Pháp đình

Bị cáo Trịnh Văn Quyết xin khắc phục hậu quả bằng tài sản cá nhân trị giá 5.000 tỷ đồng

Mạnh Hùng 24/07/2024 - 14:04

Trước cáo buộc về trách nhiệm bồi thường gần 4.300 tỉ đồng trong vụ án, bị cáo Trịnh Văn Quyết nói “xin được dùng tài sản trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của cá nhân để khắc phục”.

04232c5e-9bd0-45bf-a764-9bc2e529a3dc.jpeg
Các bị cáo tại phiên tòa

Cựu Chủ tịch FLC được bị hại đề nghị giảm nhẹ hình phạt

Sáng nay (24/7), phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán bước sang ngày làm việc thứ 3- phần xét hỏi.

Sau khi các luật sư kết thúc phần hỏi của mình, HĐXX đề nghị bị hại nêu ý kiến.

Một trong các bị hại là ông V.X.H. (61 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết ông mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros từ khoảng năm 2018-2019, hiện còn nắm giữ 1.300 cổ phiếu.

Thời điểm mua cổ phiếu, ông H. tự tìm hiểu về công ty Faros và không biết gì về ông Trịnh Văn Quyết cũng như dàn lãnh đạo của doanh nghiệp này.

"Cổ phiếu hiện tôi vẫn nắm giữ, chưa có thiệt hại. Vì vậy tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh ấy về tiếp tục sản xuất kinh doanh, để cổ phiếu chúng tôi lại tiếp tục được giao dịch trên sàn chứng khoán"- ông H. nêu ý kiến.

Tương tự, một bị hại khác cũng thể hiện mong muốn HĐXX sớm giải quyết vụ án, "để anh Quyết về giải quyết hậu quả. Tôi nghĩ rằng anh Quyết là người sẽ giải quyết hiệu quả nhất".

eaca3aca-caa6-4885-819d-0ee1fdb26033.jpeg
Bị cáo Trịnh Văn Quyết

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề nghị được đền bù bằng tiền. Anh V.T.N. (ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh) trình bày việc mình đang sở hữu 200.000 cổ phiếu ROS, đề nghị được cho giao dịch lại loại cổ phiếu này, hoặc đền bù bằng số tiền nhà đầu tư đã mua cổ phiếu.

Còn anh L.Q.H. (50 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang "mắc kẹt" 150.000 cổ phiếu ROS nhưng hiện không được coi là bị hại mà chỉ là người liên quan. Anh H. mong muốn HĐXX xác định tất cả những cổ đông, người đang nắm giữ cổ phiếu ROS là bị hại.

Ngoài ra, ông H. cũng mong muốn cựu Chủ tịch FLC dùng tài sản của mình để mua lại cổ phiếu của những cổ đông không còn muốn đồng hành với doanh nghiệp nữa.

Xin được bán cổ phiếu FLC để khắc phục hậu quả

Trước đó, khi trả lời câu hỏi của các luật sư, bị cáo Trịnh Văn Quyết khai, Công ty Faros sau khi được mua lại đã thực hiện các dự án của hệ thống của Tập đoàn FLC, đã thi công nhiều công trình lớn rộng hàng nghìn ha và các tòa tháp tại Hà Nội, Bình Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá,... Ngoài thi công các dự án cho FLC, Công ty Faros còn thi công các dự án cho chủ đầu tư khác như công viên Chủ đề (công trình ngoài trời có quy mô khoảng 3.500 chỗ); khu đô thị ở Đà Nẵng.

7d8a01b9-6862-4164-81cf-345d9ab59023.jpeg
Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa

Trong thời gian từ tháng 9/2016 – 7/2018 giá cổ phiếu ROS của Công ty Faros tăng từ 10.000 đồng lên hơn 43.000 đồng/cổ phiếu và có thời điểm, cổ phiếu ROS tăng hơn 214.000 đồng/cổ phiếu (năm 2017).

Luật sư hỏi bị cáo Quyết vì sao giai đoạn 2016-2018, bị cáo đã chỉ đạo mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu ROS với giá mua trung bình là 107 đồng/cổ phiếu mà không bán ra lúc giá cao, mà để đến lúc chỉ còn khoảng hơn 2.000 đồng/cổ phiếu mới thực hiện bán ra?

Cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho biết, từ khi mua lại Công ty Faros, bị cáo chưa bao giờ có ý định muốn bán cổ phiếu mà lúc nào cũng muốn giữ, sở hữu thêm và mua thêm. Thời điểm 2020-2021, do dịch Covid-19, khó khăn về tài chính nên bị cáo đã bán cổ phiếu của Công ty Faros. Tuy nhiên, trong suy nghĩ và kế hoạch thì bị cáo mong bán ra rồi sẽ mua lại, nhưng đến năm 2022 bị bắt nên không thực hiện được.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng cho biết vẫn dùng tài sản cá nhân của mình để đảm bảo hoạt động bình thường của Công ty Faros vì đây là công ty bị cáo rất tâm huyết.

19da129e-c683-4937-a1c4-e5a1758d8be3.jpeg
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh trả lời các câu hỏi của HĐXX

Trước cáo buộc về trách nhiệm bồi thường gần 4.300 tỉ đồng trong vụ án, bị cáo Quyết nói “xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng để khắc phục”.

Tuy nhiên, theo bị cáo, số tài sản này bị phong tỏa từ ngày bị bắt đến nay. Hiện nay, bị cáo mới được cơ quan cơ quan tố tụng cho phép bán tài sản "tâm huyết" là hãng hàng không Bamboo, trước mắt đã thu được gần 200 tỷ đồng (tiền được chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra). Số tiền 500 tỷ còn lại, bị cáo sẵn sàng nộp khắc phục hậu quả. Đồng thời, "bị cáo sẽ tiếp tục nhờ gia đình tác động để có được khoản bồi thường từ bạn bè, người thân, tìm mọi cách để khắc phục hậu quả của vụ án".

"Bị cáo kính mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo được xử lý tài sản cá nhân gần 5.000 tỷ đồng, đang bị phong tỏa 2 năm qua để khắc phục hậu quả vụ án. Bị cáo tha thiết mong HĐXX tạo điều kiện thuận lợi. Trong quá trình điều tra, truy tố, bị cáo đã đề nghị được bán cổ phần tại Tập đoàn FLC nhưng đến nay chưa được phép. Bị cáo sẽ tìm mọi cách để khắc phục hậu quả"- Bị cáo Trịnh Văn Quyết trình bày.

Cuối giờ xét xử buổi sáng 24/7, HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển sang phần tranh luận vào sáng 25/7, bắt đầu bằng việc đại diện Viện kiểm sát luận tội và đề nghị mức án.

Mạnh Hùng