Chính trị

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân

Trung Nguyễn 26/07/2024 18:48

Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới… Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

tbt2.png

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân

Tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng Ban Lễ tang đọc Điếu văn, nêu rõ: “Gần 60 năm hoạt động cách mạng phong phú, bền bỉ, Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với trí tuệ uyên bác, sắc sảo đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hệ thống tư tưởng và lý luận quý giá về con đường cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhà tư tưởng Nguyễn Phú Trọng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã làm sáng tỏ lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, về vai trò của Đảng Cộng sản, về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Di sản vô giá đó đã củng cố niềm tin mãnh liệt về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của phong trào cộng sản trên thế giới, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay…

Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, lần đầu tiên Đảng ta ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đồng chí luôn trăn trở, đau đáu với vấn đề xây dựng cơ quan lập pháp thực sự là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, thực sự dân chủ và đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và phát triển mạnh mẽ đất nước.”

tbt_npt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân tham dự Lễ hội Đền Hùng năm Bính Thân 2016. Ảnh:TTXVN

Trước đó, trong bài viết "Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân", Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã khẳng định: Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu với vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân.

Trên cương vị công tác của mình, nhiều năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì nhân dân, do nhân dân. Những bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được tập hợp thành các cuốn sách có ý nghĩa về mặt chính trị hết sức lớn lao.

Trong đó, Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, và mới đây nhất là Cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” góp phần cung cấp những luận điểm quan trọng, mang tính khoa học về những giá trị cốt lõi của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vai trò, vị trí quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Ở Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, 29 bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần làm rõ hơn đặc trưng, nguyên tắc, ý nghĩa lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là thành tựu của văn minh nhân loại, phản ánh trình độ phát triển cao về tổ chức, hoạt động nhà nước, về pháp luật và thực hiện pháp luật. Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, thực tế này phù hợp xu thế vận động và phát triển của nhà nước, pháp luật đương đại, đồng thời phù hợp thực tiễn Việt Nam.

Khác với nhà nước pháp quyền tư sản, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang xây dựng mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là “công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân đã tạo ra cơ chế vận hành hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Để cơ chế này thực sự có hiệu quả đòi hỏi Nhà nước Việt Nam phải phát huy tốt vai trò của các chủ thể trong hệ thống này, đặc biệt vai trò của nhân dân. Cho nên, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thật sự là nhà nước dân chủ, như Tổng Bí thư đã chỉ rõ, “Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân...; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội”.

sach-tbt-mic-768x646-768x646.png
Cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong bài viết giới thiệu về cuốn sách “Quốc hội trong tiến trình đổi mới đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Với những đánh giá, tổng kết sâu sắc về lý luận được rút ra từ thực tiễn phong phú, cuốn sách góp phần cung cấp những luận điểm quan trọng, mang tính khoa học về những giá trị cốt lõi của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và vai trò, vị trí quan trọng của Quốc hội Việt Nam trong công cuộc xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Trong lĩnh vực xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Đồng chí nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tổng Bí thư chỉ đạo việc đẩy mạnh cải cách tư pháp, tăng cường vai trò của tòa án, đảm bảo công lý và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đồng chí cũng nhấn mạnh việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các cơ quan nhà nước.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều văn bản pháp luật quan trọng đã được ban hành và sửa đổi, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Đồng chí cũng chỉ đạo việc đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân.

Theo PGS.TS Võ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong nhiều năm qua, đặc biệt từ Đại hội XI của Đảng đến nay đã thể hiện hệ thống quan điểm về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ngày càng sâu sắc và toàn diện. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân trong quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư là những vấn đề lớn có ý nghĩa chỉ đạo tổng thể, mang tính nền tảng về lý luận và thực tiễn, nội hàm sâu rộng với những nội dung quan trọng.

Đặc trưng cốt lõi của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân theo quy định của pháp luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhằm quản trị toàn diện đất nước theo pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân; người dân được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là “Nhà nước tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm để mỗi người dân chủ động, tích cực sử dụng, thực hiện đúng đắn và an toàn các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân trong làm ăn, sinh sống, đóng góp mọi sức người, sức của, năng lực và trí tuệ xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mục đích của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhằm giữ vững và phát huy mạnh mẽ hơn nữa tính nhân dân, tính dân chủ và nhân văn của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng chí nêu rõ mục đích tối thượng này trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị đất nước: “Định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế từng bước được xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển”.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp là nhiệm vụ trung tâm để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 về “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Nghị quyết đặt mục tiêu “Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045”.

nguyen_phu_trong.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được nhân dân tin yêu, kính mến

Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra 5 nhóm quan điểm, xác định mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 và 3 trọng tâm. Đối với tư pháp, Nghị quyết đặt mục tiêu phải đạt đến năm 2030, đó là: “Hoàn thành cơ bản việc xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, Nghị quyết xác định một trong ba trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là: “Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Như vậy, cải cách tư pháp là nhiệm vụ trung tâm để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nội dung chủ yếu của cải cách tư pháp tập trung vào các nhiệm vụ đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án. Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, cần tiếp tục đổi mới tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: Trong bộ máy Nhà nước ta, TAND có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, là “một thiết chế thực hiện quyền lực Nhà nước, có nhiệm vụ chăm lo bảo vệ công lý, là nơi biểu hiện sâu sắc nhất bản chất của Nhà nước, là biểu tượng nền công lý quốc gia”. Quá trình phát triển của Tòa án luôn gắn liền với quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta.

Tổng Bí thư nói: Tòa án Việt Nam là Tòa án của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Với tinh thần cải cách tư pháp thể hiện trong Hiến pháp 2013, hoạt động của Tòa án là trọng tâm của công tác tư pháp. Trong suốt quá trình từ khi ra đời, Tòa án ngày càng phát triển, trưởng thành, đóng góp rất lớn cho việc bảo vệ công lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của nhân dân.

tbt_hn2.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tòa án năm 2019

Tại Hội nghị toàn quốc về Cải cách tư pháp, PGS,TS Nguyễn Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TANDTC, khẳng định cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là bảo vệ quyền con người.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, nghiêm minh. Tòa án có đủ thẩm quyền và năng lực để xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp, bảo đảm quyền tài phán quốc gia. Xây dựng nhân lực của Tòa án trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái; Đổi mới và cơ cấu lại các chức danh tư pháp. Đổi mới tổ chức bộ máy, thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn tư pháp; nâng cao chất lượng và uy tín để Tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án, xây dựng Tòa án điện tử…

Để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối với cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền tư pháp: xây dựng nền tư pháp liêm chính, độc lập, dân chủ, hiện đại bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà nước pháp quyền, vì thế trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư đã yêu cầu “cần tập trung xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, để qua đó nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết các vụ việc, vụ án, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của các chủ thể pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội…

Những phân tích, tổng kết, đánh giá thể hiện quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một bộ phận quan trọng trong hệ thống quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Các luận điểm quan trọng trong hệ thống quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vấn đề này cung cấp vũ khí tư tưởng - pháp lý, định hướng khoa học, hướng dẫn hành động cho sự phát triển của Đảng và đất nước trong tình hình mới.

Trung Nguyễn