Chọn ngày 24/7 làm Ngày truyền thống Thừa phát lại Việt Nam
Ngày 24/7- ngày Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP cho phép tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP.HCM, ngày này cũng được chọn làm Ngày truyền thống Thừa phát lại Việt Nam.
Ngày 20/7, Hội Thừa phát lại TP.HCM tổ chức gặp mặt lần thứ 6 với chủ đề: “Kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển Thừa phát lại Việt Nam".
Ông Lê Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Thừa phát lại TP.HCM chia sẻ, 15 năm qua, mặc dù chưa có Hiệp Hội Thừa phát lại toàn quốc, nhưng với tinh thần: "Thừa phát lại Việt Nam - Đoàn kết & phát triển", tổ chức Thừa phát lại đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Qua đó, góp phần giảm tải cho các cơ quan Thi hành án và Tòa án.
"Sự chuyên nghiệp và tính minh bạch trong hoạt động của Thừa phát lại đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao từ các cơ quan nhà nước và người dân", ông Hùng nói.
Ông Hùng nhìn nhận, ngoài những thành tựu, Thừa phát lại vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Thừa phát lại, hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý để nghề này phát triển ngày càng bền vững.
"Trong tương lai, chế định Thừa phát lại cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong hệ thống pháp luật, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam", Chủ tịch Hội Thừa phát lại TP.HCM Lê Mạnh Hùng kỳ vọng.
Liên quan đến tổ chức Thừa phát lại, ngày 24/7/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2009/NĐ-CP cho phép tổ chức thí điểm chế định Thừa phát lại tại TP.HCM.
Sau giai đoạn thí điểm, chế định Thừa phát lại đã chứng tỏ được vai trò quan trọng và hiệu quả của mình.
Năm 2013, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP mở rộng phạm vi thí điểm trên toàn quốc. Cũng từ đây, các văn phòng Thừa phát lại trên cả nước tăng nhanh về số lượng và chất lượng.
Đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Từ đó, chế định Thừa phát lại chính thức đi vào hoạt động trên toàn quốc cho đến nay.
Nghề Thừa phát là một lĩnh vực pháp lý đặc thù, với nhiều nhiệm vụ như lập vi bằng (ghi nhận các sự kiện, hành vi có giá trị chứng cứ); tống đạt văn bản (giao nhận văn bản tố tụng, văn bản hành chính theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát và các cơ quan khác); thi hành án (thực hiện Thi hành án dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan); xác minh điều kiện thi hành án (giúp các cơ quan thi hành án kiểm tra, xác minh điều kiện thi hành án của đương sự)...