Chính trị

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Tổ chức TAND 2024

Duy Tuấn 22/07/2024 11:10

Về vị trí, vai trò của Tòa án nhân dân (TAND), Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh, Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp".

Sáng 22/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch Nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 7.

ta1.jpg
Toàn cảnh họp báo.

Tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, uy tín của TAND

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Tổ chức TAND, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật Tổ chức TAND năm 2024 gồm 09 chương, 152 điều. Trong đó, bổ sung mới 48 điều và có nhiều điểm mới.

Việc xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Về quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật: nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các Nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luât; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa: Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Toà án nhằm bảo đảm các Toà án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp, bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với tổ chức và hoạt động tư pháp.

ta3.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến

TAND thực hiện quyền tư pháp

Về vị trí, vai trò của TAND, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến, nhấn mạnh, Luật cụ thể hoá quy định tại Điều 102 của Hiến pháp “ Toà án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp"; Thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, Điều 3 Luật Tổ chức TAND năm 2024 đã bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Theo đó, "Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”.

Bổ sung 2 nhiệm vụ, quyền hạn đối với Tòa án

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án, đáng chú ý, luật bổ sung 2 nội dung quan trọng là: Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật và Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc (các Điều 3, Điều 27 và Điều 31).

Đồng thời, không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tổ vụ án hình sự tại phiên tòa. Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trọng việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật. Tòa án hướng dẫn, yêu cầu, hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập chứng cứ.

Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp, giao nộp; kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ; căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc (Điều 15).

Thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuvên biệt

Về đổi mới tổ chức bộ máy của Tòa án, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật quy định về việc tổ chức lại lại bộ máy giúp việc của TANDTC, TAND cấp cao. Theo đó, cơ cấu tổ chức của TANDTC bao gồm: Văn phòng, Cục, Vụ và tương đương; Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng; Cơ quan báo chí.

Bổ sung trong cơ cấu TANDTC ngoài Thẩm phán TANDTC thì còn có Thẩm phán TAND và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán TAND công tác tại TANDTC (Điều 47 và Điều 93).

Luât Tổ chức TAND năm 2024 cũng bổ sung quy định Tòa án nhân dân cấp cao có các Vụ (các Phòng giám đốc, kiểm tra được tổ chức lại thành các Vụ - đơn vị cấp Vụ loại 2) (Điều 51).

Đặc biệt, thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt (các điều 4, 62 và 63). Theo đó, để đảm bảo tính chuyên môn hóa và sự chuyên sâu trong hoạt động xét xử vụ việc về sở hữu trí tuệ, phá sản: bảm đảm tính độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử các vụ án hành chính, Luật Tổ chức TAND năm 2024 bổ sung quy định về việc thành lập các TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, TAND chuyên biệt Phá sản với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể như sau:

TAND sơ thẩm chuyên biệt Hành chính sơ thẩm vụ án hành chính đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh trở lên.

TAND sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ sơ thẩm vụ việc về sở hữu trí tuệ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, sơ thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính (khoản 2 Điều 62).

TAND chuyên biệt Phá sản giải giải quyết vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của TAND theo quy định của luật (khoản 3 Điều 62).

Ch quy định 2 ngạch là Thẩm phán

Về ngạch, bậc Thẩm phán, Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Luật sửa đổi theo hướng chỉ quy định Thẩm phán gồm 02 ngạch là Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán TAND (Điều 90).

ta2.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TAND (các Điều 94, 95): Bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 28 tuổi trở lên).

Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Tiến, đối với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các Tòa án thì không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử” nhưng phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên nếu được điều động sang làm lãnh đạo tại các Tòa án nhân dân cấp huyện; từ đủ 15 năm trở lên nếu được điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo TAND sơ thẩm chuyên biệt, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao, Tòa án Quân sự quân khu và tương đương, Tòa án Quân sự Trung ương.

Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC (Điều 96): Đáng chú ý, Luật bổ sung trường hợp luật sư, giảng viên đại học có trình độ cao về pháp luật, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị- xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội- nghề nghiệp, bảo đảm quy trình theo quy định thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Thẩm phán TANDTC.

Về nhiệm kỳ của Thẩm phán (Điều 100), Luật quy định, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, Thẩm phán TAND được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Bổ sung quy định Thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc xem xét để công nhận liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ... (các Điều 101, Điều 110).

Duy Tuấn