Vụ “asen trong nước mắm”: Sự cố truyền thông và trách nhiệm của báo chí
Đời sống - Ngày đăng : 09:45, 28/10/2016
Kinh doanh nỗi sợ hãi
Trong vô vàn nỗi lo sợ thì nỗi lo ăn phải thực phẩm bẩn đe dọa tính mạng, sức khỏe luôn thường trực với mỗi người tiêu dùng. Và, chính nỗi lo sợ này lại trở thành mảnh đất màu mỡ để một số doanh nghiệp dùng làm chiêu bài để kinh doanh.
Vào tháng 7/2005, thông tin nước tương chứa 3-MCPD có nguy cơ gây ung thư trên một số tờ báo đã khiến dư luận rất hoang mang. Sau đó, hàng loạt nhãn nước tương truyền thống và công nghiệp được đưa đi thử nghiệm và ra kết quả: chỉ có một nhãn hàng không chứa chất 3-MCPD, trong khi đại đa số nhãn nước tương truyền thống chứa chất này ở mức vượt ngưỡng.
Điều đáng nói, trước đó chính nhãn hàng nước tương (được xác định không chứa chất 3-MCPD) nói trên từng bị một tổ chức ở Bỉ cáo buộc có chất 3-MCPD, nhưng sau đó thông tin này biến mất trên một số tờ báo mạng, thay vào đó là quảng cáo cho nhãn hàng này. Với đòn đánh vào nỗi sợ hãi của người dân về an toàn thực phẩm cộng với sự trợ giúp của một số cơ quan báo chí, nhãn hàng nước tương này thắng lớn, nhanh chóng thống lĩnh thị trường.
Tháng 10/2016, thông tin “nước mắm chứa thạch tín” còn gây sốc hơn, vì thạch tín vốn là thứ chất cực độc gây chết người. Lần này, khơi mào thông tin là Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Mặc dù không phải là cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm, nhưng cơ quan này đã nhiệt tình mang cả trăm mẫu mắm đi kiểm nghiệm. thạch tín (asen). Kết quả theo cơ quan này công bố là nước mắm truyền thống có chỉ số asen vượt ngưỡng: “Đặc biệt, có khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện asen vô cơ”.
“Sự cố asen” ảnh hưởng đến sản xuất nước mắm truyền thống
Đáng nói ở chỗ, cơ quan này không hề giải thích giữa hai loại asen hữu cơ và vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại. Đồng thời nhấn mạnh “các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng” nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống. Những thông tin này lập tức xuất hiện trên báo chí.
Vài ngày sau khi hội này công bố hàm lượng asen trương nước mắm, một doanh nghiệp đưa ra quảng cáo ồ ạt việc hàm lượng asen trong nước mắm của mình an toàn. Đây cũng chính là doanh nghiệp đã hưởng lợi từ vụ 3-MCPD cách đây 11 năm. Tuy nhiên, lần này dư luận, người tiêu dùng không dễ mắc lừa. Một chiến dịch “truyền thông bẩn” với sự cấu kết của doanh nghiệp và một số cơ quan báo chí, truyền thông đã và đang bị phanh phui. Tờ báo đăng bài và quảng cáo cho sản phẩm nước mắm này đã phải gỡ bài và cáo lỗi trước bạn đọc.
Từ sự cố truyền thông nói trên cho thấy, trong quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp đang tồn tại những khoảng tối. Người có lỗi trong sự cố này, không chỉ có doanh nghiệp mà còn là vấn đề tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, đạo đức người làm báo. Một số tờ báo vì doanh thu, lợi nhuận đã bỏ qua tôn chỉ mục đích, sắn sàng đăng bài “đánh” doanh nghiệp chỉ để khai thác quảng cáo, hoặc trở thành công cụ của doanh nghiệp này để chèn ép, hạ bệ doanh nghiệp kia. Tuy nhiên, hậu quả của những bài báo này không chỉ là thiệt hại của một doanh nghiệp mà còn gây phương hại đến an ninh kinh tế, lợi ích của nhân dân, của đất nước. Như trong vụ “truyền thông nước mắm” nói trên, thiệt hại không chỉ đối với các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống mà còn ảnh hưởng xấu đến thị trường trong nước, xuất khẩu và niềm tin của người tiêu dùng.
Trách nhiệm của báo chí
Một trong những trách nhiệm xã hội của báo chí là trách nhiệm trong cung cấp thông tin. Thông tin tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, nó ảnh hưởng trực tiếp tới tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của con người; do đó, làm thay đổi nhận thức, quan niệm, thái độ và hành vi của con người. Nó tạo ra dư luận và áp lực xã hội đối với một hiện tượng, sự kiện cụ thể. Vì vậy, thông tin báo chí phải trung thực, khách quan và có tính định hướng xây dựng cao.
Nếu thông tin bị bóp méo, cắt xén, xuyên tạc sẽ đưa đến những hậu quả xã hội khôn lường, sẽ làm tổn hại đến uy tín cá nhân, cơ quan, đoàn thể, làm phá sản các doanh nghiệp và khiến hàng ngàn lao động mất việc làm... Thông tin báo chí, xét đến cùng, là hướng tới giúp xã hội, con người ngày càng phát triển tốt đẹp hơn, cao đẹp hơn. Vì vậy, những thông tin dẫn đến những hậu quả trái với điều này đều là phản tuyên truyền, độc hại, chống lại con người.
Trong một bài viết trên Báo Nhân dân, Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, bên cạnh các đóng góp tích cực của báo chí, đã và đang có một bộ phận người làm báo và cơ quan báo chí bộc lộ không ít tiêu cực, hoặc đang có dấu hiệu thể hiện khuynh hướng lệch lạc. Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; trong đó, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí là hiện tượng nguy hiểm, có thể gây ra tác động khôn lường.
Bộ trưởng đã cảnh báo hiện tượng: Một số tờ báo, trang tin câu kết với một bộ phận doanh nghiệp và một số cán bộ, công chức để lũng đoạn chính sách, thực hiện chiến dịch truyền thông tạo lợi thế để một số doanh nghiệp làm ăn bất chính, gây bất lợi cho doanh nghiệp khác...
Cũng theo Bộ trưởng, thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất được một số tờ báo ca ngợi, biến thành địa chỉ kinh doanh lành mạnh, phát đạt, đáng tin cậy... nhằm thu hút đầu tư, tăng hấp dẫn để bán sản phẩm; tô vẽ thành tích cho một số cá nhân để biến họ thành người thành đạt, kinh doanh giỏi,... Sau một thời gian, tất cả vỡ lở, doanh nghiệp hoặc đơn vị sản xuất được ca ngợi chỉ là nơi làm ăn thua lỗ, tài sản của Nhà nước thất thoát nghiêm trọng; cá nhân được tô vẽ thì bị phát hiện là lừa đảo, tham nhũng, có người phải nhận án tù… Đây thực sự là mối quan hệ tiêu cực, méo mó giữa doanh nghiệp và báo chí.
Để giải quyết tình trạng này, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan báo chí và nhà báo, xây dựng và thực hiện quy tắc đạo đức nhà báo một cách nghiêm ngặt. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần thanh tra, kiểm tra lại quy trình xuất bản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.