì lý do gì thì cũng phải nói rằng, những ông bố như Ly, như Mua đã vô trách nhiệm, đã mê muội tột cùng khi quăng những đứa trẻ vào chồng chất khổ đau từ lúc miệng còn hơi sữa. Đầu xanh có tội tình gì?!