Mưa lớn ở nhiều tỉnh, thành là do biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu
Đời sống - Ngày đăng : 18:15, 25/10/2016
Ngày 25/10, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (NCCC), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức “Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa NCCC và các đối tác phát triển”.
Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Phó Chủ tịch NCCC chủ trì cùng với trên 250 đại biểu đến từ các cơ quan chính phủ, phi chính phủ của Việt Nam và của gần 100 tổ chức quốc tế bao gồm các tổ chức GO và NGO.
Tại diễn đàn đã cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất về BĐKH và những tác động của BĐKH tới Việt Nam. Đây là cơ sở nền tảng để xem xét đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp; những kết quả cũng như nỗ lực của Việt Nam trong chuẩn bị triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris tại Việt Nam, thực hiện các cam kết đã nêu trong Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam và cùng cộng đồng thế giới ứng phó với BĐKH toàn cầu. Diễn đàn cũng sẽ đề cập đến các vấn đề còn thiếu hụt trong các chính sách, hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP 21.
Toàn cảnh diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao giữa NCCC và các đối tác phát triển
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu. Theo Chỉ số rủi ro về khí hậu, Việt Nam là nước đứng thứ năm về thiệt hại do thiên tai, với trung bình mỗi năm có hàng trăm người bị thương vong và thiệt hại về GDP bình quân hàng năm là 1,9 tỷ đôla Mỹ - tương đương với 1,3% GDP.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng chỉ ra rằng, do biến đổi khí hậu, những năm gần đây, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.
“Hàng năm trung bình có từ 6 đến 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Số lượng bão có cường độ mạnh xuất hiện nhiều hơn. Khu vực đổ bộ của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển dần về phía Nam và mùa bão kết thúc muộn hơn. Nhiều cơn bão có đường đi phức tạp, dị thường. Tình hình khí hậu diễn biến bất thường, rét đậm, rét hại ở phía Bắc, hạn hán kéo dài ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là những hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra phổ biến” - Phó Thủ tướng cho biết.
Trả lời câu hỏi tại sao miền Trung vừa qua có trận mưa lớn và nó có khớp với kịch bản về biến đổi khí hậu hay không?, GS. Trần Thục, Phó chủ tịch, Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu cho biết, đó là những biểu hiện của biến đổi khí hậu.
“Chúng ta thấy cực đoan khí hậu lúc nào cũng xảy ra nhưng mà xảy ra với mức độ khốc liệt, dồn dập thì đấy là những biểu hiện biến đổi khí hậu. Ví dụ như mưa lớn ở miền Trung, mưa ở Hạ Long (Quảng Ninh), mưa ở TP Hồ Chí Minh và mưa ở Hà Nội năm 2008 đó là những biểu hiện tiêu cực của biến đổi khí hậu” - GS. Trần Thục chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi Khí hậu phát biểu tại diễn đàn
Cùng quan điểm trên, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn & Biến đổi Khí hậu giải thích, “Chúng ta thấy đầu năm chúng ta bị hạn rất nặng nề đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, một số khu vực vùng ven biển. Giữa năm chúng ta bị lụt lội, lũ lụt mưa lớn ở miền Trung. Đó là 2 thái cực trái ngược nhau diễn ra trong thời gian ngắn. Có thể nói rằng biểu hiện biến đổi khí hậu nó làm cho thời tiết chúng ta ngày càng cực đoan hơn”.
Đồng thời ông Tấn cũng cho rằng nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu Việt Nam đã làm được khá là nhiều nhưng còn rất nhiều việc để làm tiếp. Kế hoạch hiệp định paris ở Việt Nam trong giai đoạn này là ưu tiên thích ứng biến đổi khí hậu. Đây là nhiệm vụ trong tâm ứng phó biến đổi khí hậu tới 2020.
Tại diễn đàn, các nghiên cứu mới nhất cũng đã chỉ ra việc biến đổi khí hậu đã diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ứng phó với BĐKH và thực hiện các yêu cầu do Thoả thuận Paris quy định. Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính hệ thống về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, tăng cường nguồn lực, minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó BĐKH và tăng cường quản lý nhà nước về BĐKH.
Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 sẽ là một trong những phương tiện quan trọng để thực hiện Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam. Chương trình SP-RCC giai đoạn 2016-2020 đã được xây dựng trên cơ sở kế thừa các thành tựu đạt được của Chương trình giai đoạn 2009-2015 đồng thời gắn chặt với các ưu tiên của Việt Nam và các yêu cầu do Thoả thuận Paris quy định.
Thông qua chương trình SP-RCC, các đối tác phát triển sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách, tăng cường năng lực, thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH. Giai đoạn 2009 đến 2015, Chương trình đã xây dựng và triển khai thực hiện trên 300 nội dung chính sách, huy động hỗ trợ quốc tế được trên 1 tỷ đô la Mỹ. Giai đoạn 2016-2020 tập trung vào thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam, với nguồn vốn huy động được thông qua Chương trình dự kiến cho năm 2016, 2017 và 2018 là gần 500 triệu đô la Mỹ.