Bình Thuận ra mắt ngân hàng thực phẩm
Ngày 26/7, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận và Ngân hàng thực phẩm Việt Nam đã ra mắt Ngân hàng thực phẩm Bình Thuận (Food Bank Bình Thuận).
Theo Hội chữ thập đỏ tỉnh, Bình Thuận là một trong những địa phương thuộc vùng duyên hải Miền trung, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, nhưng người dân vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Cụ thể, Bình Thuận vốn là vùng khô hạn, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Biến đổi khí hậu đã gây ra hạn hán, nắng nóng, mưa bất thường, ảnh hưởng lớn đến năng suất và chất lượng cây trồng. Năng lực sản xuất của tỉnh còn thấp, nhiều nông dân còn thiếu kiến thức, kỹ năng, công nghệ canh tác tiên tiến, dẫn đến năng suất và chất lượng sản phẩm thấp.
Hệ thống thủy lợi, đường giao thông, kho lạnh, chế biến chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ nông sản. Sản phẩm nông sản của Bình Thuận còn phụ thuộc vào thị trường trung gian, giá cả bấp bênh, gây khó khăn cho người nông dân.
Do đó, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bình Thuận đã kết hợp với Food bank Việt Nam cho ra mắt ngân hàng thực phẩm, nhằm chống lại tình trạng thiếu đói, lãng phí thực phẩm và tình trạng ô nhiễm môi trường; đồng thời giúp người dân phát triển kinh tế nông nghiệp, mỗi tỉnh thành mà kho thực phẩm Food bank mở ra sẽ là nơi tiếp nhận và chia sẻ nguồn thực phẩm đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống…
Chủ tịch Ngân hàng thực phẩm Việt Nam (Food Bank Việt Nam), Nguyễn Tuấn Khởi cho biết, Food bank Việt Nam hiện là thành viên của mạng lưới Food Bank toàn cầu với 50 nước trên thế giới, có trụ sở chính tại Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, mạng lưới Food Bank Việt Nam hoạt động đa dạng các mô hình khác nhau phù hợp với từng địa phương và đã phát triển, mở rộng mô hình tại 12 tỉnh, thành phố như: TP.HCM, Bến Tre, Hà Nội, Kiên Giang, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Kon Tum, Sơn La...
Theo thống kế từ năm 2018 cho đến đầu năm 2024, Food Bank Việt Nam đã tiếp cận và hỗ trợ trực tiếp cho 8 triệu người, 46 tỉnh/thành phố, phân phối 21 triệu kg thực phẩm, mở rộng thêm 13 kho thực phẩm và câu lạc bộ thực phẩm cộng đồng, hỗ trợ người khó khăn trên phạm vi 63 tỉnh/thành phố, thu hút hơn 1.000 tình nguyện viên trên cả nước, phục vụ 18 triệu bữa ăn cho các đối tượng yếu thế, hỗ trợ 625 tổ chức cộng đồng...;
Trong đó có 56% người được hỗ trợ là trẻ em và 65% những người được hỗ trợ là phụ nữ và trẻ em gái. Và tiếp theo, Food Bank Việt Nam tiếp tục ra mắt thêm chi nhánh tại Vĩnh Long và trên phạm vi của 20 tỉnh, thành phố khác.
Trở lại với Food Bank Bình Thuận, ngân hàng thực phẩm này sẽ trực tiếp thực hiện mục tiêu đề ra; đảm bảo được nguồn lực, hàng hóa để hỗ trợ đa dạng nguồn thực phẩm cho người khó khăn, yếu thế, nhất là đối tượng trẻ em và người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Food Bank Bình Thuận còn tăng cường thúc đẩy và phối hợp cùng cơ quan, ban ngành, tổ chức doanh nghiệp tại địa phương triển khai các chương trình chung tay vì cộng đồng, hướng đến một xã hội phát triển không còn người đói và bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu “Vì một ngày mai xanh”.