Tra cứu nhật ký điện thoại để “săn tìm” bằng chứng ngoại tình
Đời sống - Ngày đăng : 15:31, 26/10/2016
Thông qua danh sách nhật ký cuộc gọi, tin nhắn,… dịch vụ có thể phát hiện, ngăn chặn hành vi ngoại tình, níu giữ hạnh phúc gia đình. Trong khi nhiều người ủng hộ, cho rằng dịch vụ sẽ giúp họ phát hiện, ngăn chặn vợ hoặc chồng ngoại tình, các chuyên gia lại quan ngại dịch vụ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo mật thông tin khách hàng, xâm phạm quyền riêng tư người khác.
Truy nhật ký… chống ngoại tình
Vài ngày qua, cư dân mạng xôn xao trước thông tin nhiều nhân viên kinh doanh sim số có khả năng truy tìm, liệt kê nhật ký cuộc gọi, tin nhắn của bất kỳ một số điện thoại nào mà không cần phải “sờ tay vào máy”. Những người này cho biết, thông qua việc nắm giữ, truy xuất được nhật ký các cuộc gọi đến, đi, tin nhắn, người dùng sẽ phát hiện việc chồng, vợ, người yêu của mình có ngoại tình hay không.
Cụ thể, trên trang cá nhân của mình, tài khoản có tên T.T.L. mời gọi: “Em L., 1998 nhận tra nhật ký cuộc gọi cho anh chị nào nghi ngờ chồng hay vợ có tình nhân bên ngoài. Bên em hỗ trợ Viettel, Vina. Chi tiết liên hệ: 01682.333…”.
Tại một số diễn đàn, trang mạng, dịch vụ trên cũng được nhiều người đăng tin, quảng cáo. Trên trang cá nhân, tài khoản N.T.P. khẳng định: “Có được danh sách này, các bạn sẽ nắm được chính xác số điện thoại nào hay gọi cho vợ/chồng, người thân của các bạn. Hơn thế, các bạn cũng biết chính xác vợ/chồng các bạn hay gọi cho ai, gọi bao lâu, thường gọi vào thời điểm nào trong ngày. Có được số điện thoại thường xuyên gọi đến, thường xuyên được vợ/chồng các bạn gọi đi, các bạn chỉ cần xác minh, tìm hiểu chủ nhân của nó là biết vợ/chồng các bạn có ngoại tình hay không. Dịch vụ còn giúp bạn kiểm soát các mối quan hệ của vợ, chồng, con cái các bạn. Thông qua đó, các bạn không chỉ tránh bị người thân lừa dối mà còn giúp người thân tránh được những mối quan hệ tiềm ẩn nguy hiểm”.
Dịch vụ tra cứu cuộc gọi nở rộ trên mạng
Ngay sau khi ra mắt, dịch vụ trên nhanh chóng được cộng đồng mạng ủng hộ một cách mạnh mẽ. Nhiều người không ngần ngại yêu cầu, để lại thông tin, liên hệ, xin tra cứu nhật ký cuộc gọi cho các số điện thoại của người thân. Dịch vụ được sử dụng nhiều đến mức, khách hàng phải đặt lịch hẹn, bốc số, chờ đến lượt. Để tìm hiểu, PV liên hệ, yêu cầu sử dụng dịch vụ với người tên T.T.L..
Thông qua điện thoại, người này cho biết, có thể tra nhật ký cho tất cả các số điện thoại thuộc các mạng di động khác nhau như Viettel, Mobiphone, Vinaphone,… với giá 50.000 đồng/lượt. L. cũng cho biết sẽ cung cấp nhật ký tin nhắn cho các số điện thoại mà PV yêu cầu. Tuy nhiên, khách hàng không thể đọc được nội dụng tin nhắn.
Khi được hỏi về cách thức thực hiện dịch vụ, L. hướng dẫn: “Anh cứ gửi số điện thoại anh cần tra cho em. Em sẽ gửi lại mã xác thực về số điện thoại cần tra, anh lấy mã đó cho em là được. Dịch vụ này em lấy 50.000 đồng/lượt. Nếu anh muốn kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân như tên, tuổi của số điện thoại thường xuyên gọi đến, nhắn tin đến số điện thoại mà anh cung cấp, em phải tra thông tin CMND. Việc này thuộc vấn đề thông tin bảo mật nhưng em cũng chỉ lấy 50.000 đồng/số. Nếu anh chỉ tra nhật ký một số, tra cứu thông tin người thường xuyên gọi vào số anh yêu cầu, tổng chi phí dịch vụ chỉ 100.000 đồng thôi. Anh cứ chuyển tiền vào tài khoản cho em rồi gửi số cần tra qua, em xử lý cho”.
Tại các diễn đàn, trang mạng, sự xuất hiện của dịch vụ thực sự kích nổ trào lưu kiểm tra, tìm hiểu lịch sử cuộc gọi của người thân. Tại các trang mạng công khai hoạt động dịch vụ, ngoài số lượng khổng lồ khách hàng chờ đợi đến lượt, nhiều người khác còn để lại những chia sẻ, ấn tượng sau khi sử dụng dịch vụ.
Tài khoản L.T.M.T. viết: “Mình có bà chị cũng bị chồng cắm cái “sừng” to tướng. Công việc thì không sử dụng điện thoại nhiều mà anh ta có đến 2 sim. Lúc nào, anh ta cũng để điện thoại trong túi quần, chả làm thế nào tiếp cận được. Mình chưa biết cách nào để giúp bà chị bắt có bằng chứng thì hay tin có dịch vụ này. Mình xác định được luôn tên, tuổi cô bồ nhí của ông này luôn”.
Đáng nói hơn, nhiều khách hàng còn trao đổi, kêu gọi người khác tham gia sử dụng dịch vụ vì tin rằng đây là phương pháp ngăn chặn, dập tắt chuyện ngoại tình từ trong trứng nước. Hưởng ứng “lời kêu gọi”, tại các diễn đàn, cư dân mạng nhanh chóng công khai, phân tích, chia sẻ cách thức tra lịch sử cuộc gọi, nhật ký tin nhắn,… mặc cho các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo dịch vụ đem lại nhiều nguy hại. Các chuyên gia khẳng định dịch vụ trên hết sức nguy hiểm và ảnh hưởng trầm trọng đến công tác bảo mật thông tin khách hàng của các nhà mạng.
Dịch vụ được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều người
Xâm phạm quyền tự do cá nhân
Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena cho biết: “Nếu thực sự có một cá nhân, tổ chức đang hoạt động dịch vụ tra cứu, truy xuất nhật ký cuộc gọi, tin nhắn của các số điện mà không được sự đồng ý của chủ thuê bao là hết sức nguy hiểm. Đầu tiên, hành vi này sẽ làm lộ bí mật kinh doanh của tất cả các nhà mạng. Thứ hai, hành vi này cũng làm lộ thông tin cá nhân của nhiều người khác".
"Theo tôi, dịch vụ nêu trên có thể hoạt động dưới hai trường hợp sau và cả hai đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các nhà mạng. Thứ nhất, người đứng sau hoạt động dịch vụ có thể là nhân viên của các nhà mạng. Chỉ có nhân viên của nhà mạng mới có quyền truy cập, truy xuất các dữ liệu thuộc hệ thống thông tin nói trên. Trường hợp thứ hai là hệ thống dữ liệu của nhà mạng đang bị rò rỉ, vấn đề an ninh mạng đang có vấn đề. Điều này tạo điều kiện cho người ngoài dễ dàng truy cập, đánh cắp dữ liệu, truy xuất ra ngoài. Tất nhiên, cả hai trường hợp trên đều vi phạm vấn đề an ninh mạng. Tình trạng trên đã từng xảy ra trước đây, nhiều nhà mạng cũng đã bị khách hàng kiện vì để thông tin cá nhân của họ bị rò rỉ ra ngoài”, ông Thắng cho biết thêm.
Mặt khác, nhiều chuyên gia xã hội, luật sư cũng cảnh báo dịch tra cứu lịch sử cuộc gọi, tin nhắn nêu trên vi phạm quyền bí mật đời tư của người khác. Luật sư Nông Minh Đức, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết: “Điều 38, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định rõ quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Trong đó có mục: thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Như vậy, người hoạt động dịch vụ tự ý tra thông tin, lịch sử cuộc gọi cho số điện thoại mà chưa được chủ nhân của số điện thoại đó chấp thuận là vi phạm pháp luật. Hơn nữa, trong bộ luật Hình sự có quy định về tội “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Người có hành vi vi phạm tội này tùy theo mức độ có thể bị phạt hành chính đến hai năm tù”.
Nguy cơ “trúng quả lừa” Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị mạng và an ninh mạng quốc tế Athena nhấn mạnh: “Việc quá nhiều người đăng tin quảng cáo có thể tra cứu lịch sử cuộc gọi, tin nhắn cho bất kỳ số điện thoại nào rất khó xảy ra. Nếu quá tin vào những lời quảng cáo trên, người dân có nguy cơ “trúng quả lừa”. Bởi, quy trình đảm bảo an ninh mạng của các nhà mạng hết sức nghiêm mật. Bất cứ nhân viên nào của nhà mạng khi ra vào trung tâm dữ liệu đều không được mang theo bất kỳ một thiết bị sao chép, lưu trữ nào. Hơn thế, các nhà mạng chi hàng nghìn tỷ đồng để bảo vệ hệ thống an ninh mạng của mình. Và, nếu ai đó có khả năng đột nhập vào hệ thống dữ liệu của bất kỳ nhà mạng nào họ cũng sẽ âm thầm khai thác chứ không dại dột đi quảng bá, thông tin ra ngoài”. |