Nước mắt tuôn rơi trong ngày Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sỹ Cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh,
Với 80 năm tuổi đời, gần 57 năm tuổi Đảng, 14 năm trên cương vị Tổng Bí thư, hơn 2 năm trên cương vị Chủ tịch nước, hơn 5 năm trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn trăn trở, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người chiến sỹ Cộng sản, nhà lãnh đạo xuất sắc, trí tuệ, bản lĩnh, một nhân cách lớn và nghĩa tình đã ngừng đập vào ngày 19/7/2024.
Sáng 25/7, tại Nhà Tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, TP Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam theo nghi thức Quốc tang.
Trong niềm xúc động, tiếc thương sâu sắc, từ sáng sớm, các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ lão thành cách mạng, CBCS lực lượng vũ trang cùng đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân Thủ đô và nhiều tỉnh, thành trong cả nước và các đoàn đại biểu quốc tế đã cùng tề tựu về khu vực Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông dự Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; bày tỏ lòng biết ơn, sự kính trọng đối với một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, ngọn cờ lý luận của Đảng, người học trò xuất sắc không ngừng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, sống trọn cuộc đời vì nước, vì dân.
Ngay từ rạng sáng 25/7, lực lượng chức năng gồm Công an, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương đã tổ chức phân luồng giao thông, ngăn cản, cấm triệt để các phương tiện di chuyển vào khu vực cấm đường phục vụ Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Dù không thể di chuyển theo lộ tuyến hàng ngày mình vẫn đi, nhưng người dân khi được nhắc nhở vẫn nghiêm túc chấp hành việc cấm đường và lập tức tìm kiếm lộ trình khác mà không chút phàn nàn.
Tại các điểm ngã tư giao cắt các tuyến phố, lực lượng chức năng TP. Hà Nội đã thiết lập các chốt chặn, điểm quét căn cước công dân gắn chip để phục vụ người dân đến viếng lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cũng trong rạng sáng 25/7, đồng chí Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã trực tiếp có mặt kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong ngày tổ chức trọng thể Lễ tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đúng 7h, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang.
Theo ghi nhận của nhóm PV báo Công lý, từ 3, 4h rạng sáng 25/7, những dòng người từ mọi nẻo đã đổ về Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông. Những người từ Nghệ An, Thái Bình, Yên Bái, Bắc Ninh… đã di chuyển cả đêm với mong muốn được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhiều người dân ở các tỉnh, thành xa xôi đã tới đây từ rất sớm, tất cả đều dường như lặng yên trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự mất mát to lớn của cả dân tộc.
"Hai hàng nước mắt tôi cứ rơi khi nghe tin Tổng Bí thư mất...Cả cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư đã cống hiến trọn vẹn đến giây phút cuối cùng cho đất nước, cho nhân dân. Lòng dân chúng tôi luôn hướng về đồng chí Tổng Bí thư, người Cộng sản kiên trung hết lòng vì nhân dân, vì đất nước", nữ Cựu chiến binh Đoàn Thị Ngọc Lan xúc động chia sẻ.
"Tôi muốn lên đây để có thể bày tỏ lòng tiếc thương, kính trọng đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cả đêm thao thức không ngủ được, cứ nghĩ đến việc vị Tổng Bí thư của chúng ta đã ra đi tôi không thể cầm được nước mắt", ông Xèng buồn rầu nói.
Đặc biệt, trong ngày buồn của cả dân tộc, có một đoàn viếng đặc biệt đó là đoàn viếng của ông Nguyễn Ngọc Sơn (nguyên là Giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) - thầy giáo trực tiếp giảng dạy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông đang theo học lớp Ngữ văn khóa 8, khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (niên khóa 1963 - 1967). Đoàn viếng của thầy Sơn gồm thầy và những người bạn cùng lớp với đồng chí Nguyễn Phú Trọng từ thuở hàn vi. Giờ đây, khi trái tim ấy đã ngừng đập, thầy giáo, bạn học năm xưa cũng đến để tiễn đưa ông đi nốt đoạn đường cuối cùng.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức Lễ tang, từ 18h ngày 25/7, nhân dân sẽ được vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Đức Sơn, Tuyết Nhung.
Hình ảnh, đồ họa: Tuấn Dũng.