Buôn bán thuốc lá lậu: Vấn nạn nhức nhối
Đời sống - Ngày đăng : 06:09, 28/10/2016
Vấn nạn nhức nhối
Theo thống kê của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 tỷ gói thuốc lá lậu được tiêu thụ ở trong nước, gây thất thu cho ngân sách nhà nước trên 10.000 tỷ đồng, mất việc làm cho khoảng 1 triệu nông dân, công nhân ngành thuốc lá.
Tại phía Bắc, tình hình buôn lậu thuốc lá qua biên giới diễn ra chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai. Tại miền Trung, buôn lậu chủ yếu diễn ra ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị…Trên tuyến biên giới Tây Nam, tình hình nghiêm trọng chủ yếu diễn ra tại các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.
Có thể thấy buôn bán thuốc lá nhập lậu đang là một trong những vấn đề nhức nhối đối với các nhà quản lý. Mặc dù có nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế vấn nạn này, nhưng đến nay, tình trạng buôn bán thuốc lá nhập lậu vẫn không hề có xu hướng “giảm nhiệt”, thậm chí còn phức tạp và khó kiểm soát hơn.
Vì lợi nhuận cao, nhiều đối tượng bất chấp pháp luật để tàng trữ, vận chuyển thuốc lá lậu
Thời gian vừa qua, nhiều vụ buôn lậu thuốc lá đã bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ. Trong vòng chưa đến một tuần, Công an tỉnh Bến Tre đã bắt giữ hai vụ xe khách chở thuốc lá lậu mà quy mô lên tới vài ngàn gói.
Cụ thể, khoảng 13 giờ ngày 14/10, tại Trạm thu phí Cầu Rạch Miễu thuộc xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, Công an huyện Châu Thành phối hợp Phòng CSGT Công an tỉnh Bến Tre bắt quả tang xe khách của nhà xe Hoàng Khải chở 2.420 gói thuốc lá ngoại nhập lậu hiệu SCOTT, JET và HERO.
Trước đó ngày 10/10, Công an tỉnh Bến Tre cũng đã bắt quả tang xe khách mang biển số 71T-6953 chạy tuyến huyện Thạnh Phú - TP Hồ Chí Minh do lái xe Trần Hải (SN 1975, ngụ tỉnh Đồng Nai) vận chuyển 1.700 bao thuốc lá ngoại nhập lậu, nhãn hiệu Hero và COST.
Mới đây nhất, vào ngày 17/10, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt được một xe khách chở 400 bao thuốc lá ngoại nhập lậu.
Đáng chú ý, nhiều vụ buôn bán thuốc lá lậu khi bị phát hiện, các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Điển hình như vụ nhóm buôn lậu thuốc lá đã đánh tử vong một cán bộ Đội quản lý thị trường số 1 thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An, sau đó cướp tang vật bỏ trốn.
Bất chấp mọi thủ đoạn vì lợi nhuận
Tại tọa đàm “An toàn - hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam” mới đây, do Báo Công an nhân dân, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) và Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND cho biết: “Buôn lậu thuốc lá mang lại lợi nhuận cho giới buôn lậu chỉ đứng sau buôn bán ma túy. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn sẽ còn tiếp tục cam go, quyết liệt”.
Hàng nghìn bao thuốc lá lậu bị phát hiện
Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là nhập thuốc lá lậu qua biên giới, hợp thức hóa việc bán hàng cho cư dân biên giới để vận chuyển vào nội địa. Sau đó lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt, đưa thuốc lá vào điểm tập kết và chia nhỏ, xé lẻ thuốc lá cất giấu hoặc gia cố trên các phương tiện xe khách, xe tải và các loại phương tiện khác.
Đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu gần như công khai, thách thức các lực lượng chống buôn lậu. Không chỉ mang vác, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ mà nhiều đối tượng dùng cả ô tô, taxi, xe tải, thậm chí xe biển xanh hóa giá từ cơ quan nhà nước để vận chuyển thuốc lá qua biên giới, tuồn sâu vào nội địa. Nghiêm trọng và đáng ngại hơn, các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu nếu như bị phát hiện, ngăn chặn.
Cần mạnh tay xử lý
Mặc dù Nhà nước đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng tình trạng buôn bán thuốc lậu vẫn diễn ra phức tạp. Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu những biện pháp được đề ra có đủ mạnh để giải quyết được tình trạng này?
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (VP Luật sư Nguyễn Anh - Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, giao nhận hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu được quy định tại Điều 25 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP. Đồng thời, tội buôn bán thuốc lá nhập lậu được khép vào tội tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm
Theo đó, người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng hoá mà Nhà nước cấm kinh doanh có số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại các Điều 153, 154, 156, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các Điều 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.
Cũng theo Luật sư Thơm, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, điểm đáng lưu ý là xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu 500 bao thuốc lá lậu thay vì 1.500 bao như trước đây.
Tuy nhiên, trong Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC lại quy định số lượng từ 1.500 bao trở lên mới xử lý hình sự. Vì thế, việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển 500 bao thuốc lá điếu trở lên vẫn không khởi tố hình sự được. Chính điều đó đã làm cho tội phạm buôn bán thuốc lá lậu “nhởn nhơ” và không sợ luật.
Vì vậy, để xử lý được triệt để hơn nữa tình trạng buôn bán thuốc lá lậu, Chính phủ cần ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT/BCT-BCA-BTP-BYT-VKSNDTC-TANDTC quy định xử lý hình sự đối với hành vi buôn lậu 500 bao thuốc lá điếu…
Ngoài ra, Luật sư Thơm cho rằng để hạn chế được tình trạng buôn bán thuốc lá lậu, Nhà nước cần tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân không tham gia, tiếp tay buôn lậu, tích cực tố giác tội phạm và tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật. Đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát các tuyến biên giới để ngăn chặn hành vi vận chuyển thuốc lá lậu, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Cương quyết bắt và thu giữ các công cụ phương tiện vi phạm để phân loại xử lý theo qui định của pháp luật.
Theo số liệu từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong 2 năm qua (từ tháng 10/2014 - 9/2016) lực lượng Công an cả nước đã phát hiện, bắt giữ 3.979 vụ, tịch thu hơn 9 triệu bao thuốc lá lậu các loại, khởi tố 327 vụ và 438 bị can. Riêng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) từ khi được thành lập vào tháng 6-2015 đến nay đã phát hiện bắt giữ 16 vụ, thu giữ 264.770 bao thuốc lá lậu các loại và 206,5 tấn nguyên liệu thuốc lá lậu. |