Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tấm gương sáng của nền Báo chí cách mạng Việt Nam
30 năm (từ 1967 đến 1997), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho nghề báo và gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Cộng sản. Sự nghiệp báo chí của đồng chí Nguyễn Phú Trọng gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Là cây bút lý luận, đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc, với những bình luận sắc bén, là tấm gương sáng để các thế hệ nhà báo noi theo. Sau này, trên các cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn hết sức coi trọng và phát huy vai trò của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và dành sự quan tâm đặc biệt đối với đội ngũ những người làm báo nước nhà.
Nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp Chí Cộng sản tự nhận mình là người may mắn vì được làm việc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng ở Tạp chí Cộng sản từ khi ông mới 25 tuổi. Tấm hình ông được chụp với Tổng Bí thư trong một lần làm việc được phóng to, treo trang trọng tại phòng khách của gia đình. Đối với ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thầy, người thủ trưởng, người anh với nhiều kỷ niệm xúc động.
“40 năm qua tôi làm báo chuyên nghiệp, cũng rất vinh dự luôn được sự gửi gắm tin cậy của Tổng Bí thư. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng dù ở cương vị nào vẫn luôn luôn dành cho tôi sự quan tâm như một người anh, một người thủ trưởng, đặc biệt như một người thầy”, Nhà báo Nhị Lê bày tỏ.
Nhà báo Nhị Lê không thể quên chuyến công tác cùng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó đang là Phó Vụ trưởng Vụ Xây dựng đảng, Tạp chí Cộng sản tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vào ngày 15/12/1986, đó cũng là ngày Khai mạc Đại hội lần thứ 6 của Đảng.
“Mùa đông, rất rét, đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ vào đôi chân trần của những cháu học sinh đến trường, quay sang hỏi tôi “Em nghĩ gì?”. Tôi thưa lại với đồng chí: “Anh ạ, hôm nay là khai mạc Đại hội lần thứ 6, Đại hội đổi mới của Đảng ta, em kỳ vọng Cuộc đổi mới sẽ làm cho những đôi chân trần kia, có đôi dép để đi tới lớp những ngày đông giá. Tôi nhìn thấy trên gương mặt của đồng chí Nguyễn Phú Trọng lúc bấy giờ có hai giọt nước mắt chảy ra. Đấy là hình tượng mà tôi ám ảnh mãi cho đến tận bây giờ… Việc rất nhỏ như vậy, nhưng nói thay tất cả suy nghĩ, khát vọng, hành động của Tổng Bí thư suốt mấy chục năm qua”, Nhà báo Nhị Lê nhớ lại.
30 năm gắn bó với nghề báo ở Tạp chí Cộng sản, Cơ quan lý luận và chính trị hàng đầu của nền Báo chí cách mạng Việt Nam, nhà báo Nguyễn Phú Trọng được đồng nghiệp quý trọng. Sự nghiệp báo chí của ông gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Từ những năm 1967 đến 1997, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã viết, biên tập hàng trăm bài báo lý luận với nhiều thể loại khác nhau, từ xã luận, chuyên luận, bình luận, tiểu phẩm đến giới thiệu sách, giới thiệu kinh nghiệm thực tiễn, phê phán các biểu hiện sai trái, tiêu cực… với tất cả sự trải nghiệm và tâm huyết của mình.
Giờ đây, đọc lại những bài viết như “Bệnh sợ trách nhiệm” đăng năm 1974 với bút danh Người xây dựng; “Tình đồng chí” đăng năm 1979; “Chức vụ và uy tín” đăng năm 1984 cùng dưới bút danh Trọng Nghĩa hay bài “Cái làm nên uy tín Đảng viên” đăng năm 1990, chúng ta thấy rõ quan điểm, cách nhìn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về thực tế đời sống và về việc làm cho Đảng mạnh, dân tin đã hình thành từ sớm và nhiều điều vẫn còn tính thời sự.
Trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chí đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các bài viết đã bám sát các vấn đề của cuộc sống, có thêm nhiều hàm lượng thông tin; nhiều bài viết đã đi sâu vào thực tiễn, phục vụ đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
20 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản, có nhiều năm gắn bó với đồng chí Nguyễn Phú Trọng, GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên Tổng Giám đốc VOV, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương nhìn nhận: “Đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng trước hết và trên hết là một nhà lý luận chính trị. Chặng đường ở Tạp chí Cộng sản là vừa học hỏi, vừa tiến bộ, nhưng đồng thời cũng là tích lũy trình độ về lý luận chính trị để tiếp đấy làm những công việc khác, một vị trí khác cao hơn. Nhưng phải là tạp chí là cái nôi để củng cố, để nâng tầm hiểu biết về lý luận chính trị”.
Với VOV, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã về thăm, làm việc ở nhiều cương vị khác nhau. Năm 2015, VOV tròn 70 tuổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự Lễ kỷ niệm. Đó là niềm vinh dự và khích lệ to lớn, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về những đóng góp của VOV với đất nước.
Nguyên Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Đăng Tiến nhớ lại: Với tình cảm lớn của nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thăm hỏi, động viên và căn dặn các nhà báo của VOV phải giữ vững được nội dung các chương trình phát sóng để tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước một cách hiệu quả nhất, nhanh nhất. Đặc biệt phải tiếp tục phát triển VOV theo hướng đa phương tiện với đủ 4 loại hình báo chí.
“Chúng tôi cũng xác định và về sau này trong chiến lược phát triển của Đài đưa Đài trở thành một cơ quan truyền thông đa phương tiện, trong đó có cả phát thanh, báo điện tử, truyền hình và báo viết đến được tất cả những đối tượng công chúng. Đấy là định hướng và đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ quên đồng chí có hỏi cơ quan có có bao nhiêu người? Khi tôi trả lời thì Tổng Bí thư bảo phải chăm lo đến đời sống đời sống anh em. Anh em yên ổn thì mới yên ổn được. Đồng chí nói rất giản dị, nhưng chúng tôi nghĩ rất thấm thía. Tôi nghĩ đấy là những điều mà Tổng Bí thư quan tâm, dặn dò rất cụ thể, rất chiến lược với sự phát triển của Đài Tiếng nói Việt Nam”, Nguyên Tổng Giám đốc Nguyễn Đăng Tiến kể lại
Ngày 20/7/1998, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác tư tưởng, văn hóa và khoa giáo của Đảng đến làm việc tại VOV đã khẳng định: “Dù có truyền hình, có Báo điện tử và nhiều phương tiện thông tin đại chúng khác nhưng phát thanh vẫn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Nó là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đồng thời là diễn đàn rộng rãi, người bạn tâm tình của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng ủng hộ và yêu cầu VOV khẩn trương đưa chương trình của Đài lên internet, xuất bản tờ báo in “Đài Tiếng nói Việt Nam” nay là báo Tiếng nói Việt Nam; thiết kế một chiến lược phát thanh lâu dài của nước ta, một nước sẽ có hơn 100 triệu dân, nâng cao chất lượng nội dung chương trình. Tầm nhìn và sự ủng hộ của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã giúp VOV có sự phát triển đột phá và càng thấy rõ giá trị khi đặt vào thời điểm năm 1998, khi mạng internet chưa phát triển ở Việt Nam.
Là người làm báo lâu năm, am hiểu hệ thống thống báo chí, nhưng ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có sự phân cách nào, không có sự đặt ngôi thứ cao thấp trong công việc. Báo chí cả nước nhớ mãi hình ảnh đồng chí Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng sáng 1/2/2021, khi đó Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ về kinh nghiệm 30 năm làm báo, đồng cảm với những trăn trở, suy tư của người làm báo để có được một tác phẩm báo chí tốt và kịp thời phục vụ công chúng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của mỗi người dân đất Việt.
Đồng chí Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Đồng chí Nguyễn Trọng là người rất am hiểu, rất chia sẻ với những người làm báo, ủng hộ đánh giá, chia sẻ. Bất cứ điều gì liên quan đến hoạt động báo chí, đồng chí sẵn sàng nói chuyện, trao đổi. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người đặc biệt quan tâm đến hiệu quả trách nhiệm của công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chính sách chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ tấm gương học tập, hành nghề của báo chí và quan tâm lãnh đạo chỉ đạo báo chí của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, theo tôi quan trọng nhất đối với người làm báo là cái tâm nghề, làm nghề vì cái gì, cho ai. Tức là chúng ta làm nghề, hành nghề vì đất nước, vì dân tộc, vì lợi ích của nhân dân, hạnh phúc nhân dân. Chúng ta làm nghề ấy chính là góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của Nhà nước, bảo vệ chế độ”.
Tại Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 10 vào năm 2015, cũng là kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, căn dặn những người làm báo cả nước: “Nghề làm báo là một nghề cao quý thiêng liêng, nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần tiến công, đấu tranh, loại bỏ cái sai, cái xấu, bảo vệ cái đúng, cái tốt vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân. Yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra cho báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam hiện nay là hết sức nặng nề nhưng cũng thật vẻ vang”. Đó vừa là lời nhắn nhủ, vừa là lời tâm tình, sẻ chia của nhà báo Nguyễn Phú Trọng, đồng thời là định hướng và là động lực mạnh mẽ để các nhà báo hôm nay cùng nhau tiếp tục xây dựng một nền báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, dân chủ và nhân văn, xứng đáng với sự tin tưởng gửi gắm của Tổng Bí thư, nhà báo Nguyễn Phú Trọng, tấm gương sáng của báo chí nước nhà.