Vấn đề quan tâm

Đề xuất nguyên tắc chuyển giao tù nhân

Nguyễn Cúc 26/07/2024 - 16:56

Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Trong đó quy định nguyên tắc chuyển giao tù nhân phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cụ thể, Dự án Luật quy định về nguyên tắc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù như sau:

Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định của Luật này; trường hợp Luật này không quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án hình sự, pháp luật đặc xá và các quy định khác của pháp luật Việt Nam có liên quan.

tu.jpg
Hình minh họa

Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù thì hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.

Bảo đảm các yêu cầu về chính trị, quốc phòng, an ninh-trật tự, ngoại giao, pháp luật và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; nguyên tắc tội phạm kép và nguyên tắc không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm; quyền con người của người đang chấp hành án phạt tù theo quy định pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Về áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định cụ thể về căn cứ áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; trình tự, thủ tục xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại; cơ quan chủ trì xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại (Bộ Công an với tư cách là Cơ quan trung ương trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù).

Các quy định này sẽ giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác quốc tế trong chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại so với quy định của Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Các trường hợp đặc biệt khi xem xét điều kiện về thời hạn chưa chấp hành án phạt tù, dự thảo Luật quy định, gồm: Để phục vụ yêu cầu đối ngoại giữa Việt Nam và nước ngoài; người đang chấp hành án phạt tù bị bệnh nặng; người đang chấp hành án phạt tù là người cao tuổi, người chưa thành niên, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Bộ Công an cho biết, thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.

Các thành viên của Ban soạn thảo gồm đại diện các cơ quan: Văn phòng Chính phủ; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Bộ Tài chính; Bộ Nội vụ; Bộ Công an; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Quốc phòng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Ban soạn thảo đã tiến hành các hoạt động triển khai nghiên cứu xây dựng dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).

Dự án Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương và gửi lấy ý kiến của các Thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật.

Hồ sơ dự án Luật được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình. Đồng thời, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định.

Nguyễn Cúc