Đời sống

Đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh

Tuyết Nhung - Dương Dũng 27/07/2024 - 09:45

Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hi sinh vì nền tự do, hạnh phúc của Tổ quốc. Sinh ra từ những miền quê, với những tên gọi khác nhau. Bỏ lại thời xuân xanh để cống hiến cho đất nước. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn còn những nỗi đau “vô danh”. Xin được nhắc lại tên bài thơ được khắc trên bia đá tại Nghĩa trang liệt sĩ hữu nghị quốc tế Việt - Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” của Nhà thơ Văn Hiền, như một lời nhắn gửi rằng, các anh hùng liệt sĩ không phải vô danh. Họ đều là con của mẹ, của cha và ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc từ một vùng quê nào đó. Họ cũng có tên, có tuổi như bao người khác.

snapedit_1721061685784.png

Những bia mộ cùng chung "họ tên"

Trên những cánh đồng cỏ xanh mướt hay trong những nghĩa trang yên bình, có những bia mộ liệt sĩ đứng im lặng, trang nghiêm. Điều đặc biệt là trên những bia mộ này, nhiều khi chúng ta thấy một cái tên duy nhất: “Liệt sĩ không biết tên". Mỗi ngôi mộ là một câu chuyện, một cuộc đời. Họ đã sống và chiến đấu với tất cả tình yêu dành cho Tổ quốc, với lòng dũng cảm và sự kiên cường không lùi bước. Khi nằm xuống, họ đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá, đó là độc lập, tự do của dân tộc.

dff.jpg
Bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh” của Nhà thơ Văn Hiền.

Trả lại tên cho liệt sĩ để Tổ quốc không mất tên anh chỉ là một trong chuỗi những việc làm tri ân những anh hùng liệt sĩ, thương binh đã ngã xuống, đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc. Những năm gần đây, công tác “đền ơn, đáp nghĩa” được Đảng, Nhà nước, nhân dân hết sức quan tâm và cơ quan trực tiếp thực hiện là Bộ LĐ-TB&XH đang có rất nhiều nỗ lực. Hàng ngàn mộ liệt sĩ đã được xác định ADN, đưa về quê hương theo nguyện vọng của gia đình.

Những cán bộ sỹ quan ở Cục Chính sách, Bộ Quốc phòng hàng ngày vẫn trăn trở với từng hồ sơ, tài liệu và những lá đơn của thân nhân gửi về. Hành trình đi tìm hài cốt liệt sỹ vẫn dang dở và cần có thêm thời gian. Nhưng thời gian cũng không còn quá nhiều. Bởi, càng chậm trễ, cơ hội trả lại tên cho liệt sĩ vô danh càng ít. Hơn ai hết, những người lính hiểu rõ sự mong ngóng của gia đình thân nhân liệt sỹ và tự thấy trách nhiệm vất vả nhưng lớn lao, họ tìm kiếm với quyết tâm cao nhất.

Cả nước còn 530.000 liệt sĩ chưa biết tên. Hiện, đã đưa được khoảng 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa biết tên về trên 3.000 nghĩa trang trên cả nước; còn khoảng 180.000 hài cốt liệt sĩ vẫn đang nằm ở các chiến trường xưa, ở bên Lào, Campuchia nhưng chưa tìm được vị trí.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 45 năm, vì vậy, công tác tìm kiếm mộ liệt sĩ thời gian tới được xác định sẽ khó càng khó hơn bởi thông tin về địa điểm, địa hình ngày càng thay đổi do ảnh hưởng của thời tiết; những đồng đội người còn, người mất, không còn nhớ chính xác phần mộ…

Minh chứng đau thương nhất cho những ngôi mộ cùng “họ tên” có lẽ phải nhắc tới Thành cổ Quảng Trị . Khác với nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sĩ nào có mộ, cho dù biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành Cổ Quảng Trị mới thấy, các anh chỉ có duy một ngôi mộ tập thể. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó. Sự dữ dội, quyết liệt của trận “quyết chiến chiến lược” này đã trở thành kinh điển khắc khoải đến đau nhói.

huyen_anh_son_dang_huong_ngay_thuong_binh_1.jpg
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào trong đêm.

Một chiếc ba lô, một mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước và khẩu súng AK. Chỉ vậy thôi mà các anh đã làm nên lịch sử. Nằm soi mình bên dòng Thạch Hãn anh hùng, Thành Cổ Quảng Trị hôm nay vẫn uy nghi, vẫn linh thiêng hào khí tuổi thanh xuân. Thế nhưng chính nơi đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất đã thấm đẫm máu của hàng nghìn chiến sĩ và đồng bào ta.

Nhưng điều đau xót và có lẽ là sự mất mát không bao giờ bù đắp được cho dân tộc ta nhất là hài cốt các anh hùng không có nữa do khối lượng bom đạn quá lớn cày xới tất cả.

Sau hàng chục năm đã đi qua, nhưng cho đến nay dưới 16 ha diện tích của Thành Cổ, hài cốt của các chiến sỹ giải phóng quân vẫn nằm dưới đó. Mỗi lớp cỏ non là một vành máu lửa, vẫn sáng bừng theo những tháng năm. Cuộc chiến tại Thành Cổ Quảng Trị đi vào lịch sử như những trang bi tráng nhất, 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” với những ký ức không thể nào quên.

Tại nơi lưu giữ những ký ức đau thương nhưng cũng rất đỗi tự hào đã được xây dựng một ngôi mộ tập thể với cột thông thiên giữa trời và đất. Dù đã bao lần nhưng vẫn thấy rưng rưng, trong đầu tự nhiên vang câu thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Máu đào của các chiến sĩ đã nhuốm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Các anh nằm giữa lòng đất Mẹ và dù trên tấm bia đá kia có ghi tên tuổi cụ thể hay chỉ là dòng chữ “Liệt sĩ chưa rõ họ tên” thì các anh cũng không bao giờ vô danh. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng!

rgg.png
Đoàn công tác Báo Công lý viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt – Lào

Nỗi đau với những người ở lại

Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, cuộc chiến bảo vệ biên giới cũng đã lùi xa, nhưng hiện vẫn có rất nhiều gia đình liệt sĩ chưa tìm được mộ người thân, đó là vết thương chưa lành của những người mẹ, người vợ, con liệt sĩ.

Dù khó khăn vất vả, nhưng các cán bộ sỹ quan trong lực lượng tìm kiếm hài cốt liệt sĩ luôn tâm niệm đây là công việc thiêng liêng cao quý. Họ không khỏi đau đớn khi tìm thấy những hố chôn tập thể, nhưng cũng vui mừng khôn xiết khi tìm được một thông tin quý giá trong lọ penixilin, hay mảnh nhôm khắc tên liệt sĩ.

Những chiến sĩ ra đi chắc sẽ không cảm nhận nỗi đau này. Nhưng những người mẹ, người vợ, người chị, người em thì đây luôn là niềm khắc khoải của họ. Chưa bao giờ họ ngơi hy vọng, chưa bao giờ họ thôi mong ước. Chờ một phép nhiệm màu, để ngày nào đó tìm thấy được người thân của mình. Xin phép được lấy bài thơ ‘Người mẹ trong khu mộ liệt sĩ vô danh” của nhà thơ Trần Quốc Hùng nói thay nỗi niềm của họ.

Người mẹ trong khu mộ liệt sĩ vô danh

Mẹ lặng ngồi bên ngôi mộ Vô danh
Tay vuốt tấm bia không tên đã cũ
Thắp nén hương, nhổ từng cây cỏ
Thầm khấn câu gì đủ Mẹ nghe thôi.
Mẹ lầm lũi đi giữa ánh nắng trời
Mồ hôi ướt đầm, lưng còng gập xuống
Bình nước mang theo Mẹ không nỡ uống
Dành để chia đều vài giọt tới từng anh.
Đời Mẹ nghèo trải hai cuộc chiến tranh
Lấy chồng lính, con lớn lên vào lính,
Chồng thương binh, lo trở trời ốm bệnh
Con hy sinh vùng biên giới Việt Lào.
Trong nghĩa trang con nằm dưới mộ nào
Ở hàng cuối, phía trên hay ở giữa?
Sao Mẹ biết, mà làm sao biết nữa
Người chôn con cũng hy sinh rồi.
Trận đánh bờ sông, trận đánh lưng đồi
Con ngã xuống, như bao đồng đội khác
Bom đạn, nắng mưa bào mòn dấu vết
Đồng đội trở về, tóc cứ bạc thêm.
Mẹ ra về, như chừng bước chậm hơn
Chiều nhạt nắng gió hàng cây xào xạc
Các con đây từ mọi miền đất nước
Đều là con mình, vì Tổ quốc hy sinh.
(Bài viết nhân dịp 27.7)

Trần Quốc Hùng

Còn nhiều người con anh hùng của Tổ quốc vẫn hòa mình trong lòng đất Mẹ, dưới những con sông êm đềm chảy trong hòa bình... Chẳng cần tên tuổi, cũng chưa được trở về quê hương. Nhưng họ không lẻ loi, bởi luôn có đồng đội ở bên, luôn có thế hệ sau tưởng nhớ, biết ơn, nâng niu sự hy sinh xương máu ấy. Xin các anh hãy cứ yên nghỉ bên đồng đội. Bởi, hành trình đi tìm và đón các anh trở về vẫn đang còn đang tiếp tục...

Tác giả: Tuyết Nhung

Đồ hoạ: Dương Dũng

Tuyết Nhung - Dương Dũng