Hà Nội: Người dân xã Tân Lập tham gia hội nghị tuyên truyền phòng, chống mua bán người
Hiện nay, tình trạng mua bán người vẫn diễn ra với phương thức thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi hơn. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người được xã Tân Lập, huyện Đan Phượng (Hà Nội) triển khai đồng bộ, quyết liệt.
Ngày 22/07, tại UBND xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho gần 100 cán bộ, hội viên và nhân dân xã Tân Lập.
Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch số 133/KH-UBND ngày 02/5/2024 của UBND TP Hà Nội về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024; Kế hoạch số 1737/KH-SLĐTBXH ngày 17/5/2024 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hà Nội về triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024, nhằm hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”,
Hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quần chúng nhân dân trong công tác phòng, chống mua bán người gắn với tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người, nhất là các kiến thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người; cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; thông tin đường dây nóng, địa chỉ tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, góp phần làm giảm các nguy cơ, ngăn chặn tội phạm mua bán người và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập với cộng đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Đồng chí Lê Tuấn Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Tân Lập nhấn mạnh, mặc dù các đường dây mua bán người liên tục bị triệt phá nhưng tội phạm đang ngày càng có những thủ đoạn tinh vi. Do đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ từ xa, từ sớm của các cơ quan chức năng. Tại xã Tân Lập, do có tốc độ đô thị hóa nhanh, dẫn đến quá trình di dân cơ học, kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, làm tăng tiềm ẩn nguy cơ mua bán người.
“Chính điều này đặt ra thách thức cho lực lượng chuyên môn, đồng thời đòi hỏi người dân trên địa bàn cần nâng cao cảnh giác, tích cực tuyên truyền để mọi người nhận diện được những thủ đoạn tội phạm thường lợi dụng, để từ đó có biện pháp đấu tranh” - ông Hồng cho biết.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thúy Hằng, đại diện Chi Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) đã chia sẻ và cung cấp những kiến thức quan trọng về nạn mua bán người, khái quát tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn cả nước và huyện Đan Phượng; nguyên nhân dẫn đến tội phạm mua bán người; thủ đoạn, động cơ, mục đích, tác hại của tội phạm mua bán người; nâng cao nhận thức của người dân trong việc cảnh giác, phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm buôn bán người...
Buổi tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức của về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người, về tình hình tội phạm, kiến thức, kỹ năng nhận diện để phòng, chống loại hình tội phạm buôn người, giúp người dân có tư tưởng, lập trường vững vàng trước những cám dỗ; từ đó thực hiện tốt việc tuyên truyền vận động người thân phòng tránh nạn buôn người; tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh; chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán.
Hội nghị đã diễn ra đạt chất lượng, hiệu quả, với gần 100 người dân, học sinh tại địa bàn tham gia.
Trong thời gian tới, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.
Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: Từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Lào. Hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài, cưỡng bức lao động, lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, trên cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng về hành vi này.