Tòa trọng tài có phán quyết tích cực góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực

Chính trị - Ngày đăng : 17:35, 13/07/2016

Ngày 12/7, Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra Phán quyết cuối cùng. PV đã có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược.

Tòa trọng tài có phán quyết tích cực góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực

Ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao

Phóng viên: Vừa qua, Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết về vụ kiện liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông do Philippines đệ trình. Ông có bình luận gì về phán quyết của Tòa trọng tài?

Ông Trần Việt Thái: Ngày 12/7, Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã đưa ra phán quyết với bản đầy đủ gồm gần 500 trang về những nội dung mà Philippines đã đệ đơn kiện lên Tòa trọng tài theo Phụ lục VII. Tòa trọng tài đã làm việc nghiêm túc, theo đúng quy trình, trình tự thủ tục, thẩm quyền theo quy định chung đối với một Tòa án được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển năm 1982. Sơ bộ những nội dung của phán quyết về cơ bản là tích cực, đặc biệt có lợi cho Philippines. Hầu hết các điểm mà Philippines nêu ra trong vụ kiện mà Tòa thừa nhận có thẩm quyền, Tòa đã tuyên bố có lợi cho Philippines.

Về nội dung cụ thể, Tòa đã đưa ra các lập luận sắc sảo, bác bỏ cơ sở pháp lý của “Đường lưỡi bò”, bác bỏ quyền lịch sử mà Trung Quốc nêu ra trong phạm vi của “Đường 9 đoạn” vô lý mà Trung Quốc nêu ra trong thời gian qua. Đây cũng là lần đầu tiên Tòa đưa ra được bộ quy chế rõ ràng đối với các cấu trúc trên biển: Thế nào là đảo, thế nào là đá, thế nào các bãi nửa nổi nửa chìm. Đó là bước tiến lớn của nhân loại trong lĩnh vực pháp lý. Điều này làm phong phú thêm các án lệ trong thực tiễn xét xử các vụ kiện liên quan đến Luật Biển. Đó cũng là cơ sở quan trọng để sau này các nước tiến hành phân định biển hay các hoạt động khác liên quan đến pháp lý biển. Ngoài ra, Tòa cũng có những phán quyết rất rõ ràng liên quan đến hành động phá hoại môi trường cũng như liên quan đến các hành vi vi phạm của Trung Quốc đối với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nhìn về tổng thể, tôi cho rằng đây là phán quyết tích cực phù hợp với quy định, trình tự, thủ tục pháp lý đã được quy định tại Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, về lâu dài sẽ góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định trong khu vực và có nhiều nội dung đáng được hoan nghênh.

Phóng viên: Theo ông, Phán quyết của Tòa trọng tài có tác động như thế nào đối với việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và các nước liên quan?

Ông Trần Việt Thái: Trước hết, Tòa đã dựa trên nhiều lập luận, chứng cứ để đưa ra phán quyết này, góp phần giảm đáng kể phạm vi tranh chấp, diện tranh chấp. Việc bác bỏ cơ sở pháp lý của “Đường lưỡi bò”, đã làm giảm đáng kể phạm vi tranh chấp ở khu vực, đặc biệt là Trường Sa. Nhiều điểm trong phán quyết này có thể mở rộng diện áp dụng ra cả khu vực bên trong “Đường lưỡi bò”. Điều đó cũng góp phần quan trọng, làm giảm phạm vi tranh chấp. Quy chế pháp lý đối với các thực thể trên biển, sẽ là những cơ sở quan trọng để các nước có những đánh giá, nhận định đầy đủ về tuyên bố của mình, từ đó góp phần làm rõ ràng hơn, minh bạch hóa các tuyên bố lập trường của các bên trên Biển Đông. Đối với các hành vi vi phạm của Trung Quốc, Tòa đã làm rõ các loại hình, mức độ vi phạm và những kết luận của Tòa là rõ ràng. Đây sẽ là những tiêu chí quan trọng để các nước ứng xử với nhau, không chỉ ở khu vực Biển Đông, mà còn có thể được áp dụng trên phạm vi toàn cầu, góp phần xây dựng những chuẩn mực chung, những hành xử chung của những quốc gia có trách nhiệm ở khu vực, cũng như trên trường quốc tế, phải hành xử theo luật và hành xử có trách nhiệm.

Phóng viên: Theo ông, liệu có điều chỉnh gì mới trong chủ trương, chính sách của Việt Nam về vấn đề Biển Đông sau phán quyết này?

Ông Trần Việt Thái: Tôi cho rằng, tuyên bố báo chí mới là bản tóm tắt những nội dung chính của phán quyết. Nội dung chi tiết của bản phán quyết này rất dày, khoảng 500 trang, đòi hỏi phải có quá trình nghiên cứu sâu sắc mới có thể hiểu đầy đủ, đánh giá chính xác được.

Cá nhân tôi thấy một số điểm lưu ý như sau: Những nội dung tuyên bố của Tòa trọng tài ngày 12/7, khá phù hợp với lập trường 8 điểm tại Tuyên bố mà Chính phủ Việt Nam đưa ra ngày 5/12/2014 (8 điểm này đã được Tòa trọng tài công nhận đưa vào cân nhắc). Có 4 điểm rất đáng chú ý:

Thứ nhất, Việt Nam công nhận Tòa có thẩm quyền đối với vụ kiện, đối với những điểm mà Tòa tuyên bố ngày 12/7.

Thứ hai, Việt Nam bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc dựa trên “Đường lưỡi bò”. Điều này cũng phù hợp với tuyên bố phán quyết của Tòa.

Thứ ba, Việt Nam cho rằng cả 8 cấu trúc mà Philippines đề cập cụ thể trong vụ kiện chỉ là những bãi nửa nổi nửa chìm theo Điều 13 Công ước Luật Biển năm 1982 hoặc là đá theo Điều 121 khoản 3 của Công ước Luật Biển năm 1982 và như vậy chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý. Phán quyết của Tòa ngày 12/7 đã chứng minh rằng, quan điểm lập trường của Việt Nam đúng đắn.

Thứ tư, Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền của mình nhằm sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ các quyền lợi pháp lý, các quyền lợi hợp pháp của mình ở Biển Đông. Biện pháp hòa bình ở đây có thể được hiểu là các tiến trình đàm phán ngoại giao, tiến trình pháp lý hoặc có thể sử dụng trung gian hòa giải.

Việt Nam chủ trương hòa bình giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), không được sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Tôi cho rằng, thời gian tới phản ứng của Việt Nam còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố: thứ nhất là phản ứng và cách hành xử của Trung Quốc; thứ hai là phản ứng và cách hành xử của Philippines; thứ ba là tình hình thực tiễn trên Biển Đông; thứ tư là phản ứng của các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế.

Trên cơ sở đó, tôi tin rằng, dựa trên phán quyết này, chúng ta sẽ có tuyên bố, hành động phù hợp để bảo vệ tốt nhất lập trường cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông; bảo vệ và duy trì được hòa bình ổn định ở Việt Nam và khu vực, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Tóm lại, bước đầu cá nhân tôi nhìn nhận, với phán quyết ngày 12/7 có nhiều điểm đáng hoan nghênh còn chi tiết phải có nghiên cứu sâu để từ đó làm rõ nội dung và có điều chỉnh phù hợp cả về hành vi cũng như có quan điểm lập trường phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!.

Nguyễn Hồng Điệp (thực hiện)