Vấn đề quan tâm

Ninh Bình: Cần giải quyết dứt điểm việc rào chặn đường vào trại lợn ở xã Yên Mạc

Nguyễn Sự 29/07/2024 11:09

Từ khoảng tháng 7/2022 đến nay, đã 2 năm trôi qua, vụ việc người dân xóm 1 Hồng Phong, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) dựng hàng rào, giăng dây thép gai chặn lối ra vào trang trại nuôi lợn của hộ ông Hoàng Văn Điền để phản đối trại lợn gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được chính quyền sở tại giải quyết dứt điểm.

dung_rao1.jpg
Người dân xóm 1 Hồng Phong, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình dựng hàng rào chặn đường vào trang trại nuôi lợn.

Theo một số hộ dân ở xóm 1 Hồng Phong, xã Yên Mạc cho biết, trang trại chăn nuôi lợn của hộ ông Hoằng Văn Điền nằm gần khu dân cư, gây mùi hôi thối, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.

“Để phản đối trại lợn gây ô nhiễm môi trường, cực chẳng đã chúng tôi mới đổ đất, đá, dựng hàng rào để chặn xe chở cám vào trang trại chăn nuôi lợn. Mong muốn của người dân là di dời trại lợn ra chỗ khác”, một hộ dân cho hay.

dung_rao2.jpg
Người dân dựng hàng rào chặn đường ra vào trại lợn.

Vụ việc người dân xóm 1 Hồng Phong đổ đất, đá, dựng hàng rào, giăng dây thép gai… chặn đường ra vào trại lợn hộ ông Hoàng Văn Điền đã diễn ra 2 năm nay. Cũng trong khoảng thời gian này, đã có lần người dân và phía trại lợn xảy ra đụng độ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự địa phương.

Cụ thể, trong tháng 7/2024, hộ ông Điền vận chuyển thức ăn chăn nuôi bằng máy xúc qua hàng rào thì nhiều người dân xóm 1 Hồng Phong đã tập trung phản đối kịch liệt, giữa hai bên có sự giằng co, nguy hiểm hơn có người dân còn ngồi hẳn lên gầu máy xúc.

dung_rao3.jpg
Người dân ngăn cản việc vận chuyển thức ăn chăn nuôi (bao cám) vào trong trang trại lợn. (Ảnh: NDCC)
dung_rao.jpg
Một người dân ngồi hẳn lên gầu máy xúc ngăn cản công nhân vận chuyển thức ăn chăn nuôi (bao cám) vào trại lợn. (Ảnh cắt từ clip)

Bà Trần Thị Mừng (vợ của ông Hoàng Văn Điền, chủ trại lợn) cho biết: "Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình tôi được các cấp phê duyệt và đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh. Vợ chồng chúng tôi đã dồn hết vốn liếng và đi vay mượn để tạo nguồn vốn về chăn nuôi, phát triển kinh tế. Nhưng người dân tự ý đào đường, đổ đất, rào chắn để chặn đường ra vào trang trại của gia đình tôi, không cho chúng tôi vận chuyển thức ăn, mua bán trao đổi lợn thịt, lợn giống đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của gia đình".

Theo bà Mừng, vụ việc người dân xóm 1 Hồng Phong (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đổ đất, đá, dựng hàng rào, giăng dây thép gai chặn lối vào trại lợn đã kéo dài 2 năm nay nhưng các cấp chính quyền vẫn không xử lý dứt điểm. “Nếu trang trại nhà chúng tôi không đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh trên khu vực đó nữa thì mong các cấp chính quyền hỗ trợ tìm quỹ đất cho gia đình tôi di dời trang trại đến vị trí khác theo quy định, đảm bảo quyền lợi cho gia đình tôi”, bà Mừng nói.

Theo giấy tờ bà Mừng cung cấp, hộ gia đình ông Hoàng Văn Điền, bà Trần Thị Mừng (xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) được cấp diện tích 5.724 m2, thời hạn thuê đất 30 năm. Diện tích xây dựng chuồng trại nuôi lợn là 1.000 m2, nuôi gà thả vườn 500m2, đào ao thả cá 700 m2; thu hoạch mỗi năm 1.200 con lợn giống, 500 con lợn thịt,…

Tháng 12/2020, UBND tỉnh Ninh Bình có hỗ trợ 30 % kinh phí cho hộ ông Hoàng Văn Điền mua 100 con lợn nái để thúc đẩy nhanh tái đàn nhằm đảm bảo thực phẩm cho người dân.

dung_rao4.jpg
Người dân buộc dây thép gai vào hàng rào.

Trao đổi với PV Báo Công lý về sự việc trên, ông Phạm Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Mạc khẳng định, việc người dân xóm 1 Hồng Phong tự ý dựng hàng rào chặn lối vào trại lợn hộ ông Hoàng Văn Điền là không đúng quy định. UBND xã đã nhiều lần mời các hộ dân cũng như chủ trại lợn lên xã làm việc, đối thoại nhưng hai bên vẫn chưa nhất trí.

Để xử lý dứt điểm việc người dân dựng hàng rào, chặn đường vào trại lợn suốt 2 năm qua, ông Thọ cho hay: “UBND xã tiếp tục vận động người dân tự tháo dỡ hàng rào vào trang trại lợn của hộ ông Điền. Còn về phía ông Điền phải thực hiện những cam kết với người dân, một là tháo dỡ dãy chuồng 512m2; hai là chăn nuôi trong giai đoạn này phải giảm đàn xuống còn 250 con; ba là, môi trường phải hạn chế; bốn là, từ ngày 1/1/2025 phải thực hiện theo Luật Chăn nuôi".

"Về phía huyện, anh Đạt (Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô – PV) đã giao cho phòng ban chuyên môn, Phòng Nông nghiệp căn cứ vào các văn bản, căn cứ vào luật để ban hành các văn bản, thông báo cho hộ ông Điền thực hiện từ nay cho đến ngày 1/1/2025”, ông Thọ nói.

Đề nghị các cơ quan, ban, ngành tỉnh Ninh Bình cần vào cuộc quyết liệt giải quyết dứt điểm vụ việc trên để người dân ổn định cuộc sống, qua đó đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã Yên Mạc.

Nguyễn Sự