Sử dụng lòng tốt đúng cách: Nhiệt tình, trí tuệ, hiểu biết
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 26/10/2016
MC Phan Anh đến với bà con vùng lũ. Ảnh: Internet
1. Những ngày này, khi người dân Miền Trung phải gồng mình chống chọi với bão lũ, trên mạng xã hội và nhiều phương tiện truyền thông đại chúng xuất hiện những hình ảnh vô cùng ấm lòng. Bên cạnh các cơ quan nhà nước, các tổ chức phi lợi nhuận, nhiều cá nhân có sức ảnh hưởng trong giới truyền thông đã không ngại đứng lên kêu gọi những tấm lòng hảo tâm đóng góp, giúp đỡ bà con trong vùng rốn lũ. Một trong những nhân vật có độ phủ sóng lớn trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, một trong những từ khóa lọt “top” những chủ đề được người dùng Google quan tâm… là MC Phan Anh.
Ông bố điển trai nghiêm khắc trong Bố ơi, mình đi đâu thế mùa 1, ngoài việc tiên phong ủng hộ với số tiền lên đến 500 triệu đồng, anh còn không ngần ngại sử dụng tài khoản cá nhân để tiếp nhận sự ủng hộ của các mạnh thường quân, rồi lại tự mình đem những món quà ấm tình đồng bào chuyển đến bà con vùng lũ. Trước hành động của anh, rất nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra. Thế nhưng, gạt bỏ tất cả những lùm xùm, những xôn xao liên quan đến việc MC Phan Anh làm từ thiện, điều còn lại mà nhiều người nhắc đến ấy là anh đã nhân lên niềm tin vào lòng tốt, sự tử tế, và vào chính các cư dân sống trong xã hội ảo mang tên Facebook – nơi vốn bị xem là chốn truyền tin đồn một cách “vô thưởng vô phạt”, hoặc thậm chí gây chết người…
MC Phan Anh đã làm một việc tốt, một việc tử tế, bởi anh đã biến lòng tốt thành hành động có ích. Tất nhiên, lòng tốt của MC gốc Hà Nội không phải của hiếm, nhưng trong guồng quay chóng mặt của cuộc sống hiện đại với lối sống nhanh, sống gấp như hiện nay, lòng tốt - hành động của anh khiến ai nấy đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu và ấm lòng.
2. Lòng tốt, ấy là phần thiện lương tốt đẹp trong nhân cách con người, được bộc lộ qua cách con người cư xử với nhau, sẻ chia, nâng đỡ và gắn kết nhau trong cuộc sống. Về lý thuyết, người có lòng tốt luôn sẵn sàng cảm thông, chia sẻ; luôn nhường nhịn, chấp nhận phần thiệt thòi về mình, không ganh ghét, đố kỵ, không nghĩ xấu hay đem những điều xấu xa để nói về người khác… Còn cụ thể, biểu hiện của lòng tốt theo như các cuốn sách đạo đức thường dạy học trò ấy là việc dắt người già qua đường, nhặt được của rơi trả người đánh mất, cứu giúp người bị nạn, đối xử công bằng với mọi người, mở lòng từ bi, bác ái đời mình làm việc thiện…
Nhiều người xem lòng tốt chính là thứ của cải vô giá, nó rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống con người. Lòng tốt khi được biến thành hành động có ích trong thực tế sẽ đem lại giá trị vật chất và tinh thần cho cá nhân con người và cộng đồng xã hội. Lòng tốt cũng chính là tài sản tinh thần nên với dù là người cho hay nhận đều thấy hân hoan, vui vẻ. Lòng tốt như một sợi dây kết nối vô hình mang con người đến gần nhau, và từ đó nhân rộng lên.
Lòng tốt, sự tử tế như một sợi dây kết nối vô hình, đưa con người xích lại gần nhau hơn
Tuy nhiên việc sử dụng lòng tốt, biến lòng tốt thành những hành động cụ thể để làm lợi ích cho người khác là vấn đề không đơn giản, nó đòi hỏi phải có sự hiểu biết. Bởi, nếu đi cùng với hiểu biết, lòng tốt và sự nhiệt tình rất đáng yêu; nhưng nếu không đi cùng với hiểu biết, đôi khi lòng tốt và sự nhiệt tình trở nên đáng sợ. Nói như Robert A. Heinlein - nhà văn gạo cội trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng người Mỹ, “lòng tốt thiếu đi sự khôn khéo luôn luôn chẳng khác gì cái ác”.
Không khó để đưa ra những dẫn chứng trong cuộc sống hàng ngày về cái gọi là “lòng tốt + sự nhiệt tình + thiếu hiểu biết = phá hoại” như công thức mà nhiều nhà quản lý từng bực mình khi phải đi sau xử lý hậu quả do nhân viên mình gây ra. Hay như điển hình cho việc “tốt không đúng cách” ấy là sự quan tâm một cách thái quá của nhiều người đến cuộc sống cá nhân của đồng nghiệp. Thế rồi, thông qua đội ngũ bà tám, câu chuyện về gia đình của một anh A, chị B nào đó mới từ đang trên đà rạn nứt có thể dẫn đến nứt hẳn, rồi đứt hẳn…
Lại nhớ, hàng năm cứ đến mùa Vu Lan, nhiều người thường mua chim, cá về phóng sinh nhằm tạo phước cho bản thân, giúp cho tâm bình an. Thế nhưng, ít ai để ý rằng, khi mua chim về phóng sinh, thì người phóng sinh lại vô tình tạo nghiệp ác cho người bắt chim đem bán. Và vì thế, liệu có quá lời nếu xem câu nói của nhà soạn kịch Hy Lạp và người đại diện nổi tiếng nhất của hài kịch Athen cổ đại Menander như một chân lý về khởi nguồn của cái ác đó là do... lòng tốt quá thừa thãi?
3. Gần đây, xã hội, cộng đồng mạng và truyền thông cùng nóng lên vụ “nước mắm Arsen”. Nếu gọi việc đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ “nước mắm chứa Arsen” có thể gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas) là một việc làm xuất phát từ động cơ tốt đẹp, việc phản ánh thông tin (thuần) một cách khách quan của nhiều cơ quan báo, đài đến độc giả cũng xuất phát từ mục đích tốt đẹp, thì chính việc chủ quan, mất cảnh giác dẫn đến gây hoang mang cho người dân, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống ngay trên sân nhà là một việc làm cần phải xem xét và nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Tính đến thời điểm này, mặc dù những thiệt hại gây ra cho chính sản phẩm nước mắm Việt truyền thống là rất lớn, trong khi Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Vinastas, với các đại diện của Bộ Công Thương, Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam; thì cũng vừa mới đây, trong buổi họp sáng 24/10, đại diện 5 Hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống cho rằng, sẽ không có chuyện khởi kiện Vinastas - nơi ra thông cáo báo chí công bố kết quả kiểm tra 150 mẫu nước mắm với “hơn 67% không đạt chỉ tiêu arsen tổng” hôm 17/10 vừa qua.
Nước mắm - câu chuyện nóng của làng báo Việt những tháng cuối năm 2016
Cũng trong buổi họp này, các doanh nghiệp nước mắm đã gửi lời cảm ơn Bộ Y tế, các nhà khoa học độc lập, các Facebooker đã bỏ nhiều thời gian công sức truy tìm, trích dẫn viết bài nêu những căn cứ khoa học tin cậy về Arsen. Hiệp hội cũng cảm ơn các cơ quan báo đài và người tiêu dùng đã sát cánh, tin tưởng và ủng hộ nước mắm truyền thống.
Việc truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm của các bên liên quan đến vụ việc này; việc có hay không “sự cấu kết tạo chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin”, nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này gây hại cho doanh nghiệp khác”; cũng như việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “liệu có ai đó đứng sau điều khiển sự tùy tiện của người công bố thông tin và truyền thông” thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào sự thật, đối với làng báo Việt Nam thời hiện đại, “nước mắm Arsen” là một sự kiện nổi bật… đáng buồn của năm 2016.
Trả lời trên VnExpress ngày 21/10, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng, vụ “nước mắm Arsen” là một sự cố truyền thông. Theo ông, “một thông tin liên quan đến tâm trạng của hàng chục triệu người tiêu dùng và công ăn việc làm của hàng trăm nghìn người... lại được công bố một cách cẩu thả không kiểm soát”; và việc cần làm là phải xóa tan nỗi sợ hãi từ sự cố này. Và theo Bộ trưởng, các cơ quan Nhà nước có liên quan “cần điều tra làm rõ động cơ, truy ra sự câu kết, xác định mức độ sai phạm và hậu quả để xử lý nghiêm minh và thông báo đồng loạt trên các phương tiện thông tin đại chúng”. Bởi “chỉ khi ấy mới thực sự xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân, mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng”, Bộ trưởng khẳng định.