Pháp đình

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC: “Tôi chấp nhận phán quyết của Hội đồng xét xử”

Mạnh Hùng 23/07/2024 - 13:02

Gần cuối giờ làm việc của phiên xét xử sáng (23/7), HĐXX đề nghị đưa bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) từ phòng cách ly vào phòng xử để thực hiện phần xét hỏi đối với bị cáo này.

924624b3-a944-4813-98fa-1189eb567cfe.jpeg
Bị cáo Trịnh Văn Quyết trả lời các câu hỏi của HĐXX

"Bị cáo tôn trọng cáo trạng"

Trả lời HĐXX, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết, bị cáo tôn trọng cáo trạng và "chấp nhận phán quyết của HĐXX”.

Khai về hành vi phạm tội, ông Quyết thừa nhận việc chỉ đạo Doãn Văn Phương (Cựu Tổng giám đốc FLC, hiện đang bỏ trốn- PV) mua lại Công ty Green Belt (tiền thân của Công ty Faros), đồng thời chỉ đạo việc nâng vốn sở hữu của công ty này. Tuy nhiên, bị cáo chưa bao giờ có ý định chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Chủ trương mua lại công ty này là để khai thác lĩnh vực xây dựng, chủ động trong hoạt động đầu tư, xây dựng của cả hệ thống Tập đoàn FLC.

Theo cáo buộc, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán; chỉ đạo một số bị cáo thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng "thổi giá" 5 mã cổ phiếu để bị cáo thu lợi bất chính

Tại tòa, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế khai nhận, bản thân chỉ làm theo sự chỉ đạo của anh trai vì ông Quyết là người đưa danh sách có đánh dấu sẵn các cá nhân sở hữu cổ phần, Huế chỉ đánh máy lại, kèm tiêu đề “Danh sách cổ đông của Công ty Faros” rồi đưa lại cho Quyết.

Ngoài ra, em gái của cựu Chủ tịch FLC cũng cho biết ông Quyết là người chọn sẵn tài khoản để giao dịch trong ngày, bà Huế chỉ thao tác trên máy tính; khi nào anh trai nhắn tin “mua/bán” thì bà bắt đầu thao tác đặt lệnh.

Liên quan đến hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo Huế cho biết anh Quyết là người bảo bị cáo đi mượn giấy tờ của người thân, người quen rồi mang về báo cáo Quyết, và tiếp tục làm làm theo sự chỉ đạo của ông Quyết.

1314b952-637e-4fa6-bd9c-ea868bd50fbe.jpeg
Toàn cảnh phiên tòa tại phòng xử chính

Cuối phần khai báo, bị cáo Huế khẳng định bản thân không hưởng lợi từ những hành vi nêu trên, đồng thời mong HĐXX xem xét các số liệu trong hồ sơ mà bị cáo đã xác nhận.

Biết sai vẫn làm vì "được thanh toán tiền hợp đồng kiểm toán"

Trong phần xét hỏi, bị cáo Lê Công Điền (cựu Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước- bị truy tố tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”) cho biết, bị cáo đã ký Công văn số 4298 ngày 1/7/2016 có nội dung, "chấp thuận Công ty Faros là công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu là 4.300 tỷ đồng, với 114 cổ đông" là trái pháp luật. Sau đó, thông tin sai lệch này đã được đăng lên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để toàn thị trường chứng khoán biết.

Theo cáo buộc, hành vi trên đã giúp Trịnh Văn Quyết làm thủ tục niêm yết, bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại hơn 3.621 tỷ đồng cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Trước bục khai báo, bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh (Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH kiểm toán và kế toán I Hà Nội- bị cáo buộc đồng phạm về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản") thừa nhận, các báo cáo tài chính năm 2014, năm 2015 và báo cáo vốn chủ sở hữu từ ngày 1/1/2016 đến ngày 21/3/2016 của Công ty Faros (công ty thành viên của Tập đoàn FLC) và các tài liệu thu thập được không đủ căn cứ để đưa ra ý kiến chấp thuận toàn phần theo chuẩn mực kiểm toán. Tuy nhiên, bị cáo vẫn ký ban hành báo cáo kiểm toán có nội dung chấp thuận toàn phần đối với các báo cáo tài chính và báo cáo vốn góp chủ sở hữu của Công ty Faros trái quy định.

Theo bị cáo Tỉnh, nguyên nhân dẫn đến sai phạm là do Tập đoàn FLC và các công ty trong hệ sinh thái là khách hàng lớn và thường xuyên nên dù biết là trái quy định, nhưng bị cáo vẫn thực hiện để được Tập đoàn FLC thanh toán tiền hợp đồng kiểm toán.

Mạnh Hùng